“Người đưa tôi vào phòng yến tiệc, ngọn cờ người phất trên tôi ấy là ái tình” (câu 4).
Câu hỏi suy ngẫm: Nàng Su-la-mít đang mơ ước gì? Nàng ví sánh Vua Sa-lô-môn với điều gì và mong mỏi gì nơi chàng? Những người chồng Cơ Đốc nhận ra trách nhiệm nào trong gia đình?
Đức Chúa Trời dựng nên muôn loài vạn vật tốt đẹp trong trật tự của Ngài. Gia đình cũng được dựng nên trong một trật tự nhất định, người chồng có trách nhiệm phải yêu thương, hy sinh, bảo vệ gia đình, còn người vợ phải vâng phục chồng (Ê-phê-sô 5:33). Khi trật tự này thay đổi và những thành viên trong gia đình không hoàn thành trách nhiệm của mình thì gia đình không còn là mái ấm nữa nhưng sự rối loạn sẽ xảy ra (Châm Ngôn 21:9, 19).
Trong phần đầu của câu 4, nàng Su-la-mít hình dung quang cảnh của một tiệc cưới hoàng gia mà có lẽ trước đây nàng không dám mơ đến, không có cơ hội và cũng không có can đảm để bước vào vì nàng chỉ là một cô gái thôn dã đơn sơ. Nhưng bây giờ, Vua Sa-lô-môn sẽ đưa nàng vào phòng yến tiệc, hãnh diện giới thiệu nàng với hoàng gia và các khách mời. Nhiều người ngày nay không xem trọng lễ cưới. Họ cho rằng chỉ cần yêu nhau, tự nguyện về sống với nhau là đủ. Nhưng lễ cưới rất quan trọng vì tại đó nói lên sự cam kết công khai của hai người trước Đức Chúa Trời, Hội Thánh, và gia đình. Bên cạnh đó, lễ cưới còn cho thấy sự hãnh diện về người bạn đời, sự tôn trọng và trách nhiệm với nhau. Người chồng cần phải cho vợ cảm giác an toàn khi hãnh diện công khai giới thiệu vợ mình với người khác không chỉ qua lễ cưới mà còn trong cuộc sống hằng ngày.
Không những mơ về một đám cưới hoàng gia đầy vinh dự, nàng Su-la-mít còn nhìn về Vua Sa-lô-môn và ao ước “ngọn cờ người phất trên tôi ấy là ái tình” (câu 4b). “Ngọn cờ” là biểu tượng cho thẩm quyền như người lính chiến đấu dưới ngọn cờ của một quốc gia. Nàng Su-la-mít xem Vua Sa-lô-môn là người che chở, bảo vệ, và có thẩm quyền trên nàng, và nàng gọi đó là tình yêu. Tình yêu của Vua Sa-lô-môn dành cho nàng Su-la-mít chính là sự bảo vệ, là nơi nàng có thể nương tựa và tìm thấy sự an toàn. Những người chồng Cơ Đốc phải nhận thấy trách nhiệm này và thực hành. Nhiều cuộc hôn nhân, ngay cả trong nhà thờ, bị đổ vỡ vì có những người chồng thoái thác trách nhiệm Chúa giao. Nhiều gia đình bị xáo trộn trong cuộc sống vì người lãnh đạo gia đình không phải là chồng mà là vợ.
Ngoài ra, người chồng Cơ Đốc phải cho vợ mình thấy an toàn ngay trong ngôi nhà của mình. Với những thất bại hay sai lầm xảy ra trong gia đình, người chồng phải là người đứng ra gánh vác trách nhiệm. Người chồng phải là người sẵn sàng bảo vệ vợ khi nàng bị tổn thương do người khác nói xấu hay chê bai. Người chồng còn là người lãnh đạo thuộc linh trong gia đình và chịu trách nhiệm gây dựng đời sống thuộc linh cho vợ và các con.
Bạn đang thực hành trách nhiệm trong gia đình như thế nào?
Lạy Chúa, xin cho những người nam Cơ Đốc, nhất là những người chồng, được ơn của Chúa để trở nên những người lãnh đạo thuộc linh trong cả gia đình và Hội Thánh.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Mác 9:38—10:22.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=xffbIVS3xC0&list=PLy5dD_318r0UVy6nZeyGypSntTf4Ba19Q&index=3
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=soCWaW2ojZk&list=PLy5dD_318r0U8GGQNWFC8wYbRLcS8jFnv&index=10
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien