“Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gióp mô tả những thủ đoạn nào của người ác? Con cái Chúa phải cư xử thế nào đối với người nghèo khó? Khi bị ức hiếp, bạn thường làm gì?
Ông Gióp suy nghĩ về hoàn cảnh của những người khốn cùng ở vùng nông thôn ngày xưa đang bị người gian ác bóc lột, áp bức đến tột cùng. Trong phân đoạn này, ông mô tả người ác ra sức vơ vét của cải qua nhiều thủ đoạn: Cướp đất bằng cách dời ranh giới, lấy cắp chiên, bò, ép người làm điều sai, bắt con cháu người nghèo làm tôi mọi. Đẩy người nghèo khổ đến cảnh khốn cùng: không có lương thực ăn, không có quần áo mặc, không chăn mền chống lạnh. Những người khốn cùng trở nên tôi mọi cho những người giàu có, quyền lực. Họ nhọc nhằn thu hoạch hoa lợi cho chủ mà bụng đói cồn cào; họ ép dầu, đạp trái nho cho chủ mà cổ khát khô. Ông Gióp đang hoang mang không hiểu vì sao Đấng Toàn Năng lại không phạt những người gian ác và bênh vực cho những người nghèo khó.
Từ thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã dạy dân Ngài yêu thương và nâng đỡ người nghèo khổ. Chúa phán: “Vào cuối mỗi bảy năm anh em phải tha nợ… Hãy mở rộng bàn tay giúp đỡ người túng thiếu, nghèo khó trong xứ anh em” (Phục Truyền 15:1, 11 BTTHĐ). Đức Chúa Trời đã giải cứu dân Chúa ra khỏi ách nô lệ của Ai Cập, vậy họ cũng phải giúp đỡ anh em mình. Trong thời Tân Ước, Chúa Giê xu đã dùng câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành để thay đổi suy nghĩ của con dân Ngài. Trong câu chuyện, kẻ cướp với quan niệm sống “của người khác là của tôi” nên đã giựt lột, đánh người, cướp của. Nhưng người Sa-ma-ri với quan niệm sống “của tôi, chia sẻ cho bạn” nên đã cứu giúp, trả tiền cho chủ quán để săn sóc người gặp nạn. Người
Sa-ma-ri là người lân cận của người nạn. Chúa dạy con dân Chúa phải “yêu Chúa và yêu người lân cận” (xem Lu-ca 10:25-37). Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi người khác nữa.”
Một khía cạnh khác, đôi lúc chúng ta như ông Gióp, muốn thấy sự trừng phạt của Chúa đối với người ác tức thì mà không nghĩ rằng mọi hình phạt Chúa giáng trên con người đều xuất phát từ tình yêu và lòng nhân từ vô biên mà Chúa dành cho họ. Chúng ta cần phải “yêu người thù nghịch, và cầu nguyện cho người bắt bớ… vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi người dữ cùng người lành, làm mưa cho người công bình cùng người độc ác” (Ma-thi-ơ 5:44-45). Đức Chúa Trời là Đấng Nhân Từ luôn cho người ác cơ hội ăn năn, nhưng họ nếu không thương xót người khác, họ sẽ không thể tránh bị hình phạt, và sự chết đời đời.
Bạn có sống nhân từ với người nghèo khó và cầu nguyện cho người bức hại mình không?
Tạ ơn Chúa vì Ngài đã yêu và cứu con. Xin cho con biết yêu và bày tỏ tình yêu qua sự cứu giúp người nghèo khó. Xin cho con kiên nhẫn cầu nguyện cho những người áp bức con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Phục Truyền 9.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien