Dân-số Ký 6:22-7:11
“Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi, và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi!” (câu 24-26).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúc phước có nghĩa gì? Kể ra những điểm chính trong lời chúc phước mà Đức Chúa Trời dạy ông A-rôn? Bạn thường cho đi những gì, cho ai và tinh thần ban cho của bạn như thế nào? Phân đoạn Kinh Thánh mà chúng ta đọc hôm nay gồm hai phần. Thứ nhất là lời chúc phước của ông A-rôn. Nói một cách ngắn gọn “chúc phước là mong ước hoặc nói những điều tốt lành cho người khác.” Chúc phước không chỉ là công việc của thầy tế lễ hay những người chăn bầy. Tất cả chúng ta đều có thể chúc phước cho người khác bằng lời nói, bằng mong ước những điều tốt lành, tích cực trở nên hiện thực trên đời sống họ. Người trên có thể chúc phước cho người dưới và ngược lại. Cha mẹ có thể chúc phước cho con cái, chồng vợ chúc phước cho nhau. Cụ thể là chúng ta mong ước chẳng những Đức Chúa Trời ban phước, mà còn hiện diện với họ, soi sáng, ban ơn giải cứu họ (câu 24-25). Điều chúc lớn hơn hết là lời chúc bình an, là ước ao người được chúc phước được toàn vẹn và an lành (câu 26). Chúng ta không chỉ công bố sự bình an mà là người sống hòa thuận với mọi người. Chúng ta cũng cần nhận thức rằng để có thể chúc phước cho người khác, chúng ta phải là người được phước. Nói cách khác, chúng ta phải ở trong Chúa Giê-xu, vì ở ngoài Ngài lời chúc phước của chúng ta không hiệu quả. Thứ hai là sự dâng hiến cho đền thờ. Đền thờ không thể hoàn tất được nếu không có sự dâng hiến rời rộng. Sự thánh hóa và đổi mới dẫn chúng ta đến chỗ vui lòng dâng hiến, ban cho cách rời rộng. Điều này thể hiện rõ nơi ông Xa-chê. Khi gặp gỡ Chúa Giê-xu, được Ngài đổi mới, ông Xa-chê đã lấy nửa gia tài giúp đỡ người nghèo và đền bù không phải gấp đôi, mà là gấp bốn lần cho những người mà ông vô tình làm họ thiệt hại (Lu-ca 19:8, 9). Ngày nay tinh thần tham lam, muốn thâu tóm để trở thành độc tôn, thành bá chủ đã trở nên thần tượng hầu như trên toàn cầu. Nhưng thiên hướng của người Cơ Đốc hoàn toàn khác hẳn, bởi phương châm của người yêu Chúa là “ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công Vụ 20:35). Theo lời dạy của Kinh Thánh, nếp sống của chúng ta phải chuyển dịch từ tinh thần sở hữu sang tinh thần của người quản gia. Được như thế, chúng ta mới có thể thắng hơn lòng tham xui khiến chúng ta chỉ nhận, chỉ thâu tóm mà không ban cho, hay chỉ ban cho một cách miễn cưỡng. Làm thế nào để bạn trở thành người ban cho một cách rời rộng và vui lòng? Ai là những người mà ngày hôm nay bạn ước ao và chúc cho họ những điều tốt lành?
Lạy Chúa, thật không phải dễ để trở thành người đầy tớ phục vụ người khác. Xin giúp con trở nên giống như Ngài trong tinh thần phục vụ và ban cho.“>
Ngày 9/28/2010
Cuộc Sáng Tạo: Phong Cách Tân Ước
Đọc: Ê-phê-sô 1:3-6
Ngay cả trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Cơ Đốc. – Ê-phê-sô 1:4
Khi nghĩ tới kỳ quan sáng tạo – cách Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ bằng lời phán, rồi nắn nên trái đất cùng mọi thứ trong đó – chúng ta thường nghĩ trước tiên đến các câu chuyện Cựu Ước. Nhưng cũng rất nên xem xét Tân Ước để thấy phần này của Thánh Kinh cũng đề cập công cuộc sáng tạo. Sau đây là vài phân đoạn quan trọng: “Ta sẽ công bố những điều ẩn giấu từ buổi sáng tạo thế gian” (Ma-thi-ơ 13:35). Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta mọi điều Ngài vẫn giữ bí mật từ trước khi sáng thế… “Hỡi những người được Cha Ta ban phước, hãy đến thừa hưởng vương quốc thiên đàng đã chuẩn bị sẵn cho các ngươi từ khi tạo dựng thế gian” (Ma-thi-ơ 25:34). Trước khi tạo nên địa cầu, Đức Chúa Trời đã biết mỗi người chúng ta – và Ngài biết tương lai chúng ta. “Ngay cả trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Cơ Đốc” (Ê-phê-sô 1:4). Trước khi bắt đầu công cuộc sáng tạo, Đức Chúa Trời đã biết từng đứa con tương lai của Ngài. Các câu Kinh Thánh Tân Ước này an ủi chúng ta, khi biết rằng Đức Chúa Trời biết chúng ta, và mọi bí mật đời đời của Ngài liên quan đến chúng ta được bày tỏ qua cách Ngài tạo dựng loài người thật đặc biệt, như đã mô tả trong Sáng Thế Ký. Chúng ta không thể làm gì khác hơn là kính sợ cúi đầu trước Đấng đời đời toàn tri và quyền năng vô bờ trong năng lực sáng tạo cõi thiên nhiên này. Công cuộc sáng tạo: phong cách Tân Ước – thêm một lý do nữa để ca tụng Đức Chúa Trời! – Dave Branon
Each person is a unique expression of God’s loving design.
Mỗi người là một nét độc đáo trong bản thiết kế đầy yêu thương của Đức Chúa Trời.