“Chúng tôi đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va; chúng tôi sẽ đi lên chiến trận và làm mọi điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi đã phán dặn” (câu 41a).

Câu hỏi suy ngẫm: Khi người Ít-ra-ên biết Đức Chúa Trời nổi giận vì sự bất tuân của họ, họ đã làm gì? Tại sao người Ít-ra-ên lại bị thảm bại trong tay người A-mô-rít? Bài học này nhắc nhở bạn điều gì trong cuộc sống với Chúa?

Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay tái hiện một câu chuyện lịch sử nhỏ trong cả dòng lịch sử chung của tổ phụ người Ít-ra-ên. Câu chuyện này khiến độc giả không khỏi thắc mắc về những phản ứng kỳ lạ của tổ phụ người
Ít-ra-ên trước những mệnh lệnh Đức Chúa Trời ban truyền. Ấy là khi Chúa đã hứa sẽ đi trước, dẫn đường, và chiến đấu cho họ trong các cuộc chiến với người A-mô-rít (câu 30), thì tổ phụ người Ít-ra-ên lại lo sợ phải chết trong tay những dân tộc giềnh giàng ấy nên đã từ chối tiến lên đánh chiếm miền Đất Hứa. Tuy nhiên, khi thấy Đức Chúa Trời nổi giận vì họ đã nghi ngờ và thiếu đức tin nơi Ngài, thì họ lại sợ và ùn ùn kéo lên núi để đánh người A-mô-rít, mặc dù Chúa đã sai ông Môi-se cảnh báo họ rằng Ngài không ngự giữa họ trong chiến trận nữa (câu 41–43). Điều này cho thấy động cơ đi đánh trận của tổ phụ người
Ít-ra-ên xuất phát từ nỗi sợ hãi bị Đức Chúa Trời trừng phạt, chứ không xuất phát từ lòng tin cậy nơi lời hứa của Ngài. Thế nên, dù bề ngoài thấy như là họ có nghe và làm theo mệnh lệnh của Chúa, nhưng động cơ sâu thẳm bên trong lại hoàn toàn khác hẳn. Hơn nữa, họ đã thiếu sự nhạy bén tâm linh để nhận biết đâu là thời điểm cần vâng theo Lời Chúa, và đâu là thời điểm cần yên lặng để suy ngẫm về những hành động đã làm buồn lòng Chúa của mình. Chính bởi hai yếu tố trên đã khiến cho tổ phụ người Ít-ra-ên thảm bại trong tay người A-mô-rít, và nếm trải bao nỗi đắng cay khi Chúa không ngự cùng họ (câu 44–46).

Trong cuộc sống hằng ngày, lắm khi chúng ta cũng giống như tổ phụ người Ít-ra-ên, vâng theo Lời Chúa vì lo sợ bị Ngài trừng phạt hơn là vì tin cậy nơi lời hứa tốt đẹp của Chúa dành cho những người sống thuận phục Ngài. Khi nỗi lo sợ bị trừng phạt là động cơ thúc bách chúng ta làm theo Lời, thì sự vâng lời ấy không đến từ tấm lòng vâng phục mà đến từ sự đối phó với Ngài. Chẳng hạn như động cơ chúng ta trung tín đi nhà thờ không dám bỏ một buổi nào, hăng hái tham gia công việc Chúa, nếu xuất phát từ ý niệm kính yêu Chúa, muốn được sống theo Lời Chúa dạy, sẽ khác hoàn toàn với việc lo sợ bị Chúa trừng phạt, không ban phước mà làm theo. Nếu mọi việc chúng ta làm xuất phát từ lòng lo sợ Chúa trừng phạt thì những việc ấy cũng giống như những hoạt động tôn giáo không hơn không kém. Xin Chúa giúp chúng ta vâng theo Lời Chúa vì chính Ngài chứ không phải vì sợ hãi bị Ngài trừng phạt.

Động cơ nào thúc đẩy bạn làm theo Lời Chúa?

Lạy Chúa, xin giúp con sống và làm theo Lời Chúa xuất phát từ tấm lòng kính yêu Chúa chân thật của con, chứ không phải xuất phát từ sự đối phó với Ngài.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Mi-chê 6.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien