“Vả, Ta phán cùng các ngươi, nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà dâm; và hễ ai cưới người bị để, thì phạm tội ngoại tình” (câu 9).
Câu hỏi suy ngẫm: Những người Pha-ri-si nêu sự mâu thuẫn trong lời dạy của Chúa Giê-xu và luật pháp Môi-se với mục đích gì? Chúa Giê-xu đã trả lời như thế nào? Bạn học được những bài học nào cho riêng mình trong vấn đề này?
Ngay sau khi Chúa Giê-xu dạy về giá trị bền vững của hôn nhân, những người Pha-ri-si “lại hỏi Ngài: Nếu vậy, tại sao Môi-se lại truyền cấp giấy ly hôn, rồi bỏ vợ?” (câu 7 BTTHĐ). Họ muốn hạ uy tín Chúa khi nêu ra sự mâu thuẫn giữa lời dạy của Chúa và luật pháp Môi-se. Những người Pha-ri-si trích dẫn Phục Truyền 24:1–4, và cho rằng ông Môi-se đã cho phép họ ly dị, vì thế theo truyền thống các Ra-bi Do Thái cũng dạy và cho phép ly dị.
Chúa Giê-xu đã trả lời cho những người Pha-ri-si biết vì sao ông Môi-se lại viết trong sách Phục Truyền như vậy, “Vì lòng các ngươi cứng cỏi, nên Môi-se cho phép ly dị vợ; nhưng, từ lúc ban đầu không có như vậy” (câu 8 BTTHĐ). Từ ngữ “cứng cỏi” mô tả một tấm lòng không chịu ăn năn, không chịu hòa giải mà cứ đắm chìm trong tội lỗi và dục vọng. Khi người chồng hoặc vợ ngoại tình mà cứng lòng không ăn năn, cứ chìm đắm trong tội lỗi, họ đã khiến mối quan hệ hôn nhân rơi vào bế tắc. Chính vì thế Đức Chúa Trời qua ông Môi-se đã gián tiếp và miễn cưỡng cho họ ly dị. Chúa Giê-xu cũng khẳng định một lần nữa với những người Pha-ri-si là “ly dị” chưa bao giờ nằm trong ý định ban đầu của Đức Chúa Trời dành cho con người và sẽ không bao giờ như vậy. Nếu không vì lý do ngoại tình thì mọi lý do khác đều không thể được chấp nhận trong vấn đề ly dị, qua đó Chúa cũng chỉ ra phần lớn những người Pha-ri-si nói riêng và người Do Thái nói chung đang phạm tội tà dâm hoặc ngoại tình!
Ngày nay, tỉ lệ ly hôn trên thế giới ngày càng gia tăng, ngay cả những quốc gia Cơ Đốc giáo, tỉ lệ ly hôn vẫn rất cao khiến nhiều người trực tiếp hay gián tiếp bị ảnh hưởng hậu quả của ly hôn. Chúng ta cũng từng nghe nhiều lý do rất hợp lý, chính đáng để biện hộ cho sự đổ vỡ hôn nhân. Là Cơ Đốc nhân, khi có những rạn nứt, những xung đột vì lý do nào đó, chúng ta cần xem xét lại tấm lòng mình để thấy có những điều nào đang làm cho chúng ta “cứng lòng” không thừa nhận những yếu đuối, tội lỗi của mình, hay thiếu cảm thông cho vợ hoặc chồng của mình không. Hãy trao đổi thành thật với nhau và cùng nhau trình dâng những nan đề của mình lên cho Chúa để Ngài hướng dẫn và chữa lành. Hãy luôn nhớ rằng ý định của Chúa đem chúng ta vào trong hôn nhân để chúng ta kinh nghiệm hạnh phúc, niềm vui Chúa ban.
Có tội lỗi nào trong tình yêu, hôn nhân khiến bạn “cứng lòng” trước sự nhắc nhở của Chúa không?
Tạ ơn Chúa về lời dạy của Ngài trong hôn nhân Chúa thiết lập. Xin giúp con không cứng lòng trước những điều Ngài nhắc nhở để hôn nhân và tình yêu của con luôn được Ngài ban phước.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sa-mu-ên 17.