“Tay người siêng năng sẽ cai trị; nhưng tay kẻ biếng nhác phải phục dịch.”
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn khuyên Cơ Đốc nhân cần có thái độ nào đối với công việc? Thái độ này đem đến những kết quả nào? Bạn cần thay đổi những điều nào trong thái độ của bạn với công việc?
Đức Chúa Trời tạo dựng con người, và một trong những mục đích Ngài giao cho con người là lao động, quản trị, để phát triển những gì Ngài ban cho họ (Sáng Thế Ký 1:26, 28). Do đó, thái độ đối với công việc nói lên tình trạng đức tin của một Cơ Đốc nhân. “Kẻ biếng nhác” có cùng gốc với từ “lừa dối,” có nghĩa là “dối trá, phản bội,” tương tự cách dùng từ “sai lệch” trong Thi Thiên 78:57, hay “dối trá” trong Giê-rê-mi 48:10. Như vậy, người biếng nhác là người sống “sai lệch” với mục đích ban đầu, là người lừa dối, sống không đúng với bổn phận và trách nhiệm của mình. Nói cách khác, công việc là sự ban cho của Đức Chúa Trời để con người tìm thấy ý nghĩa và niềm vui (Truyền Đạo 2:24; 3:13). Do đó, người lười biếng là người sống không đúng với mục đích sáng tạo, không vâng theo Lời Chúa (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6–15). Có một số người vì hoàn cảnh không thể kiếm được việc làm, nhưng người siêng năng sẽ không để thời gian trôi đi vô ích, họ chu toàn việc nhà, học hỏi, trang bị kiến thức hay các kỹ năng khác. Câu châm ngôn này đề cập đến những người biếng nhác trong công việc được giao hoặc có cơ hội làm việc kiếm sống nhưng từ chối. Có những người đủ sức lao động nhưng lười biếng không chịu đi làm, khai báo gian dối để nhận tiền trợ cấp của xã hội hay sự giúp đỡ từ cá nhân, tập thể — đó không phải là đạo đức Cơ Đốc.
Một người siêng năng, hoàn thành tốt những công việc được giao, và bởi đó đem lại ích lợi cho cộng đồng sẽ được nhìn nhận và có cơ hội trở nên người lãnh đạo. Một người có khả năng lãnh đạo khi người đó có trách nhiệm đối với bản thân, công việc, và cộng đồng. Trong khi đó người biếng nhác tránh né công việc thì cuối cùng bị buộc “phải phục dịch.” Thật khôi hài khi người biếng nhác không lo nổi cho mình nhưng lại bị buộc phải làm việc cho người khác!
Cơ Đốc nhân không nhắm đến việc “cai trị” người khác nhưng câu châm ngôn này dạy vai trò “cai trị” là phần thưởng ban cho người kính sợ Chúa, ngay thẳng và siêng năng trong công việc. Người như vậy được Chúa đẹp lòng và Ngài sử dụng cuộc đời người đó cách hiệu quả hơn (Ma-thi-ơ 25:19–30). Chúng ta đã nhìn thấy sự ban cho dư dật của Đức Chúa Trời trên các ông Giô-sép, Đa-ni-ên, Nê-hê-mi…
Kinh Thánh dạy chúng ta siêng năng, nỗ lực hoàn thành trách nhiệm và thỏa lòng với điều Chúa ban cho, chứ không phải tham lam, nỗ lực hết sức để đạt được điều mình ham muốn. Hãy cẩn thận vì nếu siêng năng nhưng không có cái nhìn đúng đắn về công việc và không nhận biết Đức Chúa Trời trong đời sống thì người siêng năng sẽ dễ trở nên người kiêu ngạo, ích kỷ, và nô lệ cho công việc.
Bạn có nắm lấy cơ hội Chúa ban và siêng năng trong công việc Chúa giao chưa?
Tạ ơn Chúa vì những cơ hội Ngài ban cho con trong công việc. Xin giúp con hết lòng với những điều Chúa ban cho, siêng năng trong công việc để bày tỏ phẩm chất của một Cơ Đốc nhân giữa thế gian, và bởi đó giúp đỡ được nhiều người.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13—5:28.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=LzbENEyHMYs&list=PLy5dD_318r0WooagkciCzgKt6EBd4YVIx&index=13
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=KH1mQ0nuQGo&list=PLy5dD_318r0USh4lRI9p3SKGT5lyUtoDJ&index=5
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Lịch Cầu Nguyện Tháng 11-2023: https://nguonhyvong.com/duong-linh/lich-cau-nguyen-thang-11-2023
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien