“Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt” (câu 6).
Câu hỏi suy ngẫm: Người Chúa yêu là ai? Mục đích Chúa sửa phạt là gì? Tại sao Chúa lại để cho người Ngài yêu phải chịu khổ? Bạn cần có thái độ nào khi Chúa sửa phạt?
Lời Chúa cho biết Ngài yêu toàn thể nhân loại (Giăng 3:16). Vì yêu nên Ngài không muốn một người nào bị chết mất mà muốn mọi người ăn năn (II Phi-e-rơ 3:9). Dù Chúa yêu mọi người nhưng chỉ những ai đáp ứng lại tình yêu Ngài qua đức tin nơi Chúa Giê-xu mới được kể là con cái thật của Cha Thiên Thượng (Giăng 1:12). “Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu” đề cập trong phần Kinh Thánh này không phải nói về tất cả mọi người nhưng chỉ về những ai đã thật lòng tin nhận Chúa Giê-xu, trước hết chính là các tín hữu Hê-bơ-rơ ở thế kỷ đầu tiên, và sau là mọi Cơ Đốc nhân.
Tại sao Chúa lại sửa phạt người Ngài yêu? Trong nguyên ngữ Hy Lạp, từ được dịch là “sửa phạt” còn có nghĩa là “dạy dỗ con cái.” Nói cách khác, mục đích của “phạt” là để “sửa,” làm cho đúng lại những gì đã và đang sai trật. Ở đây, trước giả trưng dẫn Châm Ngôn 3:12, “Vì Đức Giê-hô-va yêu thương ai thì trách phạt nấy, như một người cha đối cùng con trai yêu dấu mình.” Việc Chúa sửa phạt người Ngài yêu giống như cha mẹ kỷ luật con cái với mục đích giúp con ý thức được hậu quả của hành động sai trái mình, giúp cảnh tỉnh con không tiếp tục phạm sai lầm, và giúp con biết rút ra bài học cho bản thân.
Một câu hỏi chưa bao giờ ngừng thắc mắc là “tại sao Chúa lại để con dân Ngài chịu khổ?” Trong phần cuối của Hê-bơ-rơ 11, chúng ta đã học được một lý do, đó là họ chịu khổ vì “thế gian không xứng đáng cho họ ở,” họ chấp nhận chịu khổ cho đến chết “để được sự sống lại tốt hơn” trong Nước Đời Đời chứ không phải trong cõi tạm này. Trong phần Kinh Thánh hôm nay, chúng ta học thêm được một lý do nữa, đó là vì “Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu.” Có thể chúng ta chịu đau khổ bởi vì chúng ta đang bị Chúa sửa phạt để được trưởng thành hơn, vấn đề là chúng ta có đủ nhạy bén để nhận ra hay không.
Khi nhận ra mình đang được Chúa sửa phạt, chúng ta không nên “dễ ngươi,” tức không nên xem thường, cho rằng đó chỉ là, những “tai nạn” “thua keo này ta bày keo khác,” hoặc lằm bằm than trách. Phải nghiêm túc tra xét lại hành vi và tấm lòng của mình, liệu có điều gì sai trật cần chỉnh sửa hay không. Đồng thời, chúng ta cũng không nên “ngã lòng,” trở nên suy sụp, chán nản, và cuối cùng là bỏ cuộc, không kiên trì theo đuổi cuộc đua. Hãy nhìn vào thập tự giá nơi chính Con Một Đức Chúa Trời mang lấy án phạt vì chúng ta để không quên Chúa yêu chúng ta như thế nào, kể cả khi Ngài sửa phạt.
Bạn có coi thường hay than trách, ngã lòng khi biết Chúa sửa phạt bạn không?
Tạ ơn Chúa luôn yêu con, ngay cả khi Ngài sửa phạt. Xin giúp con nhạy bén khi đối mặt với những nghịch cảnh để nhận biết ý muốn Chúa và khiêm nhường nhận sự dạy dỗ của Ngài.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Lê-vi Ký 9.

Lịch Cầu Nguyện Tháng:
https://nguonhyvong.com/lichcn-052024

Văn Phẩm Nguồn Sống:
https://www.vpns.org/dang-hien

Nghe Kinh Thánh hôm nay:

Nghe Kinh Thánh trong ba năm:

Nghe Kinh Thánh online:
https://nghekinhthanhviet.org

Nghe Kinh Thánh trên Youtube:
https://www.youtube.com/kinhthanhviet