“Kẻ nào cầm giữ lúa thóc, bị dân sự rủa sả; song sự chúc phước sẽ giáng trên đầu người bán nó ra.”
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn nêu thực trạng nào trong xã hội lúc bấy giờ? Điều gì đã tạo nên thực trạng ấy? Bạn cần có thái độ nào đối với của cải vật chất mình đang sở hữu?
Vua Sa-lô-môn đang nói đến tình trạng của một nạn đói, có những người tích trữ lúa gạo để đẩy giá lên cao nhằm trục lợi. Người đầu cơ tích trữ “lúa thóc” — chỉ về nhu cầu thiết yếu của cuộc sống chứ không phải những thứ xa xỉ. Vì sao lại có những người nhẫn tâm như vậy trong khi nạn đói lan tràn? Vì những người này xem của cải là của mình nên cho mình quyền sử dụng theo ý muốn để thu lợi nhiều nhất bất chấp tình cảnh của người khác. Việc đầu tư kiếm lời trong kinh doanh có thể không trái với luật pháp, nhưng người này bị “rủa sả” vì tiền bạc là điều duy nhất họ quan tâm, bất chấp sinh mạng và sự đau khổ của nhiều người.
“Song sự chúc phước sẽ giáng trên đầu người bán nó ra.” Những người bán “lúa thóc” ra chứ không tích trữ để làm giàu nhận được sự chúc phước. Họ biết mình chỉ là quản gia phải sử dụng của cải để đem lại lợi ích cho người khác. Họ nhận biết sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trước mặt Ngài. Họ nhận biết những gì mình có là do Chúa ban cho để dùng trong mục đích của Ngài. Và họ cũng nhận biết ích lợi của người khác là quan trọng nên không lợi dụng những gì mình có để chỉ làm lợi cho bản thân. Ông Giô-sép là tấm gương cho chúng ta khi ông ý thức địa vị ông có là để cứu sống dân chúng, và nhận thức đó khiến ông không lạm dụng quyền lực để làm giàu (Sáng Thế Ký 50:19–20). Mục sư Timothy Keller viết: “Bạn không thể sống mà không thở, nhưng không ai muốn sống chỉ để thở. Và bạn không thể kinh doanh mà không có lợi nhuận, nhưng không ai nên kinh doanh chỉ để kiếm tiền” (God’s Wisdom for Navigating Life, tr. 296). Khi chọn một công ty để đầu tư hoặc chọn một sản phẩm để kinh doanh, Cơ Đốc nhân cần phải hỏi rằng sản phẩm mình đầu tư và các hoạt động của công ty có ích lợi cho cộng đồng không?
Trở lại với bài học hôm qua trong Châm Ngôn 11:24–25, tại sao lại lên án tôi khi tôi chỉ đang giữ lại những gì thuộc về tôi? Tại sao tôi phải “rải ra” những gì chính tay tôi làm được bằng mồ hôi và nước mắt của tôi? Câu châm ngôn hôm nay trả lời cho chúng ra rằng: Vì những gì tôi có không thuộc về tôi mà thuộc về Đức Chúa Trời, Đấng ban cho để tôi dùng vì vinh quang của Ngài và đem lại ích lợi cho người khác. Khi tôi không chia sẻ những gì Chúa ban cho mình thì tôi đang suy nghĩ và cư xử như một “kẻ ác” (Châm Ngôn 11:23).
Bạn có sử dụng của cải vật chất theo ý Chúa không?
Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhớ rằng những gì con có đều thuộc về Ngài. Xin dạy dỗ con mỗi ngày để con làm trọn bổn phận một quản gia trung tín của Ngài, đem lại vinh quang cho Chúa và ích lợi cho nhiều người.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Tê-sa-lô-ni-ca 2:17—4:12.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=bYsUvIAAztA&list=PLy5dD_318r0WooagkciCzgKt6EBd4YVIx&index=12
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=X0ZrZgQ2CLg&list=PLy5dD_318r0USh4lRI9p3SKGT5lyUtoDJ&index=3
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Lịch Cầu Nguyện Tháng 11-2023: https://nguonhyvong.com/duong-linh/lich-cau-nguyen-thang-11-2023
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien