“Lạy Đức Chúa Trời tôi ôi! Xin nhớ lại chúng nó, vì chúng nó đã làm ô uế chức tế lễ và sự giao ước của chức tế lễ và của người Lê-vi” (câu 29).
Câu hỏi suy ngẫm: Thầy Tế lễ Thượng phẩm Ê-li-a-síp đã làm gì khiến ông Nê-hê-mi phải quở trách? Điều sai phạm mà thầy tế lễ thượng phẩm làm gây ảnh hưởng gì đến cộng đồng Ít-ra-ên? Theo bạn, thách thức mà người lãnh đạo đối diện là gì?
Đây là một trong những phân đoạn ký thuật buồn về tình trạng hôn nhân của những người lãnh đạo trong con dân Ít-ra-ên. Thật không thể ngờ là ngay chính trong gia đình được Chúa biệt riêng ra phục vụ Ngài lại có mối quan hệ thông gia với người ngoại bang; và càng đau đớn hơn là có mối quan hệ thông gia với kẻ thù của người Ít-ra-ên. Đây là điều làm cho ông Nê-hê-mi vô cùng buồn giận, đến nỗi ông phải thốt lên rằng họ đã làm ô uế chức tế lễ, ô uế sự giao ước của chức tế lễ (câu 29). Với cương vị thầy tế lễ thượng phẩm của người Ít-ra-ên, đáng lẽ ông
Ê-li-a-síp phải có trách nhiệm chăm sóc đời sống tâm linh, cũng như quở trách, sửa phạt nghiêm minh khi người
Ít-ra-ên kết thông gia với Dân Ngoại trong thời gian ông Nê-hê-mi vắng mặt. Nhưng làm sao ông có thể quở phạt dân chúng khi chính cháu trai của ông lại là rể của ông
San-ba-lát, một trong những người thù nghịch với dân Chúa! Nếp sống thiếu gương mẫu của dòng họ ông đã tạo nên một luồng ảnh hưởng xấu trong con dân Ít-ra-ên. Đứng trước thực trạng vô cùng đau lòng đó, ông Nê-hê-mi nghiêm khắt giải quyết sự bất khiết ngay trong dòng tộc tế lễ. Ông đã đuổi cháu trai của thầy tế lễ thượng phẩm, để trong dòng tế lễ ấy không có bất kỳ một sự lai tạp bất khiết nào. Sự nghiêm minh trong cách xử sự của ông
Nê-hê-mi là một hồi chuông cảnh tỉnh những ai không tuân theo tiêu chuẩn cưới gả mà Đức Chúa Trời đã quy định cho dân Ngài.
Người lãnh đạo không chỉ có trách nhiệm giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa, nhưng điều quan trọng hơn nữa là họ cần sống đúng theo những lời mình đã dạy dỗ. Họ cần có ý thức về tầm ảnh hưởng của mình đối với con dân Chúa. Có thể lắm bởi một câu nói được cân nhắc mà nhiều người được an ủi, nhưng cũng chỉ bởi một câu nói đùa bâng quơ, thiếu trách nhiệm mà làm vấp phạm nhiều người. Người lãnh đạo cần là những tấm gương giữa đời thường, để qua chính sự gương mẫu ấy mà con dân Chúa được sự khích lệ, mạnh mẽ để sống theo tiêu chuẩn của Lời Chúa. Đó là lý do vì sao người dẫn dắt dân Chúa phải là những người được Chúa kêu gọi, bởi trách nhiệm mà họ gánh vác thật không đơn giản chút nào. Nếp sống gương mẫu của người lãnh đạo là bài giảng thuyết phục nhất cho con dân Chúa.
Bạn có là người lãnh đạo gương mẫu trong Hội Thánh, ban ngành, nhóm nhỏ, và gia đình không?
Lạy Chúa, xin cho con ý thức được tầm ảnh hưởng dù lớn dù nhỏ mà Chúa đã đặt để con. Xin thêm sức để con có thể sống đúng theo tiêu chuẩn của Chúa, và làm gương sáng cho anh chị em chung quanh con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 18.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien