“Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (câu 16).
Câu hỏi suy ngẫm: Thế nào là soi dẫn? Kinh Thánh có những ích lợi gì? Mục đích tối hậu của Kinh Thánh là gì? Bạn cần làm gì khi nhận biết Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời?
Từ ngữ “soi dẫn” theo nguyên văn là sự hà hơi của Chúa. Dù các trước giả viết Kinh Thánh cẩn thận tra cứu các sự kiện, như Bác sĩ Lu-ca (Lu-ca 1:3); và dù cách hành văn của họ khác nhau, thí dụ văn phong của Sứ đồ Phao-lô khác của ông Mác, khác của Bác sĩ Lu-ca, nhưng Đức Chúa Trời tác động trên người viết để những lời của họ phản ánh đúng ý tưởng của Chúa (II Phi-e-rơ 1:20–21). Vì thế Kinh Thánh được gọi là Lời của Đức Chúa Trời (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Chúa Giê-xu tuyên bố rằng “Lời Cha tức là lẽ thật” (Giăng 17:17), nên Kinh Thánh đáng tin một cách trọn vẹn, chẳng những chuẩn xác trong lãnh vực thuộc linh mà cũng đúng trong mọi lãnh vực của đời sống.
Kinh Thánh mà Sứ đồ Phao-lô đề cập trong câu 16 chỉ về Cựu Ước. Tuy nhiên câu này cũng áp dụng đúng cho Tân Ước. Thí dụ Sứ đồ Phi-e-rơ gọi các thư tín của Sứ đồ Phao-lô là Kinh Thánh (II Phi-e-rơ 3:15–16). Hoặc trong I Ti-mô-thê 5:18, Sứ đồ Phao-lô gọi Phúc Âm Lu-ca là Kinh Thánh (đối chiếu Lu-ca 10:7).
Kinh Thánh là thức ăn thuộc linh, mang nhiều ích lợi cho con cái Chúa. Kinh Thánh dạy chúng ta giáo lý chân chính về sự cứu rỗi và dạy điều gì là đúng điều gì là sai trong sinh hoạt tâm linh. Kinh Thánh bẻ trách, vạch ra những chỗ sai lầm, những giáo lý tà ngụy. Kinh Thánh sửa trị, hướng dẫn người lầm lạc trở về con đường đúng, dạy phương cách quay trở lại với chân lý. Kinh Thánh huấn luyện con người sống công chính theo ý Chúa, giúp chúng ta giữ lối sống chuẩn mực theo Lời Chúa. Mục đích của Kinh Thánh không những giúp chúng ta có sự khôn ngoan để được cứu mà còn giúp con dân Chúa được trang bị đầy đủ, trọn vẹn, có khả năng để sẵn sàng làm mọi việc lành (II Ti-mô-thê 3:14–17). Cụm từ “Người của Đức Chúa Trời” được dùng nhiều lần trong Cựu Ước để chỉ về những nhân vật được chính thức phát ngôn Lời của Chúa như ông Môi-se (Phục Truyền 33:1), các Tiên tri Sa-mu-ên, Ê-li, Ê-li-sê, v.v… Từ ngữ này trong câu 17 chỉ về ông Ti-mô-thê (I Ti-mô-thê 6:11) là người giảng Lời Chúa. Ngày nay khi tin nhận Chúa Giê-xu, mỗi chúng ta đều được Chúa xem là người của Đức Chúa Trời. Vì vậy cụm từ này có thể áp dụng theo nghĩa rộng để chỉ tất cả chúng ta là những con cái thật của Đức Chúa Trời.
Nhận biết Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời là tốt nhưng chưa đủ, Chúa muốn chúng ta đầu tư thời gian học hỏi Lời Chúa để Kinh Thánh bẻ trách, sửa trị, dạy dỗ chúng ta trở nên người trọn vẹn có ích cho Chúa để sẵn sàng làm mọi việc lành.
Bạn có kế hoạch học hỏi Lời Chúa như thế nào?
Con tạ ơn Chúa vì qua Kinh Thánh con được hiểu và tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Chúa Cứu Thế của con. Cầu xin Đức Thánh Linh giúp đỡ con trung tín học hỏi Lời Chúa và góp phần làm việc lành Chúa sắm sẵn cho con.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 51:11–32.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=Du90Hpd8b08&list=PLy5dD_318r0WXEdEuTS1bZps_VnhcyXm4&index=4
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=00v5NjgBDcY&list=PLy5dD_318r0Xhv_5x80_GTFtcDAwWPiF7&index=52
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien