“Thà ở nơi xó nóc nhà, hơn là ở chung nhà với một người đàn bà hay tranh cạnh” (câu 9).

Câu hỏi suy ngẫm: Nan đề nào trong gia đình được đề cập tại đây? Nguyên nhân nào dẫn đến nan đề này? Bạn thấy điều nào cần tránh để có thể xây dựng một gia đình lành mạnh?

Ngôi nhà thường là nơi trú ẩn an toàn cho các thành viên trong gia đình, nơi đem đến sự yên bình và cảm thông. Thế nhưng tất cả điều đó có thể bị mất đi khi trong nhà có “một người đàn bà hay tranh cạnh.” Từ ngữ “tranh cạnh” có nghĩa cãi lộn ầm ĩ, gây gổ, sinh sự. Đây không phải là góp ý hay phê bình bằng sự hiểu biết mà giống như sự đoán xét, chỉ trích, phê phán liên tục, không bao giờ thỏa lòng, không hề chịu lắng nghe, không chấp nhận mình sai, và thậm chí là có xu hướng bạo lực trong lời nói.

Vua Sa-lô-môn đã dùng hình ảnh “ở nơi xó nóc nhà” để cho thấy tình trạng cô đơn, khó chịu, và thiếu thốn. Tuy nhiên, “thà ở nơi xó nóc nhà” vẫn tốt hơn ở chung nhà đầy đủ tiện nghi với một người vợ luôn cằn nhằn, than vãn, rầy rà, kiếm chuyện. Nghịch lý ở chỗ trong khi người chồng là chủ gia đình phải ở một góc trên mái nhà, chịu đựng nắng mưa, thì người vợ là người được dựng nên để giúp đỡ chồng, lại ở trong nhà.

Cụm từ “người đàn bà hay tranh cạnh” nói lên nhiều ý nghĩa. Trước hết, người vợ này không tôn trọng thẩm quyền của chồng theo trật tự gia đình Chúa thiết lập. Hơn nữa, người vợ như vậy còn là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình hơn là gia đình, điều này tương phản với hình ảnh của người vợ tài đức trong Châm Ngôn 31:12 nói đến. Kinh Thánh cho chúng ta nhiều hình ảnh về những người vợ hay tranh cạnh, rầy rà, cãi lẫy đã đem đến những đau đớn và phiền toái cho chồng mình, như vợ của ông Gióp (Gióp 2:9–10), hay bà Mi-canh, vợ của Vua Đa-vít (II Sa-mu-ên 6:20–23).

Hôn nhân được xem là tổ ấm để cha mẹ và con cái có được nơi trú ẩn và nghỉ ngơi, nhưng với những cằn nhằn, rầy rà, nơi đó có thể khiến những thành viên trong gia đình cảm thấy chung quanh mình không còn là tổ ấm thật sự nữa, không còn là nơi trú ẩn trước những giông bão cuộc đời. Thật không ngạc nhiên khi Sứ đồ Phi-e-rơ đề cập đến “trang sức bề trong giấu ở trong lòng” là trang sức những người nữ Cơ Đốc cần tìm kiếm, ông đã dạy đó “là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng,” và “tâm thần dịu dàng im lặng” này chính là “giá quý trước mặt Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 3:4).

Trên một phương diện, câu châm ngôn này cũng đúng cho một người chồng, một người láng giềng, hoặc một Cơ Đốc nhân hay tranh cạnh. Nói cách khác, bất cứ một cộng đồng nào cũng sẽ gặp rất nhiều những khó khăn nếu trong cộng đồng đó còn có những người chuyên tìm kiếm sự tranh chiến, gây gổ, sinh sự.

Bạn thấy mình có phải là người hay tranh cạnh không?

Lạy Chúa, xin cho con biết kiểm soát môi miệng mình để con có thể nói ra lời ân hậu đem đến sự khích lệ, qua đó có thể gây dựng gia đình hạnh phúc và một cộng đồng lành mạnh.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Mác 7.

Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=A1cbjnDmPkY&list=PLy5dD_318r0WooagkciCzgKt6EBd4YVIx&index=22

Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=_znaShz-V2M&list=PLy5dD_318r0U8GGQNWFC8wYbRLcS8jFnv&index=8

Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien