“Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm” (I Giăng 2:6).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu mong đợi và nhận được điều gì nơi cây vả? Hậu quả của cây vả có lá mà không có trái là gì? Bài học nhắc nhở điều gì cho đời sống con dân Chúa?

Sáng thứ hai của Tuần Lễ Thánh, Chúa Giê-xu từ làng Bê-tha-ni trở lại Giê-ru-sa-lem “thì Ngài đói.” Ngài thấy một cây vả từ đằng xa nhưng khi lại gần, chỉ thấy có lá mà thôi. Chúa Giê-xu phán: “Chẳng hề có ai ăn trái của mày nữa!” (câu 14). Sáng hôm sau, khi Chúa và môn đệ trở lại thì “thấy cây vả đã khô cho tới rễ” (câu 20). Chẳng lẽ vì “đói” mà Chúa Giê-xu đã quở cây vả trong khi bấy giờ “không phải mùa vả”? Thật ra, Chúa chưa bao giờ làm phép lạ để đáp ứng nhu cầu thể xác của mình. Ngài đã từ chối hóa đá thành bánh sau khi kiêng ăn 40 ngày (Ma-thi-ơ 4:2–4), dù sau đó Ngài hóa bánh cho 5000 người ăn. Bên giếng nước tại Sa-ma-ri, Chúa cho biết Ngài không để nhu cầu thể xác chi phối vì “đồ ăn của Ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai Ta đến, và làm trọn công việc Ngài” (Giăng 4:34).

Khác với Sứ đồ Ma-thi-ơ (Ma-thi-ơ 21:18–22), ở đây ông Mác đặt câu chuyện Chúa Giê-xu dẹp sạch đền thờ xen giữa câu chuyện cây vả để chứng tỏ cây vả chính là hình ảnh của đền hờ, là hình ảnh của đời sống thờ phượng của người Do Thái. Cho dù “bấy giờ không phải mùa vả,” nhưng vào khoảng tháng Ba hay tháng Tư vẫn có những cây vả cho ra những trái vả xanh có thể ăn được (Ê-sai 28:4; Ô-sê 9:10; Mi-chê 7:1). Trong trường hợp này, trái vả non sẽ ra trước khi cây vả ra lá, nghĩa là nếu cây vả có lá thì phải có trái vả non đầu mùa, còn nếu cây vả không có trái thì cũng không có lá, nhưng khi cây vả có lá mà không có trái thì đó là một cây vả hư, không kết quả. Cây vả bị rủa khô héo không phải vì không có trái, mà vì có lá mà lại không có trái. Một cây vả cho dù lá có xanh tươi đến đâu, nhưng không thể sinh trái thì thực chất đó là cây vả chết!

Là một cây vả thì PHẢI kết quả, nếu không thì vô dụng và phải bỏ đi. Cũng vậy, đã là con dân Chúa thì PHẢI kết quả thuộc linh, PHẢI giống Chúa và vâng phục Chúa. Một đời sống được tái sinh chắc chắn phải kết quả. Nếu không được thay đổi, không trở nên giống Chúa, không sinh ra những việc lành thì đó không phải là một đời sống được tái sinh (Ê-phê-sô 2:8–10). Hình thức tôn giáo bề ngoài không thể thay thế cho đời sống thuộc linh kết quả. Sự thờ phượng thể hiện bên ngoài phải xuất phát từ tấm lòng được thay đổi bên trong. Những sinh hoạt tôn giáo không có gì sai, nhưng nếu không cẩn thận nó có thể đem đến những ảo tưởng thuộc linh, như cây vả chỉ có lá, có thể đánh lừa người khác và đánh lừa chính mình.

Nếu giờ này Chúa Giê-xu đến, Ngài sẽ nhìn thấy và nhận lấy điều gì nơi đời sống bạn?

Lạy Chúa, xin giúp cho con kinh nghiệm công tác của Đức Thánh Linh trong đời sống để con mỗi ngày giống Chúa và kết những bông trái thuộc linh ngày càng hơn.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 38.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien