“Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao?” (Ê-sai 49:15a).

Câu hỏi suy ngẫm: Hai người mẹ đem con đến nhờ Vua Sa-lô-môn phân xử điều gì? Vua đã dựa vào đâu để phân xử vụ án vô cùng rắc rối này? Câu chuyện cho chúng ta bài học nào về tình yêu giữa cha mẹ và con cái?

Có hai nữ mại dâm đến gặp Vua Sa-lô-môn để xin được phân xử. Cả hai bà ở chung nhà và mới sinh con cách nhau chỉ ba ngày. Một người lúc mê ngủ đã nằm đè chết con nên giữa đêm tráo đổi con mình với con của người mẹ kia. Sáng ra, người mẹ kia phát hiện đứa con chết không phải là con ruột mình và thế là hai bà tranh giành với nhau (câu 16-22).

Vua Sa-lô-môn là vị vua được Chúa ban cho sự khôn ngoan đặc biệt về mọi mặt. Ở đây cho thấy vua còn giỏi về tâm lý, tình cảm, và cách ứng xử giữa con người với nhau. Đứng trước một “vụ án” rất khó, lại không có nhân chứng, làm sao vua có thể biết ai là mẹ thật của đứa trẻ còn sống? Dĩ nhiên, vua không thể phân xử dựa vào lời khai của hai người mẹ vì người nào cũng cho mình là đúng. Tuy nhiên, nhờ vào sự khôn ngoan tuyệt vời Chúa ban, Vua Sa-lô-môn đã dùng tình mẫu tử thiêng liêng để nhận biết tấm lòng người mẹ dành cho con thật của mình. Vua ra lệnh dùng gươm chặt đôi đứa trẻ để chia đều cho hai người mẹ, mỗi người một nửa! Tình mẹ thương con vô bờ bến đã được thể hiện rõ khi người mẹ ruột thốt lên: “Ôi, chúa tôi! Xin hãy cho người kia con trẻ sống, chớ giết nó.” Kinh Thánh cũng ghi rõ: “Nhưng mẹ của đứa trẻ sống, vì gan ruột cảm động thương yêu con mình” (câu 26). Chính tình mẫu tử cao quý mà người mẹ thật không nỡ đứng nhìn đứa trẻ bị giết, cho nên bà sẵn sàng nhường con mình cho người mẹ kia dù ruột đau như cắt. Nhìn thấy tấm lòng và tình thương dành cho con, Vua Sa-lô-môn biết chắc đứa trẻ còn sống là con của bà vì thế vua ra lệnh trao đứa trẻ cho bà (câu 27).

Câu chuyện hai bà mẹ hành nghề mại dâm tranh giành con mà Kinh Thánh ghi lại, cho chúng ta bài học dù là thành phần xấu xa trong xã hội, tình mẫu tử của người mẹ bao giờ cũng thiêng liêng cao quý không gì ví sánh. Con cái là kết quả của tình yêu của cha mẹ, vì vậy cha mẹ luôn sẵn sàng hy sinh mọi thứ, thậm chí chính thân mình để bảo vệ con, chăm sóc con, và mong ước cho con mình những điều tốt nhất. Cha mẹ Cơ Đốc cần phải yêu thương và làm trọn bổn phận nuôi dạy con cái; và con cái cũng phải yêu thương và hiếu kính cha mẹ theo đúng Lời Chúa dạy.

Những người lân cận có nhìn thấy tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái thể hiện trong gia đình bạn không?

Lạy Chúa, xin cho gia đình con luôn sống thể hiện tình yêu thương Chúa dạy để mọi người nhìn vào sẽ thấy tình yêu của Chúa qua gia đình con.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-suê 11.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien