“Ta sẽ lập lên những kẻ chăn nuôi chúng nó; thì sẽ chẳng sợ chẳng hãi nữa, và không thiếu một con nào, Đức Giê-hô-va phán vậy” (câu 4).
Câu hỏi suy ngẫm: Đức Giê-hô-va khuyên dân Chúa làm gì khi bị quân Canh-đê bao vây (Giê-rê-mi 21)? Tại đây Chúa ban lời hứa nào cho dân Ngài? Qua đó Chúa muốn dân Chúa học bài học nào? Bạn vững tin điều gì khi ở trong sự sửa phạt của Chúa?
Giê-rê-mi chương 21 ghi lại sự kiện khi người Canh-đê bao vây thành Giê-ru-sa-lem, Vua Sê-đê-kia đã sai người đi đến Tiên tri Giê-rê-mi với mong muốn nhờ ông cầu xin sự giải cứu từ Đức Giê-hô-va. Nhưng Đức Giê-hô-va lại trả lời rằng vua và dân của Chúa hãy đầu hàng, đừng phòng thủ làm gì vì chắc chắn sẽ thất bại, vì Ngài đã phó họ vào tay của quân phương Bắc. Cách duy nhất để giữ lấy sự sống là đi theo người Canh-đê để làm phu tù, vì nếu ai ở lại “…sẽ chết bởi gươm dao, đói kém, và ôn dịch” (Giê-rê-mi 21:9). Tuy nhiên, trong phân đoạn Kinh Thánh này Tiên tri Giê-rê-mi công bố lời hứa của Đức Giê-hô-va về việc Ngài sẽ phục hồi dân Ngài bằng cách Ngài sẽ “…nhóm những con sót lại của bầy Ta, từ các nước mà Ta đã đuổi chúng nó đến” (câu 3). Trong khi người Giu-đa vô cùng lo sợ họ bị tan lạc và thiếu người chăn dắt thì Đức Giê-hô-va hứa rằng Ngài sẽ lập nên những người chăn dắt họ, họ sẽ chẳng còn sợ hãi gì cả, và Ngài sẽ nhóm lại tất cả chiên Ngài trở về chuồng, không thiếu một con nào.
Có lẽ trong suy nghĩ của con người, chúng ta thấy cách giải quyết của Đức Giê-hô-va thật khó hiểu. Ngay lúc kinh thành lâm nguy vì bị bao vây, theo chúng ta thì giải cứu lúc đó có lẽ hợp lý hơn. Nhưng chính Đức Giê-hô-va biết rằng dân Chúa cần phải đối diện với sự nguy khốn này, cần phải bị lưu đày… vì đó là bài học họ nhất định phải học để không xem thường cơ hội và lòng nhân từ của Chúa. Có như thế thì khi dân Chúa được giải cứu bởi Đức Giê-hô-va họ mới thật sự quý trọng và biết được giá trị của hòa bình và phước hạnh họ có được khi làm chiên của Ngài. Điều quan trọng chúng ta thấy được ở đây là lòng nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời luôn dõi theo dân Chúa, dù rằng họ đang làm Ngài buồn lòng.
Ông Môi-se đã ghi lại kinh nghiệm này trong bài ca của ông, chính Ngài làm cho họ bị thương nhưng cũng chính Ngài đem đến sự chữa lành thật sự cho họ (Phục Truyền 32:39). Đức Chúa Trời là tình yêu, sự sửa phạt của Chúa cũng bởi tình yêu, và sự chữa lành, giải cứu của Ngài cũng bởi tình yêu. Hãy vững tin Chúa luôn ban điều tốt nhất cho chúng ta.
Bạn có thật sự kinh nghiệm bình an, không sợ hãi khi ở dưới quyền tể trị của Đức Chúa Trời không?
Lạy Chúa, con vui mừng khi cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho con khi Ngài sửa phạt vì những tội lỗi con đã phạm, xin giúp con nương mình nơi lòng nhân từ và thương xót của Chúa để tiếp tục sống và kinh nghiệm sự thành tín của Ngài.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Sáng Thế Ký 21.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien