“Đức Chúa Trời vì ích cho chúng ta mà sửa phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài” (Hê-bơ-rơ 12:10b).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Ê-li-hu mô tả người bệnh như thế nào? Bệnh thể xác dẫn tới bệnh linh hồn ra sao? Vì sao con người chịu đau khổ? Bạn làm gì khi đang chịu khó khăn, thử thách, đau khổ trong cuộc sống?
Ông Ê-li-hu cho rằng Đức Chúa Trời dùng sự đau khổ giúp cho ông Gióp chú ý để ngăn chặn ông Gióp phạm tội. Trong phân đoạn Kinh Thánh này (câu 19-22), ông Ê-li-hu mô tả một người bệnh đau khổ nằm trên giường, xương cốt rã rời, run rẩy triền miên. Vì bệnh nên dù có thức ăn ngon, cao lương mỹ vị, người bệnh cũng chẳng màng quan tâm. Cơ thể người bệnh tiều tụy, da bọc xương, đến nỗi nhìn chẳng ra người. Từ bệnh hoạn trong thể xác, đã dẫn đến sự mệt mỏi về tinh thần, đến nỗi linh hồn đến gần vực thẳm, sinh mạng đang tiến gần với sự chết. Ông Ê-li-hu đã dùng hình ảnh này để mô tả phần nào về hoàn cảnh đau đớn mà ông Gióp đang phải gánh chịu. Quan điểm của ông Ê-li-hu là Đức Chúa Trời dùng sự đau khổ nhằm giữ con người khỏi phạm tội và khỏi đi xuống vực thẳm của sự chết.
Những lời của ông Ê-li-hu có một phần đúng. Đức Chúa Trời có quyền dùng bệnh tật, đau khổ để cảnh cáo, dạy dỗ chúng ta. Chúa dùng những hoàn cảnh ấy dạy chúng ta vì muốn đem lại ích lợi cho chúng ta, đưa chúng ta tới chỗ thuận phục Chúa và được nên thánh (Hê-bơ-rơ 12:4-11). Vì thế, chúng ta không được nói rằng mọi đau khổ đều là hình phạt tội lỗi. Sứ đồ Phao-lô đã chịu khổ vì cái “giằm xóc vào thịt,” nhưng ông vẫn cảm tạ Chúa về điều đó vì ông cho rằng những đau khổ đó giữ ông khỏi kiêu ngạo
(II Cô-rinh-tô 12:7-10). Nhưng chúng ta cũng phải cẩn thận, vì chính những việc làm tội lỗi cũng gây ra một số khổ đau. “Song con đường kẻ phạm tội lấy làm khốn cực thay” (Châm Ngôn 13:15b). Nếu con người không làm theo Lời Chúa, sống theo tư dục mình thì phải bị hình phạt và chịu đau khổ bởi hậu quả của các việc ác mình đã làm.
Vì con người đã phạm tội, nên chúng ta không thể tránh được những sự bệnh tật, đau yếu, và những đau khổ trong cuộc sống, nhưng chúng ta cần học theo gương Sứ đồ Phao-lô, chấp nhận sự đau khổ, tìm những bài học từ hoạn nạn, để xem Chúa muốn dạy chúng ta điều chi. Qua sự đau khổ, giúp chúng ta sống thánh khiết hơn, gần Chúa hơn, và yêu Chúa nhiều hơn. Một khía cạnh khác cần lưu ý là khi thấy anh chị em mình đang ở trong hoàn cảnh đau khổ, chúng ta không được quy kết tội cho họ, gây thêm cho anh chị em mình đau khổ thêm, nhưng hãy cầu nguyện và giúp đỡ họ từ vật chất đến tinh thần để họ vượt qua.
Bạn có nhận ra những bài học Chúa dạy khi gặp đau khổ, thử thách không?
Kính lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Ngài đã hy sinh, đền tội cho con. Xin Chúa Thánh Linh cho con nhận và học từ sự sửa dạy của Chúa. Xin Chúa giúp con biết nâng đỡ anh chị em con trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của họ.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Châm Ngôn 23.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien