“Trong trận này các ngươi sẽ chẳng cần gì tranh chiến; hãy dàn ra, đứng yên lặng mà xem thấy sự giải cứu của Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi. Hỡi Giu-đa và Giê-ru-sa-lem! Chớ sợ, chớ kinh hãi; ngày mai, hãy đi ra đón chúng nó, vì Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi” (câu 17).

Câu hỏi suy ngẫm: Điều gì cho thấy Chúa lắng nghe và biết rõ nan đề của Giu-đa? Lý do nào họ chẳng cần sợ hãi? Chúa bảo họ làm gì? Bạn học theo gương Vua Giô-sa-phát thế nào khi lo âu, sợ hãi?

Khi bị kẻ thù tấn công, vua cùng toàn dân Giu-đa đã kêu cầu cùng Chúa rằng “…chúng tôi cũng không biết điều gì mình phải làm; nhưng… chúng tôi ngửa trông Chúa” (câu 12). Đáp lời kêu cầu đó, Thần Đức Giê-hô-va đã cảm động ông Gia-ha-xi-ên, là một người Lê-vi công bố sứ điệp của Ngài. Lời tiên tri nhắc lại lý do họ sợ hãi là “bởi cớ đám quân đông đảo này,” cho thấy Chúa lắng nghe lời cầu nguyện và biết rõ hoàn cảnh của họ. Chúa phán cùng họ “chớ sợ, chớ kinh hãi” vì trận giặc này chẳng phải của họ nhưng là của Đức Chúa Trời, nghĩa là Ngài sẽ đánh trận cho họ (câu 15). Chúa cũng hai lần hứa rằng “Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi” (câu 17), điều này cũng thêm sức mạnh để họ không cần phải sợ hãi.

Chúa bảo họ hãy xuất quân và dàn trận trước kẻ thù rồi “đứng yên lặng” xem sự giải cứu của Đức Giê-hô-va. Ngài không bảo họ hãy kêu la, khóc lóc, cũng không bảo hãy trốn chạy hoặc tìm chỗ trú ẩn để nhìn xem Chúa giải cứu thế nào. Chúa bảo họ hãy đứng trong tư thế chiến đấu và yên lặng nhìn xem sự giải cứu của Ngài vì đây là trận chiến của Chúa chiến đấu cho họ, họ sẽ chiến thắng hoàn toàn nhờ phép lạ của Chúa chứ không nhờ vào binh hùng tướng mạnh. Và để có thể đứng yên lặng trước mặt kẻ thù, họ phải tin cậy tuyệt đối nơi tình yêu của Chúa dành cho họ, và tin nơi quyền năng của Ngài là Đấng “quản trị muôn dân, muôn nước… nơi tay Chúa có quyền thế năng lực chẳng ai chống trả… nổi” (câu 6).

Lắm lúc chúng ta cũng bị vây bủa bởi những kẻ thù mạnh sức hơn, hoặc những khó khăn khiến chúng ta thấy gần như tuyệt vọng. Đó có thể là khó khăn trong sự phục vụ Chúa, trong tài chánh, trong công ăn việc làm hay trong mối liên hệ với những người thân v.v… Chúng ta cũng thấy mình chẳng còn sức lực và không biết phải làm gì. Tâm trạng lo âu, sợ hãi đến mức gần như tê liệt. Trong hoàn cảnh đó, trước hết chúng ta cũng phải “ngửa trông Chúa” như Vua Giô-sa-phát để kêu cầu, tin chắc Ngài sẽ lắng nghe và giải cứu theo cách của Ngài. Khi đã dâng lên Chúa nan đề của mình rồi, chúng ta cũng phải có đức tin để “chớ sợ, chớ kinh hãi,” và “đứng yên lặng mà xem thấy sự giải cứu của Đức Giê-hô-va” là Đấng hằng ở cùng chúng ta.

Có khó khăn nào khiến bạn sợ hãi đến mức không thể yên lặng để nhìn thấy sự giải cứu của Ngài không?

Lạy Chúa, nếu trong con có lo âu, sợ hãi nào khiến con không thể yên lặng chờ đợi sự giải cứu của Ngài, xin Chúa tha thứ cho con và ban đức tin để con tin cậy và phó thác hoàn toàn cho Ngài.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Mác 1:40—2:22.

Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=d1B8nJfnH3E&list=PLy5dD_318r0W5KN1H0zAmGzqGM75v2teP&index=21

Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=bwfjt8q_BQ4&list=PLy5dD_318r0U8GGQNWFC8wYbRLcS8jFnv&index=2

Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien