“Nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy” (câu 14a).
Câu hỏi suy ngẫm: Mục đích suốt cuộc đời của một Cơ Đốc nhân là gì? Cơ Đốc nhân và vận động viên điền kinh giống nhau ở những điểm nào trong việc bươn tới mục đích? Trong năm mới, tinh thần “không phải đã mà đang” được thể hiện trong đời sống bạn như thế nào?
Bước qua năm cũ, chào đón năm mới Âm lịch luôn là dịp rất quý để chúng ta nhìn lại một năm đã qua, nhận ra những gì chưa được để chỉnh sửa, đếm những ơn phước đã nhận để thêm lòng biết ơn Chúa. Đó là việc làm ý nghĩa và cần thiết. Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, Sứ đồ Phao-lô nhắc chúng ta thêm một khía cạnh khác trong đời sống Cơ Đốc nhân. Dùng hình ảnh một cuộc chạy đua, vị sứ đồ nhắc nhở các tín hữu tại Phi-líp mục đích trọn đời của một Cơ Đốc nhân là đạt đến sự “trọn lành” hay “toàn thiện” (câu 12). Theo thư Ê-phê-sô 4:13 BTTHĐ, “đạt đến sự hiệp nhất” là “được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ,” (BTT) hay “đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ” (BTTHĐ). Trên phương diện này, chúng ta cần nhận thức cuộc đời của người tin Chúa như một cuộc đua mà ở đó chúng ta đều “không phải đã giựt giải rồi,” cũng không phải “đã đến nơi trọn lành rồi” mà mình vẫn “đang chạy” (Phi-líp 3:12–14).
Làm thế nào để giữ mình luôn ý thức được điều này? Sứ đồ Phao-lô khuyên dạy: Thứ nhất, phải “quên lửng sự ở đằng sau” (câu 14). Vận động viên đang trên đường chạy không có thời gian để ăn mừng quãng đường đã chạy được để rồi xao lãng đoạn đường còn phía trước. Trở nên trọn vẹn giống như Chúa là điều mà đến khi gặp Chúa chúng ta mới có được. Ngày nào chúng ta nhìn lại để tự hào về những gì đạt được là ngày đó chúng ta không “bươn tới” nữa. Trên phương diện này, thỏa lòng và biết ơn không phải là tự mãn, ngủ yên với những gì đã có được.
Thứ hai, cần phải “bươn theo sự ở đằng trước” và “nhắm mục đích mà chạy” (câu 14). Điều duy nhất một vận động viên điền kinh cần làm là nhìn về phía trước và tiếp tục bươn tới. Cũng vậy, để Đấng Christ ngày càng được thể hiện rõ hơn trong chúng ta, chúng ta cần nhìn xem Chúa Giê-xu để bước tới mỗi ngày. Ngày hôm nay tôi giống Chúa hơn hôm qua, ngày mai tôi giống Chúa hơn ngày hôm nay.
Khi mới tin Chúa, chúng ta thường có những bước tiến rất dài. Sau nhiều năm, chúng ta thường có dấu hiệu dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi. Điều chúng ta chia sẻ lúc ấy là những gì chúng ta “đã” được thay đổi, “đã” được đụng chạm từ “hồi đó,” năm mười năm trước. Chúng ta ngoảnh lại quá khứ để hồi tưởng về Chúa chứ không phải nhìn về phía trước để tiếp tục kinh nghiệm Ngài. Hãy quên lững sự ở đằng sau mà bươn theo sự ở đằng trước. Không phải “đã” mà “đang.”
Bạn có những kế hoạch cụ thể nào để hướng tới mục đích giống Chúa Giê-xu hơn?
Lạy Chúa, xin giúp con không ngủ quên trong hành trình theo Chúa. Trong năm mới, xin giúp con cứ bươn tới mục đích Chúa kêu gọi con để mỗi ngày giống Chúa nhiều hơn.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 16:44–63.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=UqbZCyCVHqI&list=PLy5dD_318r0WALf-DD1b3gYFvmyR6GTzW&index=4
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=otmk-xApoBw&list=PLy5dD_318r0WcBVKfMXPodCwL7yXunCtz&index=17
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien