Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ (Hebrews) 12:1-3
Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Ðức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Ðấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Ðức Chúa Trời. Vậy, anh em hãy nghĩ đến Ðấng đã chịu sự đối nghịch của kẻ tội lỗi dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi mệt sờn lòng.
Therefore, since we have so great a cloud of witnesses surrounding us, let us also lay aside every encumbrance and the sin which so easily entangles us, and let us run with endurance the race that is set before us, fixing our eyes on Jesus, the author and perfecter of faith, who for the joy set before Him endured the cross, despising the shame, and has sat down at the right hand of the throne of God. For consider Him who has endured such hostility by sinners against Himself, so that you will not grow weary and lose heart.
Dưỡng linh:
Vì biết rằng rất dễ dàng cho độc giả của mình khi phải đối diện với biết bao thử thách, khó khăn, hoạn nạn trong đời này sẽ bị nãn lòng, thối chí và bỏ cuộc. Câu hỏi họ thường đặt ra cho mình và cho những ai theo Chúa: “tôi đã hy sinh và tận hiến tất cả cho Chúa, tôi nhận được gì ngoài những thiệt thòi, thua thiệt và hoạn nạn trong đời này? Như vậy, việc tôi theo Chúa có nên không?” Sau khi nói về những anh hùng đức tin sẵn sàng hy sinh mọi sự tạm bợ của trần gian để sống cho lý tưởng cao cả của thiên đàng, mặc dầu họ chưa nhận được những gì đã hứa cho mình trong đời này, tác giả Hê-bơ-rơ khích lệ độc giả của ông đừng nên ngã lòng, thối chí trong hành trình thuộc linh của mình. Ông nói rằng độc giả của ông nói riêng và tất cả Cơ-đốc nhân nói chung đều là những vận động viên đang chạy đua trong vận động trường thể thao dưới cặp mắt của biết bao nhiêu người đang theo dõi mình chạy từng giây từng phút. Đám đông này đặt tất cả hy vọng vào trong chính người đang thi đấu để mong rằng sẽ giật được giải mang về cách vinh quang. Những người đang theo dõi cuộc chạy đua của Cơ-đốc nhân không ai khác hơn là những anh hùng đức tin đã được nói đến trong đoạn 11 phần trên. Họ đã chạy và đã chiến thắng và đang mong chờ chúng ta chạy cũng chiến thắng như họ để nhận được mão miện vinh hiển. Trong số người đang chứng kiến và hô hào khích lệ chúng ta cũng có những người thân yêu đã từ giả chúng ta ra đi về nước Chúa trước chúng ta. Họ đang đứng đó để chờ chúng ta ở cuối con đường! Vậy hãy ráng lên mà chạy cho đến đích!
Những làm thế nào để Cơ-đốc nhân có sức mạnh thuộc linh để chạy cho đến đích trong cuộc đua thuộc linh này? Tác Hê-bơ-rơ cho chúng ta biết có một số việc chúng ta cần phải làm để nhận được sức mạnh thuộc linh này như sau:
1. Quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương trong đời sống Cơ-đốc nhân. Ma quỷ thường không làm cho Cơ-đốc nhân bỏ Chúa, nhưng bằng cách này hay cách khác, khiến cho Cơ-đốc nhân theo Chúa trong tâm trạng mệt mỏi và yếu đuối. Để có thể thực hiện được mục đích này, ma quỷ làm cho chúng ta tự mình mang vào mình những gánh nặng vô hình để không còn tự do và thong dong bước đi trong hành trình thuộc linh của chúng ta. Sống tất nhiên phải có trách nhiệm đối với chính mình và những người chung quanh. Nhưng khi chúng ta thấy trách nhiệm trở thành gánh nặng thì tinh thần phục vụ và tận hiến không còn có giá trị nữa. Ngoài ra, vô tình hay cố ý chúng ta tìm cách chồng chất vào trong đời sống mình những gánh nặng về tài chánh khiến chúng ta lo âu nên phải chạy theo công việc làm. Khi đó chúng ta sẽ lãng quên đời sống tâm linh của mình. Có người còn bị quấn hút vào trong gánh nặng của “chức vụ” vì quá bận rộn, khiến cho đời sống tâm linh không còn tươi mới để sống và phục vụ Chúa cách mạnh mẽ… Chẳng những Cơ-đốc nhân cần phải để ý đến những gánh nặng quấn hút mình nhưng những tội lỗi dễ vấn vương cũng là điều khó có thể tránh khỏi trong khi đeo đuổi hành trình thuộc linh. Khi chúng ta phạm tội nhỏ hay lớn mà không ăn năn, quyết tâm dứt bỏ thì tội lỗi đó dễ dàng quấn lấy chúng ta cách vô hình. Chỉ khi nào chúng ta thật sự ăn năn cách thành khẩn với Chúa, khi đó Chúa Jesus mới bứt đứt dây trói vô hình của tội lỗi và buông bỏ linh hồn chúng ta được tự do khỏi sự thống trị của nó. Hầu hết những người thất bại thuộc linh không phải là những người phạm tội “lớn” với Chúa, bèn là những người phạm những tội “nhỏ” nhưng không chịu ăn năn. Khi chúng ta không chịu ăn năn thì những tội này trở thành “những con chồn nhỏ phá hoại vườn nho” tâm linh của chúng ta và lúc ấy nó sẽ dẫn chúng ta đến những tội lớn hơn, khó ăn năn hơn.
2. Lấy lòng nhịn nhục để theo đòi cuộc chạy đua đặt trước mắt chúng ta. Khi nói tới nhịn nhục thì phải nói đến sự khổ nạn và thời gian của sự chịu khổ nạn đó. Người theo Chúa không thể nào trông đợi mọi việc xảy ra và thay đổi trong chốc lát hay “qua đêm” (overnight). Những gì Đức Chúa Trời muốn làm trong đời sống của Cơ-đốc nhân để chuẩn bị họ cho cõi đời đời vinh hiển, đòi hỏi nơi họ đức nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải có mục đích rõ rệt. Chúng ta nhịn nhục chịu khổ để làm gì? Là Cơ-đốc nhân chúng ta cần phải trả lời câu hỏi này cách dứt khoát và rõ ràng. Bằng không, chúng ta không thể nào có thể nhịn nhục chịu đựng sỉ nhục, thử thách, và chịu lấy thập tự giá được. Theo Chúa mà mọi sự dễ dàng, hanh thông, phước hạnh thì ai cũng có thể theo Chúa và không bao giờ đòi hỏi đức nhịn nhục nơi người theo Chúa Jesus. Ai trong chúng ta rồi cũng đi qua con đường của sự huấn nhục này do Đức Chúa Trời bày ra. Chúng ta không thể trốn chạy khỏi nó được. Thế thì, cần phải trang bị và học tập đức nhịn nhục để theo Chúa Jesus.
3. Cơ-đốc nhân nhịn nhục theo đòi cuộc đua nhưng mang trong tâm trí mình hình ảnh của Chúa Jesus Christ là Đấng đã chịu khổ vì chúng ta và để lại cho chúng ta một gương. Thái độ của Chúa Jesus đối với sự đau khổ trước mắt Ngài là gì? Tác giả Hê-bơ-rơ dùng những từ rất sống động để mô tả về tâm trạng của Chúa Jesus khi đối diện với sự hoạn nạn và sỉ nhục. Chúa Jesus “vì sự vui mừng” đặt trước mặt Ngài mà “chịu lấy” thập tự giá, “khinh” điều sỉ nhục. Điều này có nghĩa là Chúa Jesus nghĩ đến sự vui mừng và hoan hỉ sau khi chiến thắng tử thần và tất cả, Ngài sẵn lòng chấp nhận sự chết và xem nhẹ những sỉ nhục trong hiện tại trước mắt. Chúa Jesus đã chịu khổ trong một lúc nhưng được tôn cao, ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời đời đời. Vì thế, để không bị mỏi mệt và sờn lòng trong đời sống theo Chúa và phục vụ Ngài, chúng ta hãy nhìn xem Chúa Jesus là “cội rễ và cuối cùng của đức tin.” Hãy nghĩ đến sự hoan hỉ và vinh quang đời đời khi chúng ta đối diện Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên mình, và với Chúa Jesus Christ là Đấng đã cứu chuộc cuộc đời của mình, mà chúng ta không dừng bước và đi chậm lại trong hành trình thuộc linh này. Năng lực của Đức Chúa Trời sẽ tuôn đổ vào trong đời sống của chúng ta khi chúng ta để cho hình ảnh về cuộc đời của Chúa Jesus chiếm ngự trong tâm trí của chúng ta và tình yêu của Ngài xâm chiếm tâm hồn chúng ta. Đó chính là bí quyết của sức mạnh thuộc linh của đời sống Cơ-đốc nhân bước đi giữa những ngày thử thách, hoạn nạn, và khổ đau của cuộc đời này.
Cầu nguyện:
Lạy Jesus yêu quý, con vô cùng biết ơn Ngài vì Ngài đã bằng lòng đi trọn con đường của sự đau khổ, sỉ nhục vì con. Chẳng những thế thôi, Ngài còn để lại trong tâm trí con một hình ảnh tuyệt vời về chính Ngài đã bằng lòng đón nhận lấy tất cả mọi khổ đau và khinh bỉ để mang con đến niềm vui mừng đầy trọn đời đời với tương lai vinh hiển với Ngài. Xin Chúa giúp con đứng dậy để tiếp tục bước đi mỗi khi con cảm thấy mỏi mệt và sờn lòng. Xin ban cho con năng lực đầy tràn khi con ngước lên nhìn xem Ngài là “cội rễ và cuối cùng của đức tin” của con. Amen!
Alliance Theological College
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com