“Lạy Đức Giê-hô-va, là sự trông cậy của Ít-ra-ên, những kẻ nào bỏ Ngài đều sẽ bị xấu hổ! Những kẻ lìa khỏi ta sẽ bị ghi trên đất, vì họ đã bỏ suối nước sống, tức là Đức Giê-hô-va” (câu 13).
Câu hỏi suy ngẫm: Những hình ảnh nào đã được Tiên tri Giê-rê-mi sử dụng khi nói về Đức Giê-hô-va? Trước giả cho biết ai là người quyết định việc ông sẽ nhận được sự chữa lành và sự cứu rỗi? Qua đó cho thấy mối liên hệ giữa ông và Đức Giê-hô-va như thế nào và quyết định của ông ra sao khi ở trong “ngày hoạn nạn” (câu 16)?
Đức Giê-hô-va là “sự trông cậy,” “suối nước sống”—đó chính là những hình ảnh Tiên tri Giê-rê-mi dùng khi nói về Đức Giê-hô-va yêu kính của ông. Qua đó, ông cũng cho biết số phận bi thảm cho những ai vội lìa bỏ Ngài: họ sẽ chuốc lấy sự xấu hổ, kinh hoàng, và hoạn nạn kinh khiếp. Trước những sự bức hại, nguy hiểm, khốn khó mà Tiên tri Giê-rê-mi đã từng đối diện, ông càng ý thức sâu sắc hơn sự quan phòng của Đức Giê-hô-va, Ngài là nơi nương náu cho chính bản thân ông, và ông quyết tâm chỉ đi theo một mình Ngài mà thôi (câu 16). Ông khẳng định sự chữa lành và sự cứu rỗi chỉ đến từ một mình Đức
Giê-hô-va, ngoài Ngài ra ông chẳng nhận được bất cứ một sự trông cậy, hoặc một sự tiếp cứu nào khác cả.
Chính vì ý thức được mối liên hệ sống còn với chính Đức Giê-hô-va là nguồn trông cậy và là nguồn nước sống, cho nên Tiên tri Giê-rê-mi đã bày tỏ quyết tâm một lòng theo Ngài, quyết chạy đến với Chúa, nhờ cậy nơi Ngài trong những giờ phút đối diện với sự sầu thảm, bức hại. Ngược với điều Tiên tri Giê-rê-mi cảm nhận, dân Chúa lại không ý thức được mối liên hệ sâu sắc, sống còn với Chúa, cho nên họ vội rời bỏ Ngài, lìa xa Ngài (câu 13) để phải chuốc lấy điều xấu hổ, phải kinh hoàng trong ngày hoạn nạn đến.
Nhiều người vẫn nói rằng mình theo Chúa, nhưng không ít người vẫn chưa thật sự có mối liên hệ sống còn với Đức Chúa Trời như Tiên tri Giê-rê-mi đã kinh nghiệm. Điều đó chứng tỏ thái độ chúng ta đã không một lòng theo Chúa nhưng vẫn muốn “đi giẹo hai bên,” loanh quanh trong những tư tưởng sai lạc vì nghĩ rằng sẽ tìm được thêm một sự cứu giúp từ một thế lực nào khác, hay một người nào khác ngoài Đức Chúa Trời. Cho nên, sự thờ phượng Đức Chúa Trời không phải là điều ưu tiên trong đời sống chúng ta, sự phục vụ Chúa chỉ được chúng ta thực hiện theo cảm xúc vui buồn của chúng ta… Chỉ khi chúng ta ý thức và xác quyết rằng mọi nguồn phước hạnh và sự cứu giúp chúng ta có được chỉ duy nhất đến từ Đức Giê-hô-va mà thôi, lúc đó chúng ta mới toàn tâm toàn ý bước theo Chúa và trọn lòng phục vụ Ngài.
Bạn đánh giá mối liên hệ của mình với Đức Giê-hô-va như thế nào?
Lạy Đức Giê-hô-va là sự trông cậy và là nguồn nước sống của con! Xin cho con nhận biết sự sống và mọi nguồn phước hạnh mà con có được chỉ đến từ Chúa. Xin giúp con luôn trông cậy và nương mình nơi chính Ngài là đồn lũy của con.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ha-ba-cúc 2.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien