“Phàm điều gì tôi tớ Chúa và dân Ít-ra-ên của Chúa sẽ cầu khẩn trong khi hướng về nơi này, xin Chúa hãy dủ nghe; phải, ở nơi ngự của Chúa tại trên các tầng trời, xin Chúa dủ nghe, nhậm lời, và tha thứ cho” (câu 21).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn làm gì nhân dịp cung hiến đền thờ? Ông đến với Chúa với thái độ ra sao? Ông cầu xin Chúa điều gì? Bạn thường cầu nguyện với Chúa thế nào?
Đứng trước đền thờ mới cung hiến cho Chúa, Vua Sa-lô-môn đã thay mặt toàn dân để cầu nguyện. Là người đứng đầu một đất nước hùng mạnh, ông không hề dựa vào sức riêng nhưng chỉ nương dựa nơi Chúa. Là một lãnh đạo trẻ tuổi và tin kính, ông hiểu trách nhiệm của mình là phải cầu thay cho toàn dân. Là một vị vua, nhưng ông sẵn sàng quỳ xuống trước Chúa, cung kính, khiêm nhường để cầu nguyện (câu 13) trong khi dân chúng cứ đứng, bởi ông nhận thức Chúa mới chính là Vua cầm quyền tể trị chứ không phải ông. Là người đã hoàn tất công việc xây đền thờ cho Chúa, nhưng ông luôn cho mọi người biết đó là ý Chúa và ơn Chúa để họ theo Ngài chứ không khoe khoang công trạng để họ theo mình (câu 9–11). Bài cầu nguyện của ông rất giống cách Chúa Giê-xu dạy môn đệ cầu nguyện (Ma-thi-ơ 6:7–13) và đáng để chúng ta học hỏi.
Trước hết, Vua Sa-lô-môn ca ngợi và cảm tạ Chúa (câu 14–15) vì Ngài đã giữ lời hứa và bày tỏ lòng nhân từ với Vua cha Đa-vít. Ngài thật cao cả, quyền năng, khác hẵn những thần tượng vô tri mà con người thờ lạy. Kế đến ông cũng cầu xin Chúa ban phước và tha thứ tội (câu 16–27), xin Chúa đoái đến lời cầu nguyện và nài xin của ông và dân chúng. Ông cầu nguyện với niềm tin rằng Đấng đã giữ lời hứa với cha ông về việc luôn giữ cho dòng dõi của ông có được một người kế vị, Ngài cũng sẽ tiếp tục thực hiện lời hứa đó. Vua Sa-lô-môn đã lặp lại năm lần cụm từ “xin tha thứ” để cho thấy tầm quan trọng của điều này trong lời cầu nguyện của ông, vì ông biết rằng là con người ai cũng phạm tội nên luôn cần được Chúa tha thứ. Ông vững tin rằng bởi sự đoái thương của Chúa, khi ông và dân chúng hướng đến Ngài cầu xin sự ban phước và tha thứ thì sẽ được Chúa “dủ nghe, nhậm lời, và tha thứ cho.”
Cung kính, khiêm nhường khi ca ngợi, cảm tạ Chúa và xin Chúa tha thứ tội lỗi là cách xác nhận niềm tin vào Chúa và những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Đồng thời cũng là cách chúng ta bày tỏ lòng biết ơn Chúa về những gì Ngài đã ban cho, kể cả những thử thách để rèn luyện chúng ta. Chúa sẽ rất vui lòng khi chúng ta cảm tạ Chúa về những phước hạnh và thử thách Ngài cho phép xuất hiện trong cuộc đời, và luôn vững tin rằng những gì xảy ra cho chúng ta mỗi ngày luôn được Chúa quan phòng.
Bạn có thường xuyên đến với Chúa để ca ngợi, cảm tạ, và cầu xin sự ban phước và tha thứ của Chúa không?
Lạy Chúa, xin giúp con không nương tựa sức riêng của con nhưng đến với Chúa mỗi ngày với lòng khiêm cung để được Ngài “dủ nghe, nhậm lời, và tha thứ cho.”
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sa-mu-ên 15.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=iRejXXlm_W4&list=PLy5dD_318r0W5KN1H0zAmGzqGM75v2teP&index=7
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=KLxwOlr5gw8&list=PLy5dD_318r0XplVvWLbw4xIosdpfvE41G&index=16
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien