“Nếu ai có của cải đời này, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!” (câu 17).
Câu hỏi suy ngẫm: Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta được bày tỏ như thế nào? Kinh nghiệm tình yêu của Chúa đem chúng ta đến kết quả nào? Sứ đồ Giăng đã nêu ví dụ cụ thể nào để bày tỏ tình yêu thương? Nếu không bày tỏ tình yêu bằng hành động cụ thể sẽ đem đến hậu quả nào?
Tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho con người tội lỗi không chỉ là tấm lòng, lời nói nhưng còn bằng hành động ban Chúa Giê-xu cho con người. Tình yêu Chúa Giê-xu bày tỏ mang những đặc tính cao quý: hy sinh điều quý nhất là sự sống của Ngài, hy sinh cách tự nguyện, và hy sinh cho những người không xứng đáng (câu 16a). Nhờ đó, chúng ta được phục hòa với Đức Chúa Trời, được xưng công bình, được khôi phục địa vị làm con, và được biến đổi cuộc đời.
Sứ đồ Giăng nói rằng một người thật sự được tái sinh là người yêu anh chị em mình, và dấu hiệu để nhận biết một Cơ Đốc nhân thật chính là tình yêu. “Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết”
(I Giăng 3:14). Do đó, nếu một người nhận được món quà ân sủng vô giá của Chúa Giê-xu thì cũng phải “bỏ sự sống vì anh em mình vậy” (câu 16b). “Sự sống” là điều quý nhất. Tình yêu thương đòi hỏi hy sinh điều quý nhất bằng hành động cụ thể. Không có sự hy sinh, không phải là tình yêu. Từ “anh em” trong câu 16b ở dạng số nhiều, nghĩa là “anh em” trong ý nghĩa chung; nhưng “anh em” trong câu 17 ở dạng số ít, nghĩa là “anh em” trong ý nghĩa một cá nhân cụ thể. Chúng ta thường nói mình yêu Hội Thánh, nhưng lại không tha thứ, không quan tâm đến anh chị em cụ thể trong Hội Thánh.
Tình yêu không chỉ dành cho những con người cụ thể mà còn phải thực hiện bằng những hành động cụ thể. Trong câu 17, từ “thấy” có nghĩa là nhìn biết kỹ lưỡng, “chặt dạ” là hình ảnh đóng sập cửa, khóa lại và quăng chìa khóa đi. Một người nhìn biết rõ nhu cầu của người khác, biết rõ điều Chúa muốn mình làm, nhưng lại dửng dưng, dứt khoát từ chối, và không giúp đỡ, thì “lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!” Một người không cần ghen ghét anh chị em mình mới là phạm tội, nhưng chỉ cần bỏ mặc hay dửng dưng với nhu cầu của anh chị em mình thì người đó đã phạm tội rồi. Nhưng ai là người “có của cải đời này” (câu 17)? Từ ngữ “của cải” trong tiếng Hy Lạp là bios mang ý nghĩa “sinh kế, sinh nhai” (livelihood). Tại đây, trước giả đề cập đến những người có điều kiện cơ bản về sinh kế bình thường đều có thể chia sẻ, giúp đỡ anh chị em mình về nhu cầu vật chất.
Chúa đang cho bạn THẤY anh chị em nào cần giúp đỡ? Bạn đáp ứng thế nào?
Lạy Chúa, xin cho con có lòng yêu thương như Ngài, và cũng bày tỏ cụ thể tình yêu đó cho anh chị em con như Ngài đã bày tỏ tình yêu cho con.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Nê-hê-mi 2.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien