“Người ở đó cho tới khi Vua Hê-rốt băng, hầu cho ứng nghiệm Lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: Ta đã gọi Con Ta ra khỏi nước Ê-díp-tô” (câu 15).
Câu hỏi suy ngẫm: Phân đoạn này trích dẫn những lời tiên tri trong Cựu Ước như thế nào? Sự trích dẫn này nhằm mục đích gì? Sự ứng nghiệm lời tiên tri có ý nghĩa gì với bạn?
Đây là một phân đoạn Kinh Thánh rất đặc biệt khi đan xen những lời tiên tri khác nhau trong Kinh Thánh Cựu Ước cùng với những chi tiết rất đặc trưng, làm độc giả không thể quên những câu chuyện từng xảy ra trong Cựu Ước. Cụ thể như hình ảnh ông Giô-sép và bà Ma-ri đưa Hài Nhi Giê-xu lánh qua xứ Ai Cập sẽ làm độc giả liên tưởng đến xứ Ai Cập là một nơi nương náu truyền thống của người Do Thái khi gặp nguy hiểm. Hay tiếng khóc đau thương đến xé lòng của những người cha người mẹ mất đi đứa con thân yêu của mình đã làm trước giả
Ma-thi-ơ liên tưởng đến tiếng khóc của bà Ra-chên khóc các con mình. Có thể nói, sự khóc than của bà là tiêu biểu cho sự buồn khổ của người Ít-ra-ên. Trong tiếng khóc tưởng chừng như vô vọng ấy, thì hình ảnh thiên sứ hiện ra truyền cho ông Giô-sép và bà Ma-ri đưa Hài Nhi Giê-xu trở về xứ Ít-ra-ên đã làm cho độc giả vỡ òa trong hy vọng khi nhớ đến hình ảnh Đức Chúa Trời dùng cánh tay quyền năng của Ngài đưa tổ phụ người Ít-ra-ên ra khỏi xứ Ai Cập dưới sự dẫn dắt của ông Môi-se.
Mọi lời trích dẫn từ Thánh Kinh Cựu Ước và những chi tiết đặc trưng mà trước giả lồng ghép vào trong phân đoạn này nhằm để nói với độc giả rằng, từ thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã mạc khải với dân Ngài về sự giáng sinh của Đấng Mết-si-a, và tất cả đều đã được ứng nghiệm. Không ai khác, Hài Nhi Giê-xu chính là Đấng Mết-si-a mà Đức Chúa Trời đã dự ngôn từ trước cho họ. Hài Nhi Giê-xu chính là nguồn hy vọng trọn vẹn mà người Ít-ra-ên mong chờ bao năm nay. Sự giáng sinh của Chúa Giê-xu đã làm trọn giao ước của Đức Chúa Trời với người Ít-ra-ên.
Sự giáng sinh của Chúa Giê-xu nằm trong chương trình cứu rỗi vĩ đại đã được Đức Chúa Trời hoạch định từ trước, và mọi chi tiết trong chương trình ấy đều xảy ra đúng thời điểm của Chúa. Điều này cho thấy Đức Chúa Trời là Đấng kiểm soát mọi điều trong đời sống con người cũng như trong cõi thiên nhiên, tất cả đều xảy ra như hoạch định của Ngài. Sống với nhận thức Chúa là Đấng tể trị mọi sự giúp chúng ta dù đang đối đầu với vô vàn sóng gió của cuộc đời, vẫn có niềm hy vọng nơi Ngài. Và sự giáng sinh của Chúa Giê-xu chính là nguồn hy vọng trọn vẹn cho mỗi Cơ Đốc nhân khi đối diện với những nghịch cảnh, vì biết rằng Đức Chúa Trời đã làm trọn giao ước của Ngài với chúng ta qua sự giáng sinh huyền nhiệm ấy.
Bạn có nhận biết Chúa là Đấng tể trị đời sống bạn không?
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài đã làm trọn lời hứa của Ngài cho con thông qua sự giáng sinh của Chúa Giê-xu. Nguyện xin Chúa Giê-xu trở thành nguồn hy vọng vững chắc cho con trong mỗi khó khăn của đời sống.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Na-hum 3.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien