“Khi ngươi đến gần một cái thành đặng hãm, trước phải giảng hòa cùng nó. Nếu thành đó đáp hòa và mở cửa cho ngươi, thì toàn dân sự ở đó sẽ nạp thuế và phục dịch ngươi” (câu 10–11).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Môi-se căn dặn dân Chúa trước khi vây đánh một thành cần phải làm gì với dân thành ấy? Quy định chỉ giết đàn ông trong thành áp dụng cho những trường hợp nào? Bạn học được gì qua những quy định này?
Trong phân đoạn này, ông Môi-se chỉ dẫn người Ít-ra-ên những biện pháp khác nhau cần áp dụng trong những cuộc chiến diễn ra bên ngoài Đất Hứa. Những quy định này không giống như cách của những đội quân đi chinh phục đến đâu là khiêu khích chém giết tới đó. Đối với những thành ở bên ngoài Đất Hứa, Đức Chúa Trời muốn dân Ngài sử dụng đường lối ngoại giao hòa giải nhằm tạo cơ hội cho thành đó lập hòa ước với người Ít-ra-ên. Trong hòa ước này, thành nào chấp nhận đầu hàng phải chịu phục dịch, nộp thuế cho người Ít-ra-ên, nhưng đổi lại họ sẽ được tự do trong giới hạn, được dân Chúa bảo vệ. Ngược lại, thành nào ngoan cố từ chối hòa giải và kháng cự lại thì Chúa sẽ phó họ vào tay dân Chúa, những người nam sẽ bị giết chết để tránh trường hợp họ âm thầm dấy loạn, tấn công khi có cơ hội. Thời đó, các Dân Ngoại lân cận thường đem quân đánh phá dân Chúa nên Chúa cho phép dân Ngài chuẩn bị những cuộc chiến mở rộng để giữ vững hòa bình với các nước lân bang. Nhưng ngay trong những cuộc chiến này Chúa cũng dạy dân Ngài bày tỏ lòng nhân đạo.
Tuy nhiên, đường lối ngoại giao hòa giải không áp dụng cho những thành bên trong lãnh thổ dân Chúa sắp chiếm đóng. Với những dân tộc trong vùng Đất Hứa, người Ít-ra-ên cần phải tiêu diệt hết mọi sinh vật có hơi thở. Vì đây là những dân tộc gian ác tột độ, làm những việc ghê tởm, vô đạo đức trước mặt Chúa nên Đức Chúa Trời ra lệnh dân của Ngài phải tận diệt những dân tộc này để bài trừ tội ác tận gốc, và “để chúng nó không dạy các ngươi bắt chước làm theo những sự gớm ghiếc chúng nó đã làm, đặng cúng thờ các thần chúng nó, e các ngươi phạm tội cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi chăng” (câu 18).
Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta thấy ngay trong những cuộc chiến để bảo vệ đất nước, Chúa vẫn muốn dân của Ngài trước hết dùng lòng nhân đạo để đối đãi với kẻ chống nghịch, trừ những dân tộc gian ác tột độ nằm trong danh sách cần bị loại trừ để ngăn ngừa tội lỗi lây lan trong dân Chúa. Ngày nay, mỗi Cơ Đốc nhân đều là một sứ giả hòa bình đem “sự sẵn sàng của Tin Lành bình an” (Ê-phê-sô 6:15) đến cho mọi người. Chúng ta phải sống trong tinh thần tìm cầu hòa bình, và khẩn thiết cầu nguyện cho sự hòa bình của quốc gia, của thế giới, thay vì phàn nàn và sống trong sự tranh chiến, bất an.
Bạn có dành thời gian cầu nguyện cho sự hòa bình của quốc gia và thế giới không?
Lạy Đức Chúa Trời là Chúa của hòa bình. Xin giúp con có nếp sống nhân hậu, bày tỏ ánh sáng hòa bình của Ngài, biết dùng sự sẵn sàng của Tin Lành bình an ra đi rao báo Tin Mừng cho nhiều người.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 34:20—35:15.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=0CeaupD3ASc&list=PLy5dD_318r0Vw7c032xJrcgCCcRhvzXQB&index=21
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=-oDwcpqgPH4&list=PLy5dD_318r0WcBVKfMXPodCwL7yXunCtz&index=35
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien