“Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình; vì còn là thơ ấu. Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ” (câu 13–14).

Câu hỏi suy ngẫm: Trước giả thư Hê-bơ-rơ quở trách tín hữu về điều gì? Người “ăn sữa” khác với người ăn “đồ ăn đặc” như thế nào? Làm thế nào để bạn yêu thích “đồ ăn đặc” của Lời Chúa và trưởng thành hơn mỗi ngày?

Đang khi trình bày về chức vụ tế lễ thượng phẩm của Chúa Giê-xu, trước giả thư Hê-bơ-rơ phải dừng lại giải thích: “Về sự đó, chúng ta có nhiều điều nên nói, và khó cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên chậm hiểu” (câu 11). Không phải vì chủ đề về Đấng Christ quá cao siêu, khó hiểu, nhưng vì “anh em đã trở nên chậm hiểu.” Một số bản Kinh Thánh dịch là “anh em không chịu hiểu,” “tai anh em uể oải không muốn nghe.” Nói cách khác, họ không cảm thấy thích thú với những chủ đề về bản tính của Đấng Christ. Với từng ấy năm theo Chúa, lẽ ra họ đã trưởng thành và có khả năng dạy dỗ Lời Chúa cho người khác, nhưng họ vẫn còn non trẻ, không chịu lớn, vẫn cần người khác dạy cho mình những điều căn bản.

Sữa là thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ, nhưng chỉ thích hợp với những người còn non trẻ. Bởi vì “kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình” (câu 13). Có thể những người này chỉ biết tin Chúa Giê-xu thì được cứu, không còn bị hình phạt đời đời nơi hỏa ngục, và họ không quan tâm đến những điều còn lại. Họ không hiểu Kinh Thánh dạy gì về chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời, mà đỉnh điểm là qua chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Chúa Giê-xu. Họ cũng không hiểu phương cách áp dụng Lời Chúa trong đời sống.

Trách nhiệm của mỗi người tin Chúa là phải lớn lên, từ chỗ chỉ “ăn sữa” chuyển sang “đồ ăn đặc.” Đáng buồn thay, nhiều tín hữu thường than thở vì sao mục sư lúc nào cũng giảng Kinh Thánh mà không nói chuyện gì “thực tế” một chút như thời sự chẳng hạn. Họ cảm thấy hào hứng với những buổi hội thảo về kỹ năng quản lý tiền bạc, dạy dỗ con cái, xây dựng gia đình… nhưng thờ ơ, uể oải khi nghe giảng dạy về bản tính của Chúa, về chương trình cứu rỗi của Ngài.

Trái ngược với tín hữu non trẻ, người trưởng thành trong Chúa biết luyện tập khả năng phân biệt điều lành và điều dữ (câu 14). Đó là những người có đời sống kỷ luật thuộc linh, biết đọc, học, suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày và biết cách áp dụng vào trong cuộc sống mình qua từng trường hợp cụ thể, biết đâu là điều nên làm, đâu là điều Chúa vui lòng. Tăng trưởng thuộc linh là một hành trình lâu dài và nhiều thách thức, đòi hỏi mỗi Cơ Đốc nhân “dụng tâm tư luyện tập,” để chính mình được trưởng thành, kết quả cho Chúa, giúp nhiều người đến với Ngài.

Bạn có yêu mến và ham thích “đồ ăn đặc” không?

Cảm tạ Chúa vì Lời Ngài tra xét con, giúp con nhận biết con đang trưởng thành hay vẫn còn non trẻ. Xin cho con thêm lòng yêu mến Lời Chúa, biết sống cuộc đời kỷ luật để được tăng trưởng đức tin mỗi ngày và kết quả cho công việc Chúa.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 29.

Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=nlAZurNnaIo&list=PLy5dD_318r0Ws2dYZe-s5j15pDCdHfK1s&index=6

Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=8KY0rNcTMnw&list=PLy5dD_318r0WcBVKfMXPodCwL7yXunCtz&index=30

Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien