“Hỡi con, hãy thôi nghe sự khuyên dạy khiến cho con lầm lạc cách xa các lời tri thức” (câu 27 BTT).
“Hỡi con ta, khi không nghe lời khuyên dạy nữa, Con sẽ lầm lạc cách xa các lời tri thức” (câu 27 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Đứa con ngỗ nghịch thể hiện qua những đặc tính nào? Vua Sa-lô-môn hướng dẫn dạy những đứa con ngỗ nghịch ra sao? Bạn được nhắc nhở gì về việc dạy con qua bài học hôm nay?
Vua Sa-lô-môn nêu những đặc tính của đứa con ngỗ nghịch. Thứ nhất, đứa con có tính lười biếng. Lười đến mức thò tay vào đĩa rồi không buồn đưa thức ăn lên miệng (câu 24). Sự biếng nhác bày tỏ đứa con vô trách nhiệm, vô đạo đức, vô ơn với cha mẹ đã lo thức ăn cho mình. Đứa con ngỗ nghịch không nghĩ đến công khó của bậc sinh thành nuôi dưỡng. Thứ hai, đứa con có tính bất hiếu. Chúng đành lòng “hãm hại cha mình, và xô đuổi mẹ mình” (câu 26). Chúng khinh thẩm quyền, tình yêu, và sự dạy dỗ của cha mẹ. Cha nuôi dạy mà nó còn bạc đãi, mẹ sinh thành ra nó và hết lòng yêu thương mà nó còn xua đuổi thì nói chi đến người khác. Nó làm cho cha mẹ phải hổ thẹn vì những hành động và tội ác của nó. Thứ ba, đứa con có tính xem thường giá trị đạo đức, lời khuyên dạy của cha mẹ. Mỗi ngày chúng càng lún sâu, lầm lạc vào tội lỗi, “miệng kẻ dữ nuốt tội ác” (câu 28).
Bên cạnh đó, Vua Sa-lô-môn cũng hướng dẫn cha mẹ dạy dỗ những đứa con ngỗ nghịch. Ông dạy rằng khi kỷ luật, người ngu dại sẽ trở nên khôn khéo; khi được dạy dỗ, đứa con ngỗ nghịch sẽ hiểu được đúng sai (câu 25). Vua Sa-lô-môn cũng nghiêm khắc nói với những đứa con ngỗ nghịch: “Hỡi con ta, khi không nghe lời khuyên dạy nữa, con sẽ lầm lạc cách xa các lời tri thức” (câu 27 BTTHĐ). Nếu không ăn năn và thay đổi, chắc chắn phải chịu hình phạt, “roi vọt sắm sửa” đang dành cho con (câu 29).
Thật bất hạnh cho gia đình khi có những đứa con ngỗ nghịch. Sự bất hạnh đó không chỉ cha mẹ phải gánh chịu nhưng chính những người con ấy phải chịu hậu quả nặng nề hơn. Đừng vì phải bươn chải tìm tiền bạc, địa vị cho con để con có đời sống đầy đủ mà xem nhẹ trách nhiệm dạy con. Đừng vì quá thương yêu, chiều chuộng, để con trở nên lười biếng, vô trách nhiệm, sống thiếu đạo đức. Khi con không được dạy dỗ thì những hành động của con sẽ bị xã hội, tòa án “xét đoán.” Cha mẹ không dám kỷ luật con thì tòa án sẽ dùng hình phạt sửa trị những đứa con ngỗ nghịch đó. Cầu xin Chúa cho các bậc cha mẹ có sự khôn ngoan của Chúa trong việc dạy dỗ con cái, và cũng cầu xin Chúa giúp cho những đứa con ngỗ nghịch thấy được những sai lầm mà ăn năn, thay đổi.
Bạn có con ngỗ nghịch không? Bạn đã dạy dỗ chúng như thế nào? Có điều gì cần thay đổi?
Lạy Chúa, xin cho con có sự khôn ngoan, nghiêm khắc trong khi dạy dỗ con cháu để sửa đổi những đứa con ngỗ nghịch. Con cũng xin Chúa cho những người con biết ăn năn, sửa đổi những sai phạm và biết cẩn trọng trong cách cư xử đối với cha mẹ, ông bà.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: A-mốt 5.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=az-epGdV570&list=PLy5dD_318r0WooagkciCzgKt6EBd4YVIx&index=20
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=us2aIKpPngI&list=PLy5dD_318r0Wz1SsAtByuarohhqsBT-q5&index=6
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien