“Vì cớ đó, người nam lìa cha mẹ mình mà gắn bó với vợ; và hai người cùng nên một thịt mà thôi. Như thế, vợ chồng chẳng phải là hai nữa, mà chỉ là một thịt.”

Câu hỏi suy ngẫm: Lời dạy của Chúa cho biết gì về bản chất mối liên hệ vợ chồng? Những sai lầm nào có thể gây tổn hại cho mối liên hệ vợ chồng? Làm thế nào để gây dựng sự hiệp một trong hôn nhân?

Hôn nhân không phải là sự “nối dài” của gia đình hai bên nhưng là bước vào một mối liên hệ mới để thiết lập một gia đình mới. Chính vì vậy, bước đầu tiên để hai người có thể thành lập một gia đình mới là phải “lìa” cha mẹ của họ để có thể “gắn bó” với nhau một cách chặt chẽ. Nếu không thể thật sự “lìa” cha mẹ mình sẽ không thể thật sự “gắn bó” hoàn toàn với người phối ngẫu. Một hôn nhân sẽ gặp nhiều nan đề khi hai vợ chồng không biết “lìa” cha mẹ của mình, nghĩa là không đủ khả năng để độc lập về tài chính, về việc quản lý gia đình, và về việc đưa ra các quyết định. Rất nhiều gia đình gặp nan đề khi phải lệ thuộc vào tài chính của cha mẹ, hoặc xem trọng ý kiến của cha mẹ hơn cả ý kiến của chồng hay vợ mình, hoặc ưu tiên thời gian và tiền bạc cho gia đình của cha mẹ mình hơn là cho gia đình của chính mình. Có nhiều người khi gặp nan đề với người phối ngẫu thì lập tức bỏ về nhà của cha mẹ mình. Hành động đó không phù hợp khuôn mẫu gia đình của Kinh Thánh và chỉ tạo thêm nan đề mà thôi.

Đừng quên mối liên kết giữa vợ chồng là quan trọng nhất, nên dứt khoát không để cho bất kỳ mối quan hệ nào khác gây ảnh hưởng tiêu cực trên gia đình mình. Thậm chí, mối liên hệ vợ chồng còn quan trọng hơn mối liên hệ với con cái. Đúng là một trong những mục đích của hôn nhân là “sinh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất” (Sáng Thế Ký 1:28), nhưng Kinh Thánh cũng cho biết: “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (Sáng Thế Ký 2:24), nghĩa là con cái không phải là yếu tố quyết định cho sự hiệp một của vợ chồng. Nhiều người không hiểu biết điều này nên đã làm cho hôn nhân của mình gặp nan đề khi không có con cái.

Trong hôn nhân, hai vợ chồng trở nên “một thịt,” từ ngữ này chỉ về sự hiệp một chặt chẽ giữa hai vợ chồng. “Một thịt” không chỉ là sự hiệp một trong khía cạnh thể xác (câu 8), nhưng còn là sự hiệp một trong khía cạnh tinh thần và tâm linh (câu 5–9), nghĩa là con người và cả hôn nhân của hai vợ chồng được dựng nên trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Như vậy, gây dựng sự hiệp một của gia đình là gây dựng đời sống tâm linh của cả vợ và chồng, là cùng nhau hướng đến sự kêu gọi của Đức Chúa Trời và giúp nhau hoàn thành sự kêu gọi đó.

Bạn có đang đặt mối quan hệ nào khác cao hơn mối quan hệ vợ chồng bạn không?

Lạy Chúa, xin giúp cho vợ chồng con ngày càng yêu thương nhau, nâng đỡ nhau, và cùng nhau sống hài lòng Chúa để làm vinh quang Danh Ngài.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-na 3—4.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien