“Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: này, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sinh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên” (Ê-sai 7:14).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao sách Phúc Âm Ma-thi-ơ mở đầu bằng bảng gia phả của Chúa Giê-xu? Trong bảng gia phả này, Sứ đồ Ma-thi-ơ tập trung mối liên kết giữa Chúa Giê-xu với ai? Điều này có ý nghĩa gì? Bạn học được gì về sự thành tín của Đức Chúa Trời?

Sứ đồ Ma-thi-ơ mở đầu sách Phúc Âm bằng bảng gia phả của Chúa Giê-xu, điều này không có gì xa lạ với người Do Thái, vì họ là dân tộc rất coi trọng phổ hệ. Gia phả là cần thiết để biết nguồn gốc của một người, và nguồn gốc của người mà Sứ đồ Ma-thi-ơ muốn xác định ở đây chính là Chúa Giê-xu. Sứ đồ Ma-thi-ơ cẩn thận phân chia gia phả này thành ba nhóm với mười bốn đời cho mỗi nhóm. Cách thiết lập gia phả như vậy nhằm tập trung mối liên kết giữa Chúa Giê-xu với ông Áp-ra-ham, và Vua Đa-vít. Mục đích của mối liên kết này nhằm nhấn mạnh cho độc giả Do Thái biết rằng chính Chúa Giê-xu là sự ứng nghiệm trọn vẹn của toàn bộ lịch sử dân Ít-ra-ên. Cụ thể bắt nguồn từ lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho ông Áp-ra-ham rằng mọi gia tộc trên đất sẽ được phước nhờ dòng dõi của ông; kế tiếp là lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho Vua Đa-vít rằng ngai vàng và vương quốc của ông sẽ được thiết lập và tồn tại muôn đời trước mặt Ngài.

Nói cách khác, đây là cách Sứ đồ Ma-thi-ơ muốn khẳng định với người Ít-ra-ên rằng, Chúa Giê-xu chính là con cháu Vua Đa-vít, là sự ứng nghiệm đã được báo trước qua các lời tiên tri trong Cựu Ước. Việc khẳng định này vô cùng có ý nghĩa cho sự mở đầu của Tân Ước, bởi vì sự ra đời của Chúa Giê-xu chính là kết nối quan trọng giữa Cựu Ước và Tân Ước, để người Ít-ra-ên nhận biết rằng chính Chúa Giê-xu là Vua người Giu-đa, là sự ứng nghiệm trọn vẹn các lời tiên tri đã báo từ trước trong Cựu Ước. Đây cũng chính là một trong những lý do vì sao sách Phúc Âm Ma-thi-ơ được chọn để mở đầu cho phần Tân Ước.

Khoảng trống yên lặng 400 năm trong thời Cựu Ước đã chấm dứt với sự ra đời của Hài Nhi Giê-xu. Sự ra đời ấy không chỉ là sự ứng nghiệm trọn vẹn trong Cựu Ước, nhưng còn để khẳng định với người Ít-ra-ên rằng, Đức Chúa Trời chưa bao giờ quên lời Ngài hứa, và Ngài vẫn đang tể trị mọi việc. Điều này cũng để khích lệ chúng ta rằng, cho dù có những giai đoạn Đức Chúa Trời lặng im trước mọi lời cầu xin vì tội lỗi của chúng ta, nhưng không vì thế mà Ngài bỏ mặc chúng ta. Đức Chúa Trời sẽ thực thi ơn thương xót của Ngài trên chúng ta vào đúng thời điểm của Ngài. Điều quan trọng là chúng ta hãy ăn năn trước khi quá muộn.

Sự giáng sinh của Chúa Giê-xu đem đến hy vọng nào cho bạn?

Lạy Đức Chúa Trời, Đấng đã ban Con Một của Ngài cho nhân loại và cho chính con. Sự giáng sinh của Hài Nhi Giê-xu đem đến nguồn hy vọng vĩnh cửu cho con, bởi nhờ Chúa Giê-xu mà con nhận được sự cứu rỗi đời đời.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Khải Huyền 4.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien