“Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau” (Ga-la-ti 5:13).

Câu hỏi suy ngẫm: Muốn có một địa vị có phải là xấu không? Hai ông Giăng và Gia-cơ xin Chúa điều gì? Tại sao lời cầu xin không đẹp lòng Chúa? Chúa dạy về hai hạng người lãnh đạo như thế nào? Tiên tri Sa-mu-ên và Sứ đồ Phao-lô đã nêu gương lãnh đạo trong tinh thần đầy tớ ra sao?

Mong muốn có một địa vị, tự nó không phải là xấu. Sứ đồ Phao-lô nói, “Ví bằng có kẻ mong được làm giám mục, ấy là ưa muốn một việc tốt lành; lời đó là phải lắm” (I Ti-mô-thê 3:1). Từ ngữ “giám mục” (overseer), cũng gọi là “trưởng lão” (elder) (Tít 1:5–7), là người điều hành một Hội Thánh địa phương, tương tự chức vụ mục sư quản nhiệm hiện nay. Nói rộng ra cho các tín hữu, ông Phao-lô khích lệ: “Hãy ước ao sự ban cho (ân tứ) lớn hơn hết” (I Cô-rinh-tô 12:31a) để phục vụ cho ích lợi chung (câu 7), dù biết rằng quyền ban phát ân tứ là của Đức Thánh Linh (câu 11). Nhưng nếu mong muốn có địa vị, quyền cao chức trọng vì tham vọng cá nhân là ích kỷ, là xấu. Hai anh em ông Giăng và Gia-cơ (qua bà mẹ) xin được ngồi bên hữu và bên tả thầy mình trong Vương Quốc của Ngài (câu 20–23), lời cầu xin đó không đẹp lòng Chúa Giê-xu vì xuất phát từ động cơ xấu. Tóm lại, nếu động cơ là lòng vị tha, yêu Chúa và yêu tha nhân, điều đó là tốt; còn nếu xuất phát từ động cơ vị kỷ, điều đó là xấu.

Nhân cơ hội này Chúa Giê-xu dạy cho các sứ đồ và cho chúng ta về hai nhóm người lãnh đạo (câu 25–27). Nhóm thứ nhất, lãnh đạo như các vua quan thế tục dùng quyền lực bắt ép người dưới phục vụ mình. Nhóm thứ hai, lãnh đạo theo mẫu mực của Chúa thì trái lại, dùng địa vị mình có để phục vụ mọi người như một đầy tớ. Rồi Chúa nói rõ mục đích Ngài giáng sinh “không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (câu 28).

Tiên tri Sa-mu-ên đã hỏi dân chúng, trong lúc ông lãnh đạo họ, ông có tham lam, bắp ép ai, nhận hối lộ của ai hay hành hung ai chăng? Và ông hứa với họ, “ta đây cũng chẳng phạm tội cùng Đức Giê-hô-va mà thôi cầu nguyện cho các ngươi. Ta sẽ dạy cho các ngươi biết con đường lành và ngay” (I Sa-mu-ên 12:23). Sứ đồ Phao-lô vì yêu Chúa mà ông xác nhận mình là đầy tớ của anh em (II Cô-rinh-tô 4:5). Tiên tri Sa-mu-ên và Sứ đồ Phao-lô là những gương sáng cho chúng ta về mẫu người lãnh đạo trong tinh thần đầy tớ như điều Chúa Giê-xu dạy. Xin Chúa cho chúng ta lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau chứ đừng lấy chức vụ, địa vị cao thấp mà bắt người khác phục vụ mình.

Bạn có sẵn lòng lấy tình yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau không?

Lạy Chúa yêu dấu là Chủ của con, Ngài đã lìa thiên đàng vinh hiển làm người và Ngài đã khiêm nhường phục vụ mọi người, xin giúp con khiêm nhường phục vụ mọi người theo gương của Chúa.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Xa-cha-ri 2—3.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien