“Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn” (II Ti-mô-thê 4:3–4).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sê-đê-kia muốn hỏi Tiên tri Giê-rê-mi điều gì? Tiên tri Giê-rê-mi chất vấn Vua Sê-đê-kia như thế nào? Lời cầu xin của ông được Vua Sê-đê-kia đáp ứng ra sao? Những áp lực chịu khổ nào ngăn cản bạn không dám rao ra lời chân thật?

Sau khi đối diện với các quan trưởng và nhận một trận đòn trút giận của họ, Tiên tri Giê-rê-mi được dẫn đến gặp Vua Sê-đê-kia. Cuộc trò chuyện chỉ diễn ra giữa vua và tiên tri bởi vì vua có chuyện muốn hỏi riêng Tiên tri Giê-rê-mi. Điều Vua Sê-đê-kia quan tâm và muốn nghe từ trước cho đến bây giờ cũng chỉ là Đức Giê-hô-va có phán đạo quân Ba-by-lôn sẽ không xâm chiếm thành Giê-ru-sa-lem và đất này! Tuy nhiên, câu trả lời của Tiên tri Giê-rê-mi làm vua thất vọng khi ông vẫn trước sau như một khẳng định:“Vua sẽ bị nộp trong tay vua Ba-by-lôn” (câu 17). Tiếp theo, Tiên tri Giê-rê-mi chất vấn vua về lý do mình bị bắt giam, những câu hỏi ông đưa ra cũng chính là câu trả lời: ông không hề phạm tội gì nghịch cùng vua, bầy tôi của vua, và dân này (câu 18). Tiên tri Giê-rê-mi cũng chỉ rõ cho vua thấy số phận của những tiên tri giả rao những điều vua thích nghe (câu 19). Và cuối cùng Tiên tri Giê-rê-mi trình lên lời cầu xin, không phải xin thoát khỏi sự giam cầm nhưng xin đừng trả ông về lại nhà Thư ký Giô-na-than. Lời cầu xin này được vua chấp nhận. “Vua Sê-đê-kia bèn truyền giữ Giê-rê-mi trong nơi hành lang lính canh, mỗi ngày phát cho một chiếc bánh của phố hàng bánh, cho đến chừng bánh trong thành hết trơn…” (câu 21).

Hơn ai hết, Tiên tri Giê-rê-mi biết rõ những lao khổ mình đang đối diện là vì ông đã trung tín rao truyền sứ điệp từ Đức Chúa Trời. Không như lần bị bắt bởi tay ông Pha-su-rơ, Tiên tri Giê-rê-mi đã có những lời thắc mắc với Đức Chúa Trời, than trách ngày sinh của mình (Giê-rê-mi 20:1–18). Nhưng nay, trải qua nhiều năm tháng theo Chúa, ông đã kinh nghiệm nhiều hơn và rõ ràng hơn Đức Chúa Trời Công Bình là Đấng đang nắm giữ cuộc đời ông, nên ông đã thuận phục, không hề than trách. Tiên tri Giê-rê-mi có thể nói điều vua thích nghe để tìm sự bình an tạm thời cho mình, nhưng ông đã không làm như thế. Mặc dù đang trong hoàn cảnh khổ sở, phải ở trong buồng giam tăm tối ông vẫn quyết rao lời chân thật là lời đến từ Đức Chúa Trời.

Sứ đồ Phao-lô dạy: “Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (II Ti-mô-thê 4:2). Xin Chúa cho chúng ta đừng để một áp lực nào ngăn cản chúng ta rao ra lời chân thật của Chúa cho mọi người.

Bạn có dám nói ra lời chân thật từ Đức Chúa Trời không?

Kính lạy Đức Chúa Trời Công Bình! Tấm gương của Tiên tri Giê-rê-mi sẵn sàng chịu khổ và quyết nói ra lời chân thật từ Đức Chúa Trời là sự nhắc nhở và khích lệ con noi theo. Xin giúp con kính sợ Chúa hơn là sợ thế lực của thế gian.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 14:1–27.

Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=wsNTjnE38fE&list=PLy5dD_318r0Xhv_5x80_GTFtcDAwWPiF7&index=38

Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=7kgBCxoL1xs&list=PLy5dD_318r0UdpJKhWyYnTDW7SH0YsOET&index=15

Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien