“Chúa phó Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, và một phần khí mạnh của Nhà Đức Chúa Trời vào tay người” (câu 2a).

Câu hỏi suy ngẫm: Tiên tri Đa-ni-ên mô tả và đánh giá sự thất thủ của thành Giê-ru-sa-lem như thế nào? Dân Chúa đã đối diện với biến cố này như thế nào? Bạn có thái độ nào trước những thất bại trong đời sống?

Chỉ qua hai câu đầu của sách, Tiên tri Đa-ni-ên đã cho chúng ta biết chủ đề của toàn sách: Đức Chúa Trời tể trị trên lịch sử nhân loại. “Vua Ba-by-lôn đến thành Giê-ru-sa-lem vây lấy” rồi đem khí dụng trong đền thờ Chúa về đất của mình, không phải để một nơi trang trọng, mà ở “trong kho” một đền thờ ngoại giáo (câu 1–2). Đó là dấu chấm hết cho vương quốc Giu-đa độc lập. Đó có vẻ là sự thất bại nhục nhã của Giu-đa và của cả Giê-hô-va Đức Chúa Trời, vì theo quan điểm thời bấy giờ, dân tộc nào chiến thắng chứng tỏ thần của dân tộc ấy mạnh hơn. Trong phần ký thuật lịch sử này, thế chủ động và chiến thắng dường như thuộc về Ba-by-lôn. Thành của Chúa thất thủ. Dân Chúa thảm bại. Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Giu-đa dường như hết thời. Đức Chúa Trời mạnh sức với “cánh tay quyền năng giơ thẳng” (Phục Truyền 26:8; I Các Vua 8:42) dường như thuộc về quá khứ. Cũng như Tiên tri Ha-ba-cúc, có lẽ người Giu-đa hẳn cũng tự hỏi Đức Giê-hô-va ở đâu trong những biến cố đau buồn, nhục nhã này? Đấng họ tôn thờ có lớn hơn thần của các Dân Ngoại không?

Dù tường thuật lịch sử một cách khách quan, nhưng Tiên tri Đa-ni-ên cũng có đôi mắt và sự tỉnh táo thuộc linh để nhận biết tất cả bể dâu xảy đến với dân Chúa là kết quả của việc “Chúa phó” (câu 2). Thất thủ không có nghĩa là Đức Giê-hô-va yếu thế! Đức Chúa Trời đã dùng nhiều tiên tri để cảnh báo dân Ngài rằng nếu họ cứ mải miết thờ hình tượng, cư xử bất công với người nghèo và sống gian ác, Ngài sẽ khiến một dân ngoại giáo đến chiếm lấy xứ (Mi-chê 4:10). Những tưởng Chúa chỉ hù dọa, chỉ “giơ cao đánh khẽ,” suốt nhiều thế hệ người Giu-đa vẫn đắm chìm trong tội ác. Chính vì thế, khi biến cố đau buồn này xảy ra, Tiên tri Đa-ni-ên nhận biết đó là kết quả của việc “Chúa phó,” hoặc như một số bản dịch khác, “Chúa giao,” “Chúa cho phép,” “Chúa trao.” Mục sư Warren Wiersbe nói rằng: “Đức Chúa Trời thà để dân Ngài sống lưu đày cách hổ nhục trong một xứ sở tà thần chứ không để họ sống như những người ngoại giáo nơi Đất Thánh và làm ô uế Danh Ngài.” Thất thủ này chính là bước chiến thắng trong kế hoạch của Đức Giê-hô-va cho một tương lai tốt lành hơn của dân Chúa, một dân tộc được Ngài luyện tinh ròng qua kỷ luật.

Bạn có đang mải miết trong tội lỗi, nuôi dưỡng những hình ảnh bất khiết, bất kính, hỗn xược với cha mẹ, lười nhác trong việc học việc làm, v.v… và vẫn cho rằng Chúa sẽ chẳng phạt nặng chúng ta chăng? Xin chớ coi thường, Chúa yêu nhưng Ngài không chìu đâu.

Bạn có nhìn thấy Chúa khi đối diện với những “thất thủ” trong đời sống không?

Lạy Chúa, cảm tạ Ngài vì lịch sử là câu chuyện của Ngài. Xin giúp con có đôi mắt thuộc linh để nhìn thấy và tin cậy Đức Chúa Trời của con lớn hơn những thất bại hiện tại của con.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Phục Truyền 24:1—25:4.

Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=_VHK2HO5AOY&list=PLy5dD_318r0WA4ClA4A5xBwoUeONjgWJF

Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=k_4Ecxhjx9g&list=PLy5dD_318r0Vw7c032xJrcgCCcRhvzXQB&index=25

Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien