“Duy anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với đạo Tin Lành của Đấng Christ… điều đó là một chứng nghiệm chúng nó phải hư mất, còn anh em được cứu rỗi; và ấy là từ nơi Đức Chúa Trời” (câu 27–28).
Câu hỏi suy ngẫm: Sống “xứng đáng với đạo Tin Lành” và sự cứu rỗi có liên hệ gì và được thực thi thế nào? Làm sao để thực thi mệnh lệnh này? Lời dạy này giúp con dân Chúa vượt qua thách thức khi bị người đời xa lánh, tấn công như thế nào?
Sự cứu rỗi được Đức Chúa Trời ban cho bởi ân sủng và được tiếp nhận bởi đức tin (Ê-phê-sô 2:8–10), tuy nhiên, đức tin không có việc làm là đức tin chết (Gia-cơ 2:17). Nói cách khác, sống xứng đáng với đạo Tin Lành vừa là bằng chứng vừa là kết quả của sự cứu rỗi.
Sống “xứng đáng với đạo Tin Lành” trước hết phải “đứng vững” (câu 27). Đây là từ ngữ chỉ về người lính bảo vệ vị trí của mình bằng bất cứ giá nào. Cơ Đốc nhân cần phải đứng vững trong Chúa, trong lẽ thật, và trong sự công chính. Tiếp đến, cần phải “một lòng” và “đồng tâm.” Là chi thể của thân, Cơ Đốc nhân luôn cần có anh chị em trong Hội Thánh giúp mình “đứng vững” trong đức tin. Chúng ta phải “một lòng” và “đồng tâm” vì chúng ta thuộc về Chúa và thuộc về nhau. Do đó, giữ gìn sự hiệp một trong Hội Thánh là điều sống còn. Hơn nữa, Hội Thánh còn phải “đồng tâm chống cự vì đức tin của đạo Tin Lành.” “Đồng tâm chống cự” là từ ghép trong tiếng Hy Lạp, vẽ lên hình ảnh thi đấu thể thao cam go mà các vận động viên phải cố gắng, hỗ trợ nhau để giành chiến thắng. Cũng vậy, chính việc “đứng vững” trong đức tin và gắn kết “một lòng” với nhau giúp tín hữu có thể đối địch với kẻ thù của Phúc Âm mà không sợ hãi.
Hai lẽ thật quan trọng để chiến đấu trong trận chiến thuộc linh này là Đức Chúa Trời không chỉ qua Đấng Christ “ban ơn cho anh em tin Đấng Christ” mà còn “ban ơn cho anh em chịu khổ vì Ngài” (câu 29). Sự cứu rỗi và sự chịu khổ đều là sự ban cho của Chúa. Chúng ta không thể tin nhận Chúa Giê-xu nếu không phải bởi ân sủng thương xót của Đức Chúa Trời ban cho, và chúng ta cũng không cách gì chịu khổ vì Chúa được nếu không phải bởi ân sủng thương xót của Ngài ban cho.
Tín hữu Phi-líp và chúng ta ngày nay không phải là những người duy nhất gặp thử thách, và cũng không hề mơ hồ về sự đắc thắng thử thách. Chính Sứ đồ Phao-lô là bằng chứng về việc một người có thể vững vàng chống cự sự tấn công từ cả bên ngoài lẫn bên trong chỉ nhờ ân sủng dư dật của Đức Chúa Trời (câu 30). Nhận biết cả một cộng đồng đức tin đang cùng với chúng ta đứng chung chiến tuyến là một sự khích lệ và động lực giúp chúng ta vững vàng vượt qua mọi thách thức khi đối diện với sự tấn công của người đời.
Gương đắc thắng thử thách của Sứ đồ Phao-lô khích lệ bạn thế nào?
Tạ ơn Chúa đã cho con được dự phần trong sự thương khó của Ngài khi con gặp sự chống cự và xa lánh của thế gian. Xin cho con nương cậy nơi ân sủng Chúa để luôn đắc thắng trong hành trình thuộc linh.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giăng 6.

Lịch Cầu Nguyện Tháng:
https://nguonhyvong.com/lichcn-092024

Văn Phẩm Nguồn Sống:
https://www.vpns.org/dang-hien

Nghe Kinh Thánh hôm nay:

https://nghekinhthanhviet.org/nghe-kinh-thanh/VIE1925MS/phi/1

Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=QK7pqDfCtzY&list=PLy5dD_318r0WALf-DD1b3gYFvmyR6GTzW

Nghe Kinh Thánh trong ba năm:

https://nghekinhthanhviet.org/nghe-kinh-thanh/VIE1925MS/gi/6

Nghe Kinh Thánh online:
https://nghekinhthanhviet.org

Nghe Kinh Thánh trên Youtube:
https://www.youtube.com/kinhthanhviet