“Họ vì mối lợi đáng bỉ mà dạy điều không nên dạy, và phá đổ cả nhà người ta” (câu 11).
Câu hỏi suy ngẫm: Những giáo sư giả này là ai và có đặc điểm gì? Họ đã làm những việc gì và với mục đích nào? Khi nhận biết giáo sư giả, bạn cần có thái độ nào?
Sứ đồ Phao-lô cảnh báo trong các Hội Thánh tại đảo Cơ-rết có không ít người đã bất phục tùng, lường gạt, và gây chia rẽ (câu 10). Họ không phải là tín đồ bình thường mà là những giáo sư giả, với ba đặc điểm nổi bật. Thứ nhất, thuộc nhóm người đã chịu phép cắt bì. Họ dạy muốn được cứu rỗi, người ngoại quốc phải chịu phép cắt bì và giữ các nghi lễ theo luật pháp Do Thái. Thứ hai, họ vẫn tin vào các huyền thoại hoang đường Do Thái (câu 14). Thứ ba, họ chủ trương theo chủ nghĩa khổ hạnh, kiêng cữ cả những điều Chúa dạy là tốt lành và tinh sạch (Tít 1:14–15). Cụm từ “phải bịt miệng họ đi” trong câu 10 có nghĩa là cần làm cho những giáo sư giả câm miệng lại, ngăn chặn họ khiến họ không thể rao truyền những giáo lý sai trật với Lời Chúa. Ông Tít cần giúp các tín hữu từ bỏ niềm tin vào những chuyện hoang đường của người Do Thái và lời dạy của những người đã từ bỏ chân lý.
Giáo sư giả “dạy điều không nên dạy, và phá đổ cả nhà người ta” (câu 11), truyền bá những điều tưởng chừng thiêng liêng, nói rất hay nhưng rỗng tuếch và lường gạt người nghe, không giúp con dân Chúa tăng trưởng đức tin. Vì lợi ích bản thân, họ mạo danh Cơ Đốc nhân để kiếm tiền, có thêm việc làm, thêm quyền lợi trong Hội Thánh. Có một điều Thi sĩ Epimenides được nhiều người xem như nhà tiên tri đã nói đúng, “Người Cơ-rết hay nói dối, là thú dữ, ham ăn mà làm biếng” (câu 12). Vì vậy Sứ đồ Phao-lô căn dặn ông Tít cần nghiêm khắc khiển trách tín hữu Cơ-rết để họ được mạnh mẽ trong đức tin, đừng để phải mang tiếng xấu.
Lời khuyên của Sứ đồ Phao-lô với ông Tít trong phân đoạn Kinh Thánh này giúp chúng ta ngày nay thấy được các dấu hiệu để nhận biết giáo sư giả. Đó là những người có đặc điểm luôn tập trung sự chú ý vào chính họ hơn là Đức Chúa Giê-xu Christ. Những lời dạy của giáo sư giả không giúp đức tin chúng ta tăng trưởng. Họ không nhấn mạnh thần tính của Chúa Giê-xu và năng quyền của Lời Ngài mà chỉ cổ xúy mọi người quyết định dựa trên sự khôn ngoan riêng của mình. Thái độ cần có của chúng ta là phải dứt khoát không đứng, không ngồi, và không đi chung với giáo sư giả. Nhất quyết không nghe những sự dạy dỗ sai trật, nhưng luôn rao truyền Lời chân lý là Lời có quyền năng giúp các giáo sư giả thức tỉnh quay trở lại đặt lòng tin nơi Đức Chúa Giê-xu. Mỗi chúng ta cần học hỏi Lời Chúa để sáng suốt nhận biết giáo sư giả và không bị lèo lái đi theo con đường sai lạc.
Bạn có ưu tiên học Lời Chúa mỗi ngày không?
Lạy Chúa, xin giúp con vững tin nơi Đức Chúa Giê-xu, cho con sự khôn ngoan để hiểu Lời Chúa. Xin giữ con luôn đi trên con đường chân lý, tránh xa sự dạy dỗ sai lạc, và giúp đỡ những anh chị em chung quanh con trở về với Chúa.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Rô-ma 13.