“Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ” (câu 1 Bản Truyền Thống—BTT).
“Hãy tiếp nhận người yếu đức tin, đừng tranh luận với họ về các quan điểm” (câu 1 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô cho biết thực trạng nào giữa vòng Cơ Đốc nhân? Ông kêu gọi họ có thái độ và hành xử thế nào với những khác biệt không quan trọng? Nhận biết chính mình sẽ ứng hầu trước tòa án Chúa ảnh hưởng gì đến cách hành xử của bạn?
Sứ đồ Phao-lô cho biết giữa vòng Cơ Đốc nhân thời bấy giờ có những người yếu đức tin, và cũng có những cuộc tranh luận về quan điểm khác nhau không liên quan đến sự cứu rỗi. Ông đưa ra hai ví dụ tiêu biểu: Thứ nhất, về thức ăn: Người này tin có thể ăn được mọi thứ, người kia yếu đuối, chỉ ăn rau. Người ăn khinh dể người không ăn, người không ăn đoán xét người ăn (câu 2–3). Thứ hai, về ngày: Một số người cho ngày này quan trọng hơn ngày khác, trong khi những người khác cho rằng mọi ngày như nhau (câu 5). Sứ đồ Phao-lô đề cập người yếu đuối là Cơ Đốc nhân gốc Do Thái tại La Mã, họ vẫn tiếp tục giữ luật pháp Do Thái giáo trong việc ăn uống, giữ ngày Sa-bát và các kỳ lễ trọng trong năm. Trong khi đó, Cơ Đốc nhân gốc ngoại bang ăn uống mọi thứ, bao gồm thịt của động vật không thanh sạch, và họ cho rằng mọi ngày đều quan trọng như nhau. Vấn đề không ở chỗ thức ăn nào hay ngày nào nhưng là sự tranh luận gay gắt, khinh dể, và đoán xét lẫn nhau gây chia rẽ trong thân thể Chúa Giê-xu.
Sứ đồ Phao-lô khuyên cộng đồng Cơ Đốc nên hiểu biết về nguồn gốc và tiếp nhận những khác biệt của nhau bằng cách không tranh luận về những quan điểm khác biệt (câu 1). “Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát” (Cô-lô-se 2:16). Mỗi người tùy theo quan điểm, lượng đức tin của mình mà hành xử sao cho Danh Chúa được vinh quang (câu 5–8). Chúng ta không cần thỏa hiệp với quan điểm của người khác, nhưng thể hiện tình yêu và sự thấu hiểu đối với anh chị em trong thực trạng đức tin của họ. Mọi người không nên áp đặt quan điểm của mình lên người khác mà nên để họ có cơ hội phát triển sự hiểu biết chân lý.
Chúng ta rất dễ xét đoán nhau, nhưng chỉ có Chúa là Đấng phán xét. Nếu Chúa Chí Thánh, đầy ân sủng đã tiếp nhận tội nhân qua đức tin của họ trong Chúa Giê-xu và làm cho họ đứng vững thì chúng ta là ai mà dám thay Chúa phán xét anh chị em mình (câu 3–4)? Chúng ta thảy đều là đầy tớ Chúa như nhau mà thôi. Cần nhớ rằng mỗi chúng ta đều phải ứng hầu trước toà án Chúa và khai trình mọi việc mình đã làm (câu 10–12). Vậy mỗi người hãy cậy ơn Chúa, tập trung trí lực vào những việc mình làm thay vì tranh luận sự khác biệt, khinh dể và đoán xét người khác.
Bạn có thường áp đặt ý mình trên người khác không?
Lạy Chúa! Con là tội nhân được Chúa cứu. Xin cho con chú tâm xây dựng mối tương giao mật thiết với Chúa, mở lòng tiếp nhận anh chị em mình trong sự khác biệt của nhau, hoàn thành công việc Chúa ủy thác để làm vinh quang Danh Chúa.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 8.