“Sự buồn rầu ở nơi lòng người làm cho nao sờn; nhưng một lời lành khiến lòng vui vẻ” (câu 25).
Câu hỏi suy ngẫm: Có điều gì mọi người không ai tránh khỏi? Giải pháp cho nan đề này là gì? Bạn áp dụng bài học này như thế nào?
Nếu có người nào chúng ta cho là vững vàng và khó ngã lòng hay tuyệt vọng thì đó là Vua Sa-lô-môn, vị vua được Chúa ban danh vọng, giàu có, và khôn ngoan. Thế nhưng cũng chính Vua Sa-lô-môn đã nói rằng ai cũng sẽ có những “sự buồn rầu.” Ông không nói đến những nỗi buồn chóng qua nhưng là cảm giác đau khổ tột cùng do tâm trạng sợ hãi vì đã đánh mất thứ gì đó quan trọng trong cuộc sống. Và những “sự buồn rầu” này tấn công vào tận cốt lõi của con người, “ở nơi lòng người,” làm xáo trộn tất cả hành vi của một người và làm cho người đó bị “nao sờn” do cảm nhận một gánh nặng không thể chịu đựng và một tâm hồn chán nản.
Không ai tránh được “buồn rầu” trong cuộc sống, nhưng vấn đề là chúng ta đối diện với thách thức này như thế nào. Vua Sa-lô-môn dạy một trong những giải pháp hiệu nghiệm cho tấm lòng nao sờn chính là “một lời lành.” Ai trong chúng ta cũng kinh nghiệm những lời lành có thể phục hồi tấm lòng tan vỡ. Từ được dịch là “lành” có nghĩa là tốt bụng, dễ chịu và ngọt ngào, kịp thời và chu đáo. Lời nói không chỉ phải thành thật nhưng cũng phải “lành” (Ê-phê-sô 4:29). Lời lành này đến từ Đức Thánh Linh, nghĩa là trong “sự buồn rầu,” không có gì quý báu hơn là Lời Đức Chúa Trời và sự an ủi từ Đức Thánh Linh là Thần Yên Ủi.
Nếu chính mình đang trải qua những thách thức đớn đau trong đời sống thì hãy đến với Lời Chúa, trải lòng mình với Đức Chúa Trời để nhận lấy sự an ủi, nâng đỡ, và chữa lành. Chúng ta đau buồn vì mất đi những điều quan trọng trong cuộc đời, nhưng khi chúng ta dựa nương nơi Đức Chúa Trời và thấy những điều thuộc về thế gian chỉ là tạm thời và không phải là chuyện sống còn với mình nữa thì những đau buồn sẽ không còn trong chúng ta nữa (II Cô-rinh-tô 4:16–18).
Bên cạnh đó, cũng hãy nhớ rằng trong những lúc anh chị em chúng ta đang ở trong “sự buồn rầu” thì lời nói của chúng ta vô cùng quan trọng vì nó có thể hoặc đem đến sự chữa lành, “khiến lòng vui vẻ,” hoặc gây tổn thương nặng nề hơn. Nhiều khi anh chị em đang đau đớn mà mình cứ nói những lời phán xét, lên án, phân tích đúng sai làm đau đớn anh chị em mình thêm. Trong những thời điểm đó họ không cần chúng ta “dạy đời,” mà cần một tấm lòng thương xót, cần “một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi.” Chúng ta tôn trọng lẽ thật, nhưng không được dùng lẽ thật làm vũ khí để tấn công hay làm tổn thương anh chị em mình (Ê-phê-sô 4:15).
Bạn có thường dùng lời lành để giúp nhau vượt qua thách thức trong đời sống không?
Tạ ơn Chúa đã ban cho con Lời Ngài và ban Thần Yên Ủi ngự trị trong đời sống con. Xin cho con luôn tìm kiếm sự an nghỉ trong chính Chúa và Lời Ngài, cũng xin cho con có những “lời lành” để đem đến sự khích lệ cho anh chị em con.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Sáng Thế Ký 36.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=LzbENEyHMYs&list=PLy5dD_318r0WooagkciCzgKt6EBd4YVIx&index=13
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=54QV02nJvd8&list=PLy5dD_318r0Xvwdb_TDXeDyKwWe7PEkyG&index=37
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Lịch Cầu Nguyện Tháng 2-2024: https://nguonhyvong.com/duong-linh/lich-cau-nguyen-thang-2-2024
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien