Ngày 31-10 năm nay là ngày các giáo hội Tin Lành trên thế giới kỷ niệm 500 năm phát triển của Tin Lành. Vào ngày đó của năm 1517, Martin Luther một tu sĩ Công Giáo dòng Thánh Augustine gắn 95 luận đề trước cửa nhà thờ Wittenberg (Đức) phản đối việc bán bùa xá tội, nêu nghi vấn về Ngục luyện tội, về quyền hạn của Giáo Hoàng và một số tín lý của Giáo Hội. Sau nhiều lần chịu Giáo Hội xét xử, ông bị cắt phép thông công và ở ngoài sự bảo vệ của pháp luật (ai cũng có thể bắt giết). Nhờ sự bảo vệ của Vương Hầu Frederick xứ Saxon, ông được bình an tiếp tục viết sách, diễn thuyết, dịch Kinh Thánh, giảng dạy, tổ chức và điều hành một giáo hội mới hoàn toàn tách biệt khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã. Hoạt động của ông đã dấy lên làn sóng phấn hứng trên các nước Âu Châu với những nhà cải cách nổi tiếng như John Calvin, Huldrych Zwingly, và nhiều người khác nữa. Một mặt họ phản kháng giáo quyền La Mã, mặt khác họ cải cách các giáo hội bản xứ thành những giáo hội biệt lập dựa vào giáo huấn của Kinh Thánh. Từ đó nhiều giáo hội mà tiếng Việt gọi chung là Tin Lành được lập nên và phát triển ra khắp thế giới. Hiện nay trên thế giới có hơn 600 triệu tín hữu Tin Lành, chiếm hơn 1/3 tổng số tín hữu Cơ Đốc (kể chung cả Công Giáo và Chính Thống giáo).

Sau 500 năm, với thời gian, sự cách biệt giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Tin Lành không còn quá lớn lao như xưa. Giáo Hội Lutheran là quốc giáo của Thuỵ Điển đã dành nguyên một năm kỷ niệm 500 năm cải chánh, và Đức Giáo Hoàng Francis đã được mời đến khai mạc năm kỷ niệm này vào ngày 31-10 năm ngoái. Giáo Hoàng thậm chí còn khen ngợi Luther, ngài nói: “Giáo Hội đã không làm gương tốt, đã lũng đoạn, tham lam, chạy theo thế gian, say mê quyền lực. Luther đã đứng lên phản đối. Ông là người thông minh.” Giáo Hoàng kêu gọi, trong khi chờ đợi các nhà thần học xóa bớt những khác biệt tín lý, hai giáo hội có thể cùng hợp tác với nhau trong các vấn đề xã hội như giúp đỡ người nghèo, dân tị nạn, di dân, và tìm cách làm giảm sự bách hại các tín hữu Cơ Đốc trên thế giới.

Công cuộc kháng cách cũng khiến Giáo Hội Công Giáo La Mã thay đổi: Công Đồng Trent năm 1545 đã huỷ bỏ bùa xá tội, qui định lại khuôn phép cư xử và tăng cường trình độ học vấn của hàng giáo sĩ; nhiều dòng tu, đặc biệt là dòng Tên (Jesuite) được thành lập để củng cố uy thế của giáo hội qua các hoạt động xã hội, giáo dục và truyền giáo. Kinh Thánh không còn là độc quyền của hàng giáo sĩ mà dần dần được phổ biến trong giáo dân.

Sự bùng nổ của Tin Lành

Trong mấy chục năm đầu, các nhà cải cách đã mau mắn tổ chức các giáo hội địa phương và cải cách sự thờ phượng theo qui định của Kinh Thánh.

Kinh Thánh trước kia chỉ được đọc trong tiếng La-tinh, nay được dịch ra tiếng bản xứ để mọi người có thể đọc. Nhờ phát minh máy in, Kinh Thánh được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, giúp cho trình độ học vấn nguòi dân được nâng cao. Do đó, địa vị phụ nữ trong xã hội được tăng lên. Nông dân ý thức được quyền lợi của mình nên dấy lên đòi hỏi, nhưng vì họ gây ra bạo động, phá hoại, nên bị chính quyền dẹp tan.

Tư tưởng khai phóng của cuộc kháng cách đã làm tiền đề cho trào lưu triết học duy lý  ở Âu Châu và duy nghiệm ở Anh, với các triết gia René Descartes, Plaise Pascal, Baruch Spinoza, John Locke, v.v, thay thế cho triết học kinh viện thời Trung Cổ, khiến cho thời kỳ nầy được mệnh danh là Thời Đại Lý Trí  hay Khai Minh dẫn đến cuộc Cách Mạng Pháp.

Các ý niệm dân chủ, xã hội, tự do tư tưởng cũng như pháp luật vô tư cũng nhờ cuộc cải chánh mà được phát huy khỏi sự kiềm hãm của liên minh chặt chẽ giữa nhà nước và giáo hội.

Khoa học trước kia bị bó buộc trong tư duy hạn hẹp của giáo hội (trường hợp Galileo), nay cũng được sổ lồng để tự do phát triển, làm nền móng cho thời đại công nghiệp.

Nhưng cũng chính vì được tự do tư tưởng, nên trong bản thân các gíao hội ra từ cuộc kháng cách, đã có một số phần tử theo tân phái không tin những sự kiện siêu nhiên của Kinh Thánh, nghĩa là chối bỏ nền tảng tín lý của Tin Lành.

Tuy nhiên, những người tin và kinh nghiệm quyền năng cứu rỗi của Đức Chúa Trời đúng theo nội dung Tin Lành (Phúc Âm) của Kinh Thánh, vẫn tiếp tục phát huy và truyền bá ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, nên con số họ tăng mạnh và phát triển ra các châu lục. Người Việt chỉ biết các giáo hội nầy nên dùng từ Tin Lành để chỉ chung họ lẫn các giáo hội theo tân phái.

Các cuộc phục hưng                                        

Một đặc điểm trong lịch sử phát triển Tin Lành là thỉnh thoảng sự kiện Ngũ Tuần thời của sách Công vụ được lặp lại trong các cộng đồng dân Chúa. Theo trước thuật của Kinh Thánh, vào ngày lễ Ngũ Tuần của Do-thái, các môn đồ đang cầu nguyện chờ đợi Đức Thánh Linh giáng xuống theo lời truyền dạy của Chúa Giê-su, thì cả phòng như có tiếng gió thổi ào ào. Có những lưỡi lửa hiện ra đậu trên mỗi người, họ đi ra lảo đảo như say rượu. Họ bắt đầu nói một thứ tiếng không phải tiếng bản xứ, và những người dân từ các quốc gia kéo về dự lễ đều nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của mình tôn vinh Đức Chúa Trời. Rồi họ đi ra truyền giảng và có hàng ngàn người tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa mình. Họ cũng cầu nguyện cho người què được đi, người chết  sống lại, người bị quỉ ám được chữa lành. Hội Thánh mau chóng lan tràn ra các quốc gia xung quanh đến tận Âu Châu.

Những hiện tượng như vậy cũng thường xảy ra trong lịch sử 500 năm của Tin Lành và được gọi là những cuộc phục hưng hay phấn hưng của Hội Thánh. Lửa phục hưng thường do những sứ giả phục hưng  là những người tận hiến cho Đức Chúa Trời, được Ngài dùng nhen lên và thổi bùng. Cũng có khi là một nhóm người, như nhóm thương gia ở NewYork năm 1857, khởi đầu chỉ có 10 người họp lại cầu nguyện trưa thứ tư hàng tuần, về sau lên đến hàng chục ngàn người, dẫn đến một cơn phấn hưng khiến cho trong vòng hai năm có một triệu người gia nhập hội thánh.

Nơi nào có sự phục hưng thì hội thánh trở nên sống động, nhiều phép lạ xảy ra, bệnh nan y được chữa lành, tội nhân nổi tiếng bại hoại được biến cải lạ lùng và nhiều người trong số họ trở thành những nhà truyền giáo. Tín đồ yếu đuối nguội lạnh trở nên nóng cháy mạnh mẽ, đời sống họ được thánh hoá, họ sốt sắng cầu nguyện, học Kinh Thánh và thờ phượng Chúa. Nhà thờ trở nên đông đúc, phải lập thêm những nhà thờ mới. Các tổ chức truyền giáo hải ngoại được thành lập, phái nhiều giáo sĩ ra ngoại quốc đem Tin Lành đến cho các dân tộc khác. Hội Thánh cũng lập nhiều cơ quan từ thiện và trường học để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Theo các sử gia, từ cuộc kháng cách đến nay có 8 làn sóng Thức Tỉnh Toàn Cầu . Mỗi đợt Thức Tỉnh có nhiều sứ giả phục hưng xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau, vào thời điểm khác nhau làm bùng lửa phục hưng cho nhiều Hội Thánh trên nhiều quốc gia khác nhau.

Cuộc phục hưng đầu tiên mở đầu làn sóng Thức Tỉnh Toàn Cầu  xảy ra năm 1725 trong một hội thánh làng quê Moravian ở Đức, với dây chuyền cầu nguyện 24 tiếng/ngày, kéo dài 100 năm. Họ đã gởi 300 giáo sĩ đi truyền giáo ở các nước, và đã ảnh hưởng lên John Wesley là sứ giả phục hưng của nước Anh, người sáng lập giáo hội Giám lý.

Tin Lành đến Việt Nam lần đầu tiên do Hội Truyền Giáo Christian & Missionary Alliance, là một trong nhiều tố chức truyền giáo thành hình trong đợt Thức Tỉnh thứ 5 từ năm 1882.

Đến đợt Thức Tỉnh Toàn Cầu hiện đại kéo dài từ thế kỷ 20 qua đầu thế kỷ 21 thì các cuộc phục hưng nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới. Đến cuối thế kỷ 20 thì Tin Lành toàn cầu đã chuyển trục từ Bắc Mỹ và Âu Châu sang các nước Nam Mỹ và Á Phi. Nhà thờ lớn nhất thế giới không phải ở Mỹ mà ở Seoul Nam Hàn, với 750,000 tín hữu, và ở Jakarta Indonesia với 250,000 tín hữu. (Họ có nhà thờ chính với sức chứa vài ba chục ngàn người và nhiều nhà thờ vệ tinh ở các địa phương)

Những cuộc truyền giảng của các sứ giả phục hưng thuở đầu như John Wesley qui tụ tối đa là vài ba ngàn người. Đến thế kỷ 20, Tiến sĩ Billy Graham ở Mỹ thường xuyên giảng cho những đám đông hàng trăm ngàn người. Ở Nam Mỹ, Carlos Anacondia cũng thu hút nhiều người như vậy qua việc nhân danh Chúa đuổi quỉ, chữa bệnh và đổi mới con người. Ở Phi Châu, các buổi truyền giảng của Reinhard Bonnke có khi lên đến 1,100,000 người; hình chụp biển người cho ta thấy hình cong của trái đất, giống như hình chụp đường chân trời ngoài đại dương vậy.

Tác động trên lịch sử

Về giáo dục:   – Ngay từ buổi sơ khai, việc phổ biến Kinh Thánh thúc đẩy công tác giáo dục xoá nạn mù chữ. Về sau, để giúp các trẻ em lang thang đầu đường xó chợ, các Hội Thánh Tin Lành lập các Trường Chúa Nhật, dần dần trở thành nơi dạy Kinh Thánh cho mọi người.

– Hội Kinh Thánh Quốc Tế và các Hội Kinh Thánh quốc gia, cùng với các hội xuất bản và dịch Kinh Thánh, mỗi năm phát hành một lượng Kinh Thánh khổng lồ vượt xa mọi loại sách khác trên thế giới. Hội Wycliff Bible với những chuyên gia ngôn ngữ chú trọng đặt chữ cho các nhóm dân tộc chưa có chữ để dịch Kinh Thánh cho họ, đồng thời giúp họ mở mang kiến thức. Cho đến nay Kinh Thánh đã được dịch ra 670 thứ tiếng, riêng Tân Ước đã có mặt trong 1521 ngôn ngữ trên địa cầu.

– Không phải chỉ xoá nạn mù chữ, các giáo hội cũng chú trọng việc giáo dục cấp đại học. Các trường đại học danh tiếng ở Mỹ như Harvard, Yale, Princeton, Brown ban đầu do các giáo hội Tin Lành sáng lập để huấn luyện Mục Sư. Các hội truyền giáo Tin Lành đi tiên phong trong việc mở hàng ngàn trường đại học trên thế giới. Đại Học Y Khoa Bắc Kinh danh tiếng hiện nay là do Giáo Hội Trưởng Lão thành lập năm 1917. Đại Học Nữ Ewha của Nam Hàn do Giáo Hội Giám Lý sáng lập năm 1886, hiện là trường đại học nữ lớn nhất thế giới.

Về xã hội:   – Các cuộc phục hưng tác động mạnh mẽ trên nếp sống người dân. Những kẻ ăn chơi sa đoạ truỵ lạc được đổi mới. Những người bê tha rượu chè cờ bạc, trộm cắp, mại dâm cũng trở thành những người đàng hoàng, làm ăn lương thiện. Có nơi, các hộp đêm, quán rượu, rạp hát phải đóng cửa vì vắng khách. Có nơi, cảnh sát trở nên quá rỗi rảnh vì không có phạm pháp. Ở Việt Nam, những trung tâm cai nghiện thành công nhất là do các con nghiện tuyệt vọng đã được Chúa cứu lãnh đạo.

–  Tin Lành nâng cao nhân phẩm. Trong Kinh Thánh có nói đến nô lệ nhưng dạy phải khoan dung với họ, nếu họ có cùng niềm tin thì xem như anh em. Công cuộc buôn bán nô lệ bị bãi bỏ trên toàn đế quốc Anh nhờ một nhóm người Tin Lành do Nghị sĩ Wilberforce đứng đầu vận động. Tổng thống Abraham Lincohn nổi tiếng vì lãnh đạo cuộc chiến bài trừ chế độ nô lệ. Mục Sư Martin Luther King ở Mỹ, Giám Mục Desmond Tutu ở Nam Phi được quí trọng vì lãnh đạo phong trào nhân quyền chống kỳ thị chủng tộc.

–  Nhiều tổ chức xã hội rất ảnh hưởng trên thế giới như Hội Hồng Thập Tự do Henry Dunant ở Thuỵ sĩ, Hội Hướng Đạo do Baden-Powell người Anh là những người Tin Lành thành lập vì lý tưởng nhân đạo. Ngoài ra cũng có những tổ chức truyền giáo nhưng thiên về phụng sự xã hội như Đoàn Quân Cứu Thế (Salvation Army) với 3 S ‘Soap, Soup, Soul’, hội YMCA (Young Men Christian Association) v.v. Cho đến nay có hàng ngàn tổ chức xã hội Tin Lành được thành lập để phục vụ các nạn nhân chiến tranh, thiên tai, nghèo đói trên thế giới.

–  Cuộc phấn hưng do John Wesley lãnh đạo đã xảy ra lúc nước Anh đang diễn ra cuộc Cách Mạng Công Nghiệp. Vô số công nhân làm việc trong các hầm mỏ, xưởng dệt, xưởng máy trong các điều kiện vô cùng cơ cực. Trái với dự đoán của Karl Marx là cuộc cách mạng vô sản sẽ xảy ra tại Anh Quốc, rất đông công nhân tin Chúa đã họp thành các nhà thờ, được sự yễm trợ của các nhà nhân quyền, tranh đấu cho các công đoàn đạt được nhiều thắng lợi, nên cả hai giới chủ thợ cùng đồng hành phát triển, giúp nước Anh thoát được một cuộc cách mạng đẫm máu.

Về khoa học kỹ thuật:  Trái với ngộ nhận của nhiều người cho rằng Tin Lành nghịch lại tinh thần khoa học, nhiều nhà khoa học tiếng tăm như Isaac Newton, Francis Bacon, Michael Faraday, Thomas Edison đều là những người Tin Lành. Tinh thần tôn trọng sự thật của Cơ Đốc giáo giúp ích cho sự tiến bộ khoa học kỹ thuật. Theo bản đánh giá của Harriet Zuckerman “Scientific Elite: Nobel Laureates in the US” (Giới Tinh Hoa Khoa Học: Khôi Nguyên Giải Nobel ở Mỹ), thì các nhà khoa học Tin Lành  chiếm 84.2% các giải Nobel hoá học, 60% Nobel y học và 58,6% Nobel vật lý, trong số các giải Nobel nước Mỹ nhận được từ năm 1901 đến 1972.

KẾT LUẬN

Những điều trình bày trên đây chỉ mới khái lược, chưa đi sâu vào những gì Tin Lành đã và có thể đem lại cho thế giới. Cuộc kháng cách có thể xem như là cuộc cách mạng tinh thần lớn lao đã ảnh hưởng sâu xa trên toàn thể nhân loại. Những thành tựu đạt được trong 500 qua đem cho ta niềm hi vọng rằng, dù cái ác có khả năng tàn phá bao nhiêu đi nữa, Đức Chúa Trời vẫn nắm giữ lịch sử trong bàn tay đại năng của Ngài, và cuối cùng sự thiện sẽ toàn thắng.

 

Anaheim, tháng 11-2017

Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng