“Môi-se và các trưởng lão truyền lệnh này cho dân sự: Hãy giữ gìn mọi điều răn mà ta truyền cho các ngươi ngày nay” (câu 1).
Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời phán dặn dân Ngài phải làm những gì khi đã qua sông Giô-đanh? Ý nghĩa của những nghi lễ ấy là gì? Làm thế nào để sự thờ phượng Chúa của bạn có ý nghĩa?
Ông Môi-se và các trưởng lão truyền dạy về các nghi lễ cần thiết người Ít-ra-ên phải thực hiện sau khi đã qua sông Giô-đanh. Trước hết, dân Chúa phải dựng những bia đá lớn, quét vôi, và khắc những lời luật pháp trên đó. Hình ảnh những bia đá được dựng trên lãnh thổ của xứ Ca-na-an như một sự nhắc nhở dân Chúa rằng nếu không bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, họ không thể nào hiện diện và định cư ở vùng đất này được. Hơn nữa, đây cũng là một sự nhắc nhở về giao ước của Chúa, trong đó có điều khoản ràng buộc dân Chúa phải sống theo luật pháp Ngài.
Một nghi lễ không kém quan trọng nữa là người Ít-ra-ên phải lập một bàn thờ và dâng những của lễ thiêu lên cho Chúa. Việc này nhằm giúp dân Chúa có thể bắt đầu một cuộc sống mới trong xứ sở đượm sữa và mật với tinh thần đặt sự thờ phượng Chúa làm ưu tiên trong đời sống. Hơn nữa, của lễ thiêu là của lễ được dâng hoàn toàn cho Đức Chúa Trời, với ý nghĩa chỉ duy Ngài là Đấng xứng đáng nhận điều tốt nhất.
Bên cạnh đó, dân Chúa còn dâng của lễ thù ân, là của lễ được chia ra để một phần dâng trên bàn thờ và phần còn lại được chia sẻ cho những người lân cận cùng nhau ăn mừng trước mặt Chúa. Điều này cho thấy trong sự thờ phượng, dân Chúa cần bày tỏ lòng tôn kính Chúa và cũng bày tỏ tình yêu thương với những người lân cận. Có thể nói, những nghi lễ này mang tính giáo dục rất cao trong việc dạy dỗ dân Chúa cần sống thế nào với Chúa và với người.
Khi hiểu được ý nghĩa của từng nghi lễ trong sự thờ phượng Chúa, chúng ta sẽ không thấy đó là những hoạt động tôn giáo khô khan, hình thức sáo rỗng mà mình phải thực hiện. Nhưng ngược lại, chúng ta sẽ thấy được sự dạy dỗ từ Chúa dành cho mỗi người, hiểu được vai trò và trách nhiệm của mình cần làm với Chúa và với người trong sự thờ phượng. Nhiều Cơ Đốc nhân không biết rõ ý nghĩa của lễ báp-tem, tiệc thánh, sự dâng hiến, hát tôn vinh Chúa, cầu nguyện… Nếu có người mới tin Chúa hỏi ý nghĩa của những điều đó thì Cơ Đốc nhân ấy lúng túng không biết giải thích thế nào. Khi chúng ta không hiểu ý nghĩa của những nghi lễ trong Hội Thánh, chúng ta sẽ không thể có một thái độ đúng đắn để thực hiện. Vậy nên, cần biết rõ ý nghĩa của từng điều mình làm trong chương trình thờ phượng để có thể thờ phượng với tinh thần Chúa muốn, và chúng ta cũng thỏa lòng khi đến với Ngài.
Có nghi lễ nào trong sự thờ phượng bạn chưa hiểu ý nghĩa không?
Lạy Chúa, xin giúp con thật sự hiểu ý nghĩa trong nghi lễ thờ phượng Chúa, để sự thờ phượng của con đẹp lòng Ngài và con được hòa lòng cùng anh chị em thờ phượng Chúa.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Lê-vi Ký 6.

Lịch Cầu Nguyện Tháng:
https://nguonhyvong.com/lichcn-052024

Văn Phẩm Nguồn Sống:
https://www.vpns.org/dang-hien

Nghe Kinh Thánh hôm nay

Nghe Kinh Thánh trong ba năm

Nghe Kinh Thánh online:
https://nghekinhthanhviet.org

Nghe Kinh Thánh trên Youtube:
https://www.youtube.com/kinhthanhviet