“Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi” (Phục Truyền 6:6).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Môi-se dạy con dân Ít-ra-ên điều gì về Chúa? Người Ít-ra-ên phải đáp ứng với Chúa thế nào? Phần Kinh Thánh này cho thấy nền tảng của sự dạy đạo là gì?
Trước khi người Ít-ra-ên vào Đất Hứa, ông Môi-se đã truyền dạy họ một trong những thông điệp quan trọng nhất: “Hỡi Ít-ra-ên! hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai” (câu 4). Đây là phần mở đầu của lời tuyên bố đức tin, thể hiện qua các câu 4–9 mà người Do Thái gọi là Shema (nghĩa là “hãy nghe”). Shema được xem là lời tuyên bố đức tin quan trọng nhất người Do Thái phải đọc mỗi ngày hai lần trong giờ cầu nguyện sáng và tối. Trong câu mở đầu của Shema, ông Môi-se muốn người Ít-ra-ên phải nghe và ghi lòng tạc dạ hai điều. Thứ nhất, Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời chúng ta” — nhấn mạnh người Ít-ra-ên thuộc về Đức Giê-hô-va, Đấng thiết lập giao ước với họ và có mối liên hệ với họ. Thứ hai, Đức Giê-hô-va là Đấng duy nhất, “có một không hai.”
Vì Đức Giê-hô-va là Chân Thần duy nhất và là Đức Chúa Trời của người Ít-ra-ên, nên họ phải “hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (câu 5). Chúng ta lưu ý từ “kính mến” — khi các trước giả Phúc Âm nhắc lại câu Kinh Thánh này trong Ma-thi-ơ 22:37; Mác 12:30; Lu-ca 10:27, họ đều dùng chữ agape để truyền đạt ý nghĩa “kính mến,” qua đó nhấn mạnh kính mến Chúa là dành cho Ngài một tình yêu trọn vẹn, thuần khiết, và cao cả nhất. Đây cũng chính là từ diễn tả tình yêu Đức Chúa Trời dành cho con người (Giăng 3:16). Người Ít-ra-ên phải yêu Chúa cách trọn vẹn trong mọi phương diện, từ tấm lòng, tâm trí, sức lực, và toàn bộ cảm xúc của mình. Nói cách khác, họ phải hoàn toàn tận hiến cho Chúa và khắc ghi trong lòng, “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi” (câu 6).
Lời truyền dạy của ông Môi-se cho người Ít-ra-ên cũng là nền tảng của sự dạy đạo Cơ Đốc. “Đạo” chúng ta đang nói đến chính là những hiểu biết về Chúa, Đấng có mối liên hệ cá nhân với người tin Ngài, là Đức Chúa Trời Chân Thần duy nhất, là ưu tiên quan trọng nhất và là trung tâm đời sống của mọi tín hữu. Điều này vô cùng quan trọng như lời Mục sư A. W. Tozer từng nói, “Khi học biết về Đức Chúa Trời, những gì chúng ta nhận vào tâm trí mình chính là điều quan trọng nhất về chúng ta.” Đức Chúa Trời đã bày tỏ Ngài là ai, Ngài làm gì, Ngài muốn gì, cho nên việc dạy đạo chính là giúp người tin Chúa tăng trưởng trong sự nhận biết này và có đáp ứng đúng đắn mỗi ngày để cuộc đời họ được biến đổi theo ý muốn tốt đẹp của Đức Chúa Trời. Hiểu về nền tảng của việc dạy đạo, chúng ta sẽ đầu tư cho Hội Thánh cách đúng đắn, không lệch lạc khi giúp đỡ đức tin cho người khác.
Bạn có học biết về Chúa để dạy đạo đúng đắn không?
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã giúp con nhận ra rằng không có điều gì quan trọng trong đời sống của con cho bằng việc biết Chúa và yêu kính Ngài. Xin giúp con trung tín trong việc học đạo và dạy đạo cho người khác.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Công Vụ 19:8–41.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=q1iBfLU6jhk&list=PLy5dD_318r0Vw7c032xJrcgCCcRhvzXQB&index=7
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=sUTj433Dpbk&list=PLy5dD_318r0Ve0CnxBqThKw1LkMt2dJSe&index=20
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Lịch Cầu Nguyện Tháng 9-2023: https://nguonhyvong.com/?p=22375&preview=true
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien