“Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu; Nhưng ai cầm giữ môi miệng là người khôn ngoan” (câu 19).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn so sánh lời nói của người khôn ngoan và người ngu dại ra sao? Những lời nói nào của bạn ảnh hưởng tốt đến người nghe? Có những lời nói nào bạn cần thay đổi để làm sáng Danh Chúa?
Vua Sa-lô-môn dạy con cách sống khôn ngoan qua việc cẩn thận trong lời nói. Ông so sánh lời nói của hai nhóm người: người khôn ngoan, công bình, và người ngu dại, gian tà.
Người khôn ngoan, công chính là người biết cầm giữ lời nói, luôn cẩn thận trong lời ăn tiếng nói của mình. Cụm từ “cầm giữ miệng mình” trong câu 19 chỉ về người biết dè giữ lời nói, mau nghe, chậm nói, trước khi nói luôn suy nghĩ kỹ lưỡng. Lời nói của người khôn ngoan là lời có giá trị, quý giá như bạc ròng hảo hạng (câu 20a). Những lời nói ấy không những đem lại ích lợi cho người nói, nhưng cũng là những bài học quý giá “nuôi dạy nhiều người” (câu 21a), không có nghĩa là lời nói dạy đời, nhưng là lời nói “nuôi sống nhiều người” (câu 21a BTTHĐ). Những lời nói như vậy bày tỏ những điều tốt đẹp và sự công chính của Chúa giúp nuôi dưỡng tâm linh cho người nghe.
Ngược lại, lời nói của người ngu dại, gian tà là những lời nói bừa bãi, thiếu suy nghĩ, nói nhiều lời nhưng những lời ấy chẳng có giá trị, không ích lợi gì cho người nghe (câu 20). Họ càng nói nhiều, càng làm cho người nghe thấy sự ngu dốt, thiếu hiểu biết của họ (câu 21). Người khôn ngoan biết được người hung ác qua lời nói gian tà của họ; nhưng người ngu dại thì lại bị người gian tà khuyến dụ vào đường tội ác. Hậu quả lưỡi của người gian tà “sẽ bị truất” (câu 31), có nghĩa là “sẽ bị cắt mất” như Lời Chúa đã dạy trong Thi Thiên 12:3 rằng: “Đức Giê-hô-va sẽ diệt hết thảy các môi dua nịnh, và lưỡi hay nói cách kiêu ngạo.”
Là con của Đấng khôn ngoan, xin Chúa cho lời nói của chúng ta luôn bày tỏ sự công chính và sự sống của Chúa, giúp cho người nghe nhận biết con đường đến sự công chính và sự sống đời đời. Đồng thời phải tránh xa những người nói lời gian tà, vì lời nói của người dại chỉ phá đổ và khiến tấm lòng người nghe trống rỗng, nản lòng. Sứ đồ Phao-lô dạy: “Đừng để ai lấy những lời rỗng tuếch lừa dối anh em; chính vì những điều này mà cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đổ xuống dòng dõi không vâng phục” (Ê-phê-sô 5:6 BTTHĐ). Ông Gia-cơ dạy: “Ai không vấp phạm trong lời nói, đó là người trọn vẹn, có thể kiềm chế được cả thân thể mình” (Gia-cơ 3:2 BTTHĐ). Cơ Đốc nhân cần nhận biết bản thân yếu đuối, dễ vấp phạm trong lời nói để cầu xin Chúa kiểm soát lời nói của mình mỗi ngày, biết cẩn thận khi nói và cũng biết suy xét khi nghe.
Bạn đã cầm giữ được lời nói của mình chưa? Những lời nói của bạn có hướng dẫn người nghe tìm được sự công chính, sự sống của Chúa không?
Tạ ơn Chúa vì Ngài luôn chỉ dạy cho con biết cẩn thận lời nói. Xin Chúa giúp con vâng theo Lời Chúa, nói những điều công chính, hướng dẫn người nghe đến sự sống đời đời.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Xuất Ê-díp-tô Ký 20.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=u15o4u1l1wI&list=PLy5dD_318r0WooagkciCzgKt6EBd4YVIx&index=11
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=qyBi4b5oAcs&list=PLy5dD_318r0VdAQRX0oPXaDq2NF_HbZfg&index=21
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien