“Đâu không có bò, đó máng cỏ trống không; nhưng nhiều hoa lợi do nơi sức bò đực mà ra” (Châm Ngôn 14:4).
Câu hỏi suy ngẫm: Hai vợ chồng mới này đang đối diện với nan đề nào? Phản ứng của người vợ và người chồng như thế nào? Kết quả ra sao? Bạn học được những thái độ nào cần tránh khi đối diện với nan đề trong gia đình?
Sau hôn lễ tuyệt vời và lãng mạn (4:1-5:1), gia đình mới này đối diện với một xung đột khi người chồng về nhà rất trễ, lúc trời đã “đầy sương móc” và tóc chàng “thấm giọt ban đêm.” Người vợ bồn chồn, lo lắng, trằn trọc cả đêm, đến nỗi dù ngủ nhưng lòng thì lại tỉnh thức (câu 2a). Vậy mà khi nghe tiếng chồng, nàng lại giận dỗi và đưa ra lý do rất vô lý, đã cởi áo ngoài và rửa chân rồi, để tránh gặp mặt. Đây là phản ứng trả đũa do lòng kiêu hãnh của nàng bị tổn thương. Tinh thần “mắt đền mắt, răng đền răng” hoàn toàn không có giá trị trong việc giải quyết xung đột gia đình, vì chỉ làm cho trầm trọng thêm mà thôi.
Tuy nhiên, tấm lòng chân thành của người chồng đã lay động tình cảm của người vợ trẻ (câu 4). Nàng sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện cho chồng, thậm chí là dùng mùi hương của “một dược” như một lời mời gọi chăn gối (câu 5). Nhưng mọi việc dường như đã trễ khi người chồng đã hết kiên nhẫn và rời đi (câu 6a). Sự giận dỗi, tự ái, và trì hoãn giải quyết xung đột của người vợ không chỉ khiến chồng mình rời xa mà còn đem đến cho nàng những tổn thương về tinh thần và thể xác khi phải trải qua sự khủng khiếp của cảm giác cô đơn, sợ hãi, và không còn sự bảo vệ (câu 6b-7).
“Đâu không có bò, đó máng cỏ trống không; nhưng nhiều hoa lợi do nơi sức bò đực mà ra.” Nếu “không có bò” thì “máng cỏ trống không,” nghĩa là rất sạch sẽ, nhưng cũng sẽ không có “hoa lợi” nào cả. Muốn có “hoa lợi” thì phải có “bò,” mà khi có “bò” thì chắc chắn máng cỏ sẽ không còn sạch sẽ nữa! Tương tự, nếu sống một mình thì sẽ chẳng có xung đột với ai cả, nhưng khi quyết định gắn cuộc đời mình với một người thì chắc chắn sẽ có nan đề. Chúng ta có thể nhận được nhiều phước hạnh trong hôn nhân nhưng đừng quên xung đột cũng là điều không thể tránh khỏi. Quá ảo tưởng hay kỳ vọng hão huyền trong hôn nhân là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình đổ vỡ. Vấn đề là phải học cách đối diện với những nan đề nảy sinh trong đời sống gia đình. Khi xung đột xảy ra, hãy tránh tinh thần trả đũa, và từ bỏ lòng tự ái mà ngồi lại với nhau, lắng nghe, và cùng nhau đối diện với những xung đột trong tinh thần tha thứ, khoan dung. Thời gian có thể chữa lành nhiều điều, nhưng việc trì hoãn giải quyết những xung đột theo chiều hướng tiêu cực có thể sẽ khiến cho nan đề của gia đình bạn thêm trầm trọng mà thôi.
Bạn thường giải quyết xung đột trong hôn nhân ra sao?
Tạ ơn Chúa vì người phối ngẫu Ngài ban cho con. Xin cho con luôn yêu thương, chấp nhận, và khoan dung với người con yêu thương.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giăng 8.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien