“Khi đang ăn, Đức Chúa Giê-xu lấy bánh, tạ ơn, đoạn bẻ ra trao cho các môn đệ, mà phán rằng: Hãy lấy, này là thân thể ta. Ngài lại cầm chén, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ, và ai nấy đều uống. Ngài phán rằng: Này là huyết Ta, huyết của sự giao ước đổ ra cho nhiều người” (câu 22–24).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu đã dùng những hình ảnh nào trong Lễ Tiệc Thánh đầu tiên? Những hình ảnh này có ý nghĩa gì? Bài học hôm nay giúp bạn có thái độ và đáp ứng đúng đắn nào trong khi dự Tiệc Thánh?
Trong bữa ăn tối kỷ niệm Lễ Vượt Qua cuối cùng trên đất, Chúa Giê-xu đã thiết lập Lễ Tiệc Thánh với lời dặn dò “hãy làm sự này để nhớ đến Ta” (Lu-ca 22:19). Tại đây, Chúa dùng hình ảnh “thân thể” và “huyết” để nói với các sứ đồ phải nhớ đến giao ước mới được thiết lập qua chính sự chết của Ngài. Chúa đã yêu chúng ta và luôn yêu chúng ta. Đừng cố tìm bất cứ bằng chứng nào khác về tình yêu của Chúa. Chỉ thập tự giá là đủ! Tiệc Thánh cũng đem chúng ta đến với ý nghĩa của sự tương giao giữa các tín hữu khi Chúa lấy bánh bẻ ra và trao cho môn đệ (câu 22). Như bánh được bẻ ra từ một ổ bánh, chúng ta thuộc về Chúa Giê-xu và Thân Thể Ngài.
Tiệc Thánh cũng nhắc chúng ta về sự cứu rỗi được hoàn tất trong Chúa Giê-xu và sự trở lại của Ngài (câu 25). Tại thập tự giá, Chúa Giê-xu đã dùng chính mình như một Của Lễ thay thế trọn vẹn để gánh lấy tội lỗi của thế gian (II Cô-rinh-tô 5:21). Ngài đã chịu lấy cơn giận của Đức Chúa Trời, thỏa mãn sự công chính thiên thượng, và bởi đó thiết lập một giao ước mới của sự tha thứ và sự cứu rỗi. Bên cạnh đó, Chúa Giê-xu bảo đảm về sự sống lại của Ngài và sự trở lại lần thứ hai của Ngài. Tham dự Thánh Lễ Tiệc Thánh không chỉ là cơ hội nhớ lại sự chết của Chúa Giê-xu trong quá khứ nhưng còn là cái nhìn hy vọng khi hướng đến tương lai.
Bức tranh đẹp đẽ về tình yêu và sự hy sinh của Chúa trong Lễ Tiệc Thánh bị vấy bẩn vì “Trong vòng các ngươi có một kẻ ngồi ăn cùng Ta, sẽ phản Ta” (câu 18). Trong văn hóa thời đó, ngồi ăn cùng nhau là dấu hiệu của tình bạn, do đó phản bội một người khi đang cùng ngồi ăn càng tăng thêm bản chất đê tiện và hèn hạ. Mặc dù biết ai là người phản mình nhưng Chúa vẫn không nói ra và tiếp tục bày tỏ tình yêu và mở rộng ân sủng của Ngài cho người tồi tệ nhất. “Các môn đệ bèn buồn rầu lắm, cứ lần lượt mà thưa cùng Ngài rằng: Có phải tôi chăng?” (câu 19). Đây cũng là câu chúng ta nên tự vấn “Có phải tôi chăng?” Trong lễ Thương Khó, chúng ta sẽ nhận chén và bánh trong Thánh Lễ Tiệc Thánh. Hãy nhớ về Tiệc Thánh đầu tiên, về tình yêu hy sinh của Chúa Giê-xu, và về niềm hy vọng mà chúng ta có trong Ngài.
Bạn đang đáp ứng với tình yêu hy sinh của Chúa Giê-xu như thế nào?
Con tạ ơn Chúa về tình yêu hy sinh mà Ngài dành cho chính con. Xin cho con luôn biết ơn Chúa và sống xứng đáng với tình yêu Ngài dành cho con.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 41.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien