“Ai giữ lấy miệng và lưỡi mình, giữ linh hồn mình khỏi hoạn nạn” (câu 23 BTT).
“Ai kiểm soát miệng, cầm giữ lưỡi, là người giữ mình thoát khỏi rối reng” (câu 23 BHĐ—Bản Hiện Đại).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn dạy gì về lời nói qua câu châm ngôn này? Ai là người không kiểm soát miệng lưỡi? Bạn cần cẩn thận kiểm soát lời nói ra sao?
Người khôn ngoan nhờ biết kiểm soát lời nói của mình mà thoát khỏi hoạn nạn. Vua Sa-lô-môn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát lời nói khi ông dạy trước đó rằng: “Kẻ canh giữ miệng mình, giữ được mạng sống mình; nhưng kẻ nào hở môi quá, bèn bị bại hoại” (Châm Ngôn 13:3). Cụm từ “giữ lấy miệng và lưỡi” trong câu 23 có nghĩa là “canh giữ, kiểm soát miệng,” nhấn mạnh đến tính thận trọng trong khi nói. Người biết giữ miệng lưỡi mình thì “giữ linh hồn mình khỏi hoạn nạn” có nghĩa là “giữ mình thoát khỏi rối reng,” tránh khỏi những hiểm nguy do hậu quả của lời nói mang lại. Lời dạy này cho thấy lời nói ra khỏi miệng thiếu cẩn trọng sẽ gây ra đau khổ, hoạn nạn, rắc rối. Lời nói nông nổi, vội vàng, thiếu thận trọng rất dễ có nội dung sai trật, làm hại cho người cũng như mang họa cho mình. Người nói vội vàng như vậy còn tệ hơn là người ngu muội: “Con có thấy kẻ hấp tấp trong lời nói mình chăng? Một kẻ ngu muội còn có sự trông cậy hơn hắn” (Châm Ngôn 29:20).
Người không kiểm soát miệng lưỡi là người vội vàng nói khi chưa kịp suy nghĩ cẩn thận nên dễ nói ra những điều kín đáo, nói không đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, hoặc vội vàng trả lời trước khi nghe, mang lại hổ thẹn cho người ấy (Châm Ngôn 18:13). Hoặc cũng có thể đó là người nói những lời gây tổn thương người khác, làm gãy đổ mối tương giao với nhau. “Lòng người công bình suy nghĩ lời phải đáp; nhưng miệng kẻ ác buông ra điều dữ” (Châm Ngôn 15:28). Và đó cũng là những người có lời nói hằn học, thiếu tế nhị không chỉ làm tổn thương người khác, mà còn có thể tự gây tổn thương mình.
Sứ đồ Phao-lô dạy con dân Chúa cách kiểm soát lời nói của mình như sau: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành, giúp ơn và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29). Lời lành không chỉ là lời nói đúng đắn nhưng cách nói phải phù hợp, đem đến sự gây dựng trong tình yêu thương. Đặt biệt là lời hứa với Chúa, cần phải suy xét thận trọng trước khi khấn nguyện (Châm Ngôn 20:25).
Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta biết kiểm soát lời nói, nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, và dùng lời nói của mình bày tỏ sự công chính, thánh khiết, yêu thương của Đức Chúa Trời, không những mang lại lợi ích cho người nghe mà còn giúp chúng ta tránh đi những rối reng trong cuộc sống, gây dựng mối tương giao mật thiết với người, với Chúa.
Bạn xin Chúa thay đổi điều gì qua bài học này?
Tạ ơn Chúa vì Lời Ngài nhắc nhở con trong việc kiểm soát lời nói. Xin Chúa dạy con luôn nói ra những lời chân thật, những lời nói đem đến tình yêu, bày tỏ sự nhân từ của Chúa cho mọi người.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Dân Số Ký 15.

Lịch Cầu Nguyện Tháng:
https://nguonhyvong.com/lichcn-062024

Văn Phẩm Nguồn Sống:
https://www.vpns.org/dang-hien

Nghe Kinh Thánh hôm nay:

Nghe Kinh Thánh trong ba năm:

Nghe Kinh Thánh online:
https://nghekinhthanhviet.org

Nghe Kinh Thánh trên Youtube:
https://www.youtube.com/kinhthanhviet