“Giô-sa-phát sợ hãi, rắp lòng tìm cầu Đức Giê-hô-va, và rao khắp xứ Giu-đa phải kiêng ăn một ngày. Giu-đa nhóm lại đặng cầu Đức Giê-hô-va cứu giúp; người ta ở các thành Giu-đa đều đến đặng tìm cầu Đức Giê-hô-va” (câu 3–4).
Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao Vua Giô-sa-phát sợ hãi? Trong cơn sợ hãi, ông và cả Giu-đa đã làm gì? Bạn làm gì khi đối diện với hoàn cảnh khiến bạn sợ hãi?
Phân đoạn Kinh Thánh này mở đầu bằng cụm từ “Sau các việc này” nghĩa là sau khi Vua Giô-sa-phát đi thăm dân chúng để đem họ trở về cùng Đức Giê-hô-va (II Sử Ký 19:4) và bổ nhiệm các quan xét, đồng thời dạy dỗ họ phải xét xử với “lòng kính sợ Chúa.” Chúng ta có thể thấy được kết quả của những nỗ lực đem lại sự phục hưng thuộc linh của Vua Giô-sa-phát qua thái độ của chính ông và dân chúng khi đối diện với một hiểm họa mới. Họ bị liên minh ba dân tộc Mô-áp, Am-môn và những người ở núi Sê-i-rơ (II Sử Ký 20:22–23), là một ngọn núi thuộc xứ Ê-đôm, ở biên giới phía Nam của Giu-đa, kéo đến tấn công.
Có người đến báo cho Vua Giô-sa-phát “có một đám quân rất đông” (câu 2) từ bờ bên kia của Biển Chết kéo đến Ên-ghê-đi, chỉ cách Giê-ru-sa-lem có bốn mươi cây số về phía Đông Nam. Vì vậy Vua Giô-sa-phát “sợ hãi” (câu 3) và “không biết điều gì mình phải làm” (câu 12). Thay vì buông tay phó mặc cho số phận, hay cố nghĩ ra phương cách nào đó để chống lại kẻ thù, vua đã ưu tiên “rắp lòng tìm cầu Đức Giê-hô-va” và kêu gọi cả xứ Giu-đa phải kiêng ăn. Để đáp lại lời kêu gọi này, người Giu-đa nhóm lại để cầu xin sự cứu giúp của Chúa; người ở các thành Giu-đa đều đến để tìm cầu Đức Giê-hô-va. Toàn dân Chúa đã đến để thể hiện sự hiệp một và hết lòng tìm kiếm Chúa, trong đó có những người chủ gia đình cùng với vợ và con cái họ (câu 13). Nỗ lực dạy dỗ và đem dân chúng trở về cùng Chúa của Vua Giô-sa-phát đã có ảnh hưởng lớn đến đời sống thuộc linh của họ.
Là người được Chúa nhìn nhận là “rắp lòng tìm cầu Đức Chúa Trời” (II Sử Ký 19:3), Vua Giô-sa-phát giờ đây đã thể hiện được tinh thần này khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Thay vì tự hỏi “ta phải làm gì?”; thay vì nhóm họp các lãnh đạo để hỏi họ “chúng ta phải làm gì?”; thay vì tự tin vào chính mình, Vua Giô-sa-phát đã tìm cầu Chúa và nhờ cậy nơi Ngài.
Đối diện với khó khăn trong cuộc sống, chúng ta cũng thường có thái độ: hoặc thụ động bỏ mặc mọi sự muốn ra sao thì ra, hoặc tìm người nào đó để nhờ cậy, hoặc dựa vào sức riêng và sự khôn ngoan của chúng ta để giải quyết theo ý mình. Thái độ của chúng ta khi gặp khó khăn cho thấy chúng ta có phải là người tìm cầu Chúa và tin cậy nơi Ngài hay không. Hãy học theo gương Vua Giô-sa-phát “rắp lòng tìm cầu Đức Giê-hô-va” để xin Ngài cứu giúp.
Bạn có ưu tiên tìm cầu Chúa và nhờ cậy Ngài khi gặp khó khăn, sợ hãi không?
Lạy Chúa, xin cho con học và làm theo gương của Vua Giô-sa-phát khi đối diện với sợ hãi; xin cho con biết luôn tìm cầu Chúa và nhờ cậy Ngài chứ không nhờ cậy vào sức riêng hay nhờ cậy con người.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ma-thi-ơ 27:57—28:20.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=d1B8nJfnH3E&list=PLy5dD_318r0W5KN1H0zAmGzqGM75v2teP&index=21
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=WIouifXdCuM&list=PLy5dD_318r0XIjj8DXFFn1z9hjz_CczoL&index=28
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien