“Vì Đức Giê-hô-va yêu thương ai thì trách phạt nấy, như một người cha đối cùng con trai yêu dấu mình” (Châm Ngôn 3:12).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu dạy những bước giải quyết với người phạm tội cùng mình ra sao? Mục đích cuối cùng của việc kỷ luật người phạm tội là gì? Bạn áp dụng nguyên tắc này với anh chị em mình như thế nào?
Từ đầu chương 18, Chúa Giê-xu dùng hình ảnh con trẻ, là những người có đức tin đơn sơ nơi Chúa để dạy môn đệ phải quan tâm chăm sóc, gây dựng đức tin cho nhau. Chúa muốn các môn đệ phải cảm thông những yếu đuối, sai phạm của anh chị em đó nhưng không dung túng, chấp nhận tội lỗi của họ cách mù quáng. Từ ngữ “phạm tội” có nghĩa là sống dưới tiêu chuẩn, không đúng nguyên tắc Chúa dạy. Khi một anh chị em mình phạm tội nghịch cùng mình thì bước giải quyết đầu tiên là “trách,” nghĩa là giúp họ nhận ra sai trật của mình một cách cá nhân giữa hai người. Giải quyết một đối một sẽ giúp vấn đề không đi quá xa và trở nên nghiêm trọng. Khi người anh em phạm tội chịu nghe chúng ta thì mối liên hệ được hàn gắn. Đừng ai thay vì giải quyết cá nhân giữa hai người thì lại đi nói xấu sau lưng về người ấy với nhiều người khác, hoặc lên án một chiều, không có đối chất của người phạm tội. Biết đâu chính mình sai. Trao đổi trong tình yêu thương sẽ làm sáng tỏ vấn đề.
“Ví bằng không nghe” thì bước thứ hai là mời thêm một hai người đáng tin cậy cùng đi để giải quyết (Phục Truyền 19:15). Lời chứng của hai hoặc ba người sẽ giúp người phạm tội nhận ra rằng, không phải vì thù hằn hoặc mục đích cá nhân nhưng qua những khẳng định khách quan trên nền tảng chân lý, nhờ đó họ nhận ra mình đã làm điều sai trật. Nếu người đó vẫn cố chấp không chịu nhận lỗi, bước thứ ba là trình bày công khai trước toàn thể Hội Thánh. Thực thi kỷ luật không phải do một người hay một nhóm người mà phải là Hội Thánh. Mục đích không phải bôi xấu nhưng để người phạm tội nhận ra mình đang đi ngược lại với Lời Chúa dạy. Nếu người có lỗi vẫn không chịu nghe, họ sẽ bị Hội Thánh coi như Dân Ngoại hay người thu thuế. “Tuy vậy, chớ coi người đó như kẻ nghịch thù, nhưng hãy răn bảo người như anh em vậy” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:15).
Đức Chúa Trời là tình yêu thương nhưng cũng là Đấng Công Chính, Ngài không dung chịu tội lỗi của chúng ta. Trong sinh hoạt của cộng đồng Cơ Đốc trong Hội Thánh, chúng ta không tránh khỏi phạm phải những điều sai trật, tội lỗi đối với nhau, gây ảnh hưởng xấu đến Danh Chúa và Hội Thánh của Ngài. Chúng ta thường giải quyết cách sai lầm là đưa lên mạng xã hội hoặc đi nói xấu với nhiều người, hoặc tìm cách trả thù… Áp dụng các bước giải quyết theo Lời Chúa dạy giúp chúng ta giải quyết trong tình yêu thương với mục đích là để được lại anh chị em mình.
Bạn có thường ngồi lê đôi mách về những sai phạm của anh chị em mình không?
Lạy Chúa, xin giúp con ăn năn kịp thời tội lỗi của mình khi được nhắc nhở, và con cũng áp dụng lời dạy của Chúa để giúp anh chị em con nhận ra tội lỗi, ăn năn để được Ngài tha thứ.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Châm Ngôn 11.