“Chúng đang ném đá, thì Ê-tiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Giê-xu, xin tiếp lấy linh hồn tôi” (câu 59).
Câu hỏi suy ngẫm: Phản ứng của dân chúng thế nào sau khi nghe ông Ê-tiên giảng? Thái độ của ông ra sao? Bí quyết nào giúp ông bình an trước hoạn nạn tột cùng như thế? Vì sao tâm giao với Chúa rất quan trọng trên hành trình thuộc linh của Cơ Đốc nhân?
Ông Ê-tiên đã giảng một bài giảng mạnh mẽ tóm lược lịch sử người Ít-ra-ên và chỉ cho họ thấy biết bao lần họ chống nghịch Chúa (Công Vụ 7:1–53). Sau khi họ “nghe những lời đó thì giận dữ trong lòng và nghiến răng với Ê-tiên” (câu 54). Người Ít-ra-ên không nhận biết tội lỗi của mình để ăn năn, trong khi đó ông Ê-tiên “được đầy dẫy Đức Thánh Linh,” bình an hướng lòng cùng tâm trí lên trời trong mối tâm giao với Chúa. Chúa cho ông nhìn thấy vinh quang Ngài và “Chúa Giê-xu đứng bên hữu Đức Chúa Trời” (câu 55). Khi ông Ê-tiên công bố những điều ông nhìn thấy, nỗi phẫn nộ của dân chúng càng lên cao đến nỗi xông tới bắt và kéo ông ra ngoài thành để ném đá (câu 56–58). Bởi cứng lòng và mù lòa tâm linh, người Ít-ra-ên đã để cho lòng căm phẫn chiếm ngự khi tội lỗi của mình bị cáo trách. Từ đó dẫn đến hành động giết người. Ngày nay, nhiều Cơ Đốc nhân cũng rơi vào tình trạng như vậy. Khi Lời Chúa cáo trách tội lỗi, họ chẳng những không ăn năn mà còn phản ứng ngược lại và nổi giận với người rao giảng Lời Chúa.
Dù bị ném đá, thể xác đau đớn nhưng ông Ê-tiên vẫn tương giao với Chúa với tất cả tâm linh. Ông cầu nguyện xin Chúa tiếp lấy linh hồn mình, và tuyệt vời hơn nữa là ông đã “quỳ xuống, kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội này cho họ!” (câu 59–60). Ông đã noi gương Chúa Giê-xu khi Ngài chịu khổ hình trên thập tự giá nhưng vẫn cầu xin Cha tha thứ cho những người đóng đinh Ngài (Lu-ca 23:34). Bí quyết giúp ông Ê-tiên vượt qua nỗi đau thân xác chính là mối tâm giao với Chúa, đức tin trọn vẹn nơi Ngài, và tình yêu dành cho tha nhân. Trong cơn đau thương, tâm trí và tấm lòng ông cứ tương giao với Chúa trong sự cầu nguyện. Mối tâm giao với Chúa giúp ông vượt qua nỗi đau để có sự bình an trong Ngài vì ông biết linh hồn ông sẽ trở về với Chúa, những đau đớn của thân thể lúc này chẳng là gì. Rõ ràng Kinh Thánh khẳng định: “Người vừa nói lời đó rồi, thì ngủ.” Ông Ê-tiên đã “ngủ” bình yên trong Chúa. Chính Sứ đồ Phao-lô cũng dạy sự chết của người tin Chúa giống như một giấc ngủ (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13–15).
Tâm giao với Chúa rất quan trọng trên hành trình thuộc linh của Cơ Đốc nhân. Tâm giao với Chúa để được Chúa thêm sức, dẫn dắt, và ban bình an trong mọi hoàn cảnh. Tâm giao với Chúa giúp chúng ta không lo lắng, sợ hãi trước những hoạn nạn đang xảy ra. Gương ông Ê-tiên khích lệ chúng ta luôn giữ mối tâm giao với Chúa dù hoàn cảnh có ra sao.
Bạn có sống trong mối tâm giao với Chúa luôn trong mọi hoàn cảnh không?
Lạy Chúa, xin giúp con luôn sống trong mối tâm giao với Chúa mọi lúc mọi nơi để con không lo sợ trước nghịch cảnh nhưng luôn có sự bình an và tin cậy Ngài hoàn toàn.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 24:15—25:17.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=n1Fev1hR3vQ&list=PLy5dD_318r0Ve0CnxBqThKw1LkMt2dJSe&index=8
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=ipJwNxb73gc&list=PLy5dD_318r0WcBVKfMXPodCwL7yXunCtz&index=25
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien