“Hỡi các con, hãy nghe lời khuyên dạy của một người cha, Khá chú ý vào, hầu cho biết sự thông sáng” (Châm Ngôn 4:1).
Câu hỏi suy ngẫm: Thư tín Ga-la-ti do ai viết và viết cho ai? Vì sao trước giả lại nhấn mạnh nguồn gốc chức sứ đồ của mình? Bạn có thái độ nào nếu được những người cố vấn thuộc linh nhắc nhở?
Theo khuôn mẫu của một lá thư La Mã, Sứ đồ Phao-lô bắt đầu thư Ga-la-ti bằng phần giới thiệu về mình là người viết, rồi đến người nhận và lời chào thăm. Thư tín Ga-la-ti do ông Phao-lô và “hết thảy anh em” ở với ông viết cho “các Hội Thánh tại xứ Ga-la-ti,” một tỉnh của vùng Tiểu Á thuộc đế quốc La Mã thời bấy giờ (câu 1–2). Tuy nhiên, qua nội dung thư, chúng ta có thể thấy Sứ đồ Phao-lô là trước giả chính của bức thư. Trong câu đầu tiên, ông sử dụng một loạt cụm từ để giới thiệu về mình với người nhận thư, vốn là những người tin Chúa qua sự công bố Phúc Âm của ông (3:1–5; 4:13–15). Vì sao ông phải giới thiệu mình là sứ đồ “chẳng phải bởi loài người, cũng không nhờ một người nào, bèn là bởi Đức Chúa Giê-xu Christ” chọn và lập (câu 1) với những người con thuộc linh vốn đã thân thuộc với mình? Vì rất có thể chức sứ đồ của ông đang bị các tín hữu ở đây nghi ngờ. Việc xác nhận chức sứ đồ của ông là từ chính Chúa ban giúp khẳng định tính đáng tin cậy của Tin Lành ông rao giảng và thẩm quyền cho những lời quở trách sau đó mà ông phải nói với những người con thuộc linh đang bị những kẻ rao truyền một tin lành khác dẫn dụ (Ga-la-ti 1:6).
Khi đối diện với sự ngờ vực về thẩm quyền chức vụ của mình từ chính những người mình đã đem về với Chúa, Sứ đồ Phao-lô không trở nên bất mãn, cay đắng, cũng không giận dỗi rồi im lặng mặc kệ họ. Ông đã chọn viết thư cho họ để khẳng định lại với họ chức vụ sứ đồ của ông và nhắc nhở họ về những vấn đề nghiêm trọng họ đang mắc phải. Là người cha thuộc linh, ông không thể vì tự ái cá nhân mà im lặng với họ trong lúc họ đang ở tình trạng “thập tử nhất sinh” về thuộc linh. Không thể đến trực tiếp với họ, ông chọn viết thư để giúp đỡ họ.
Ngày nay, chúng ta cũng có thể gặp tình trạng tương tự như Sứ đồ Phao-lô. Trước hết, chính mình cần giữ vững đức tin không chạy theo những người rao tin lành lạ, và cần biết gạt bỏ tự ái cá nhân để tiếp tục tìm cách nâng đỡ cho những người con thuộc linh đang bị dẫn đi sai lạc, nếu không trực tiếp được thì hãy viết thư, e-mail, nhắn tin… thăm hỏi, nhắc nhở. Hoặc có thể chính chúng ta là người đang được cảnh báo về những giáo lý lạ mà mình tiếp cận và nếp sống đạo của mình, hãy có thái độ đón nhận chân thành để không đi vào con đường sai lạc.
Bạn làm gì khi nhận được thư cảnh báo từ người dẫn dắt thuộc linh của mình? Bạn có thường viết thư giúp đức tin cho ai không?
Lạy Chúa, xin giúp con có khả năng phân biệt ai là người cố vấn có thẩm quyền từ Chúa. Xin giúp con có sự nhạy bén và đôi tai lắng nghe khi những người được Chúa đưa đến nhắc nhở con.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sa-mu-ên 10.

Lịch Cầu Nguyện Tháng:
https://nguonhyvong.com/lichcn-12025

Văn Phẩm Nguồn Sống:
https://www.vpns.org/dang-hien

Nghe Kinh Thánh hôm nay:

Nghe Kinh Thánh trong ba năm:

Nghe Kinh Thánh online:
https://nghekinhthanhviet.org

Nghe Kinh Thánh trên Youtube:
https://www.youtube.com/kinhthanhviet