“… thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn” (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô định nghĩa sự hiệp một Cơ Đốc gồm ba phương diện tương ứng với ba nền tảng của sự hiệp một như thế nào? Sự hiệp một đem đến kết quả gì? Bạn đã kinh nghiệm điều này như thế nào?

Từ “thì” đầu câu 2 cho thấy sự hiệp một là kết quả của những nền tảng trong câu 1. Từ đó, Sứ đồ Phao-lô định nghĩa về sự hiệp một Cơ Đốc gồm ba phương diện tương ứng với ba nền tảng của sự hiệp một.

Thứ nhất, hiệp một là “hiệp ý với nhau,” nghĩa là suy nghĩ hay hướng tâm trí hay đặt tâm trí vào cùng một điều. Con người rất khó chung lòng, chung ý với nhau vì “chín người mười ý.” Chỉ khi con dân Chúa cùng đặt tâm trí mình vào một nền tảng chung là “Đấng Christ” (câu 1) thì mới có thể “hiệp ý với nhau” về niềm tin, lẽ thật Kinh Thánh, quan điểm sống, giá trị, sự phục vụ v.v… Cụm từ “hiệp ý với nhau” được lặp lại chính xác trong lời kêu gọi ở Phi-líp 2:5 BTTHĐ: “Hãy có đồng một tâm trí như Đấng Christ Giê-xu đã có”. Muốn “có đồng một tâm trí” với Chúa thì phải học biết Lời Chúa cách vững vàng và sâu nhiệm để có thể cùng nhau sống theo gương Ngài.

Thứ hai, hiệp một là “đồng tình yêu thương,” trong nguyên ngữ là sở hữu cùng một tình yêu. Nền tảng thứ hai của sự hiệp một chính là “sự thông công nơi Thánh Linh” (câu 1), khi người tin Chúa có cùng một Đức Thánh Linh cũng sẽ có cùng một loại tình yêu. Tình yêu đem đến sự hiệp một không phải là tình yêu bất toàn, khiếm khuyết của con người, nhưng là tình yêu Chúa ban cho con người qua sự cứu rỗi và qua sự hiện diện của Đức Thánh Linh. “Đồng tình yêu thương” còn có nghĩa yêu thương mọi người như nhau. Chúng ta yêu thương người khác không phải vì chính chúng ta, nhưng vì chúng ta cùng mang lấy bản chất yêu thương của Đức Chúa Trời và có “đồng một tâm tình” với Đấng Christ.

Thứ ba, hiệp một là “đồng tâm, đồng tư tưởng,” tương ứng với nền tảng thứ ba của sự hiệp một là đổi mới tâm linh. “Đồng tâm” là sự hiệp một của toàn thể những yếu tính bên trong con người mới. Đây là sự hiệp một trong mọi lãnh vực của đời sống được đổi mới. “Đồng tư tưởng” là cùng chung mục đích, nhờ đó chúng ta có thể bỏ qua những khác biệt.

Hiệp một đúng nghĩa sẽ đem đến kết quả “vui mừng trọn vẹn.” Qua đó Hội Thánh được gây dựng tâm linh, khích lệ nhau vượt qua thử thách và có được niềm vui trọn vẹn. Nói cách khác, hiệp một không chỉ là hiểu biết mà còn phải thực hành để đem đến những kết quả trong Hội Thánh.

Bạn có đang cùng hiệp một để tìm kiếm vinh quang của Chúa và sự phát triển của Nước Trời không?

Lạy Chúa, xin giúp con mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn trong cả suy nghĩ và hành động để con có thể cùng anh chị em gây dựng sự hiệp một tốt đẹp trong Hội Thánh và kinh nghiệm niềm vui trọn vẹn trong mối thông công này.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 59—60.

Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=mo_Gbp-sCpk&list=PLy5dD_318r0WALf-DD1b3gYFvmyR6GTzW&index=3

Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=JqenNDac0Cc&list=PLy5dD_318r0WzwrT1ZvxPLGIiE_iNqjTh&index=60

Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien