Khi chúng ta trở thành Cơ Đốc Nhân, không những chúng ta cần tái lập lại nếp sống suy nghĩ của mình qua việc suy nghĩ tích cực, suy nghĩ trong điều kiện phép lạ và phát triển chiều hướng tiến về sự thành công; mà chúng ta còn cần phải biết về sức mạnh và khả năng của nguồn năng lực của chúng ta.
SỰ NHẦM LẪN
Vào năm 1958, tôi bắt đầu công việc tiên phong của mình trong một khu phố nghèo nhất của thành phố chúng tôi. Nhưng tôi chưa được huấn luyện hay được trang bị đầy đủ cho chức vụ ấy. Chưa đầy ba tháng tôi giảng hết những bài giảng đã soạn và sau ba tháng tôi chẳng biết giảng gì.
Bạn có thể dể dàng nói rằng mình sẽ đi ra và nói về câu chuyện cứu rỗi, nhưng bạn không thể cứ một đề tài ấy mà nói hết ngày này sang ngày khác. Để soạn một bài giảng tôi phải dùng trọn cả tuần lễ đọc từ Sáng thế ký đến Khải huyền, rồi phải tóm tắt lại hết tất cả những sách trong Kinh Thánh nhưng chẳng tìm được một bài giảng. Tôi hầu như có cảm tưởng rằng mình không được kêu gọi vào chức vụ nầy vì tôi không thể soạn thêm được bài giảng nào nữa.
Những người nghèo tài khu vực của tôi cũng chẳng quan tâm gì đến thiên đàng hay địa ngục; họ kiếm ăn từng bữa và điều quan tâm của họ là sự sống còn mỗi ngày. Họ chẳng có thì giờ để suy nghĩ chuyện tương lai. Tôi đi đâu cũng gặp người xin giúp đỡ gạo cơm, quần áo hoặc ít tiền mua lá về lợp chòi để ở. Nhưng tôi chẳng hơn gì họ, tôi cũng sống dười mái chòi, chẳng có gì để ăn và chỉ có vỏn vẹn một bộ đồ. Vì thế tôi chẳng có gì cho họ.
Tôi đang ở trong một hoàn cảnh bất mãn và dù tôi biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng giàu có, trong Ngài có đủ mọi sự, nhưng lúc bấy giờ tôi không biết làm cách nào để tiếp xúc với Ngài và để nhận những nguồn tài nguyên đó. Có những lúc tôi cảm thấy mình rất gần gũi Đức Chúa Trời, và có cảm tưởng mình đang tiếp xúc với Ngài, nhưng ngày hôm sau thì dường như mình đã tuộc khỏi tay Ngài.
Vì vậy tôi điên đầu và không biết mình có thực sự ở trong Thánh Linh hay không. Nhiều lần tôi nói “Chúa ôi, con biết rằng con đang ở trong Chúa Jesus Christ”. Nhưng khi gặp khó khăn, sau một ngày mệt nhọc, tối đến tôi ráng sức cầu nguyện nhưng cảm thấy mình hoàn toàn ở ngoài tầm tay của Ngài. Vì vậy tôi nói. “Cha ơi, con rối trí quá. Con thấy mình khi thì ở trong Ngài, lúc thì ở ngoài Ngài, vậy làm sao con giữ Ngài ở bên cạnh con mãi”. Thế rồi tôi lại bắt đầu ráng sức ở trong sự hiện diện của Ngài liên tục.
Người Đông Phương có một yêu cầu đặc biệt là họ muốn biết xuất xứ và nơi ở của vị thần mình thờ phượng. Đa số tín hữu Đông Phương đều lớn lên trong ảnh hưởng của sự thờ phượng thần ngoại giáo, và họ cần biết nơi ở hay địa chỉ của thần của họ để họ đến và thờ phượng. Trong sự thờ phượng thần ngoại giáo khi tôi cần cầu xin điều gì, tôi có thể đi vào một ngôi chùa rồi qùi xuống trước một cái tượng rồi có thể trực tiếp cầu xin với thần ấy. Trong tôn giáo ngoại giáo một người có thể có một địa chỉ hay nhiều địa chỉ của một vị thần hay nhiều vị thần.
Nhưng khi tôi tin Chúa tôi không thể tìm được địa chỉ của Đức Chúa Trời ở đâu. Đó là điều gây bối rối cho lòng tôi. Trong bài cầu nguyện chung chúng ta thấy có câu “Thưa Cha ở trên trời của chúng con”. Tôi có thể lý luận, “Chỗ nào được gọi là trời !”. “Vì quả đất tròn, hễ ai ở trên đĩnh của quả đất, thì trời ở bên trên họ, còn những người nào ở phía dưới quả đất, thì trời lại ở dưới sao?”
Vì thế, hễ khi nào tôi cầu nguyện “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, tôi lại hoang mang. “Cha ơi, Cha ở đâu?” Có phải Cha ở trên cao kia không? Hay là Cha ở đây? Cha ơi, Cha ở đâu? Xin Cha cho con biết địa chỉ của Cha?”
Trong những ngày đầu, thời gian đầu của chức vụ của tôi, tôi chỉ có thể trả lời với họ, “Anh em hãy cầu xin Cha ở trên trời. Tôi không biết địa chỉ của Ngài ở đâu. Đôi lúc Ngài đến với tôi, và khi khác Ngài không đến.
Tôi thường kêu cầu Ngài vì tôi không thể tiếp tục nói như thế được. Tôi cần phải biết một địa chỉ đích xác. Do đó tôi bắt đầu tìm kiếm địa chỉ của Đức Chúa Trời.
Trí tưởng tượng của tôi đến gặp Ađam, tôi hỏi, “Kính thưa cụ Ađam, cháu biết rằng cụ là tổ tiên của cháu. Cháu biết rằng cụ biết địa chỉ. Xin cụ vui lòng cho cháu biết địa chỉ của Cha ở trên trời của chúng ta ở đâu?”
Thế rồi cụ Ađam có thể vui vẻ nói với tôi, “À, Ngài ở trong vườn Ê đen. Nếu cháu đến đấy cháu sẽ gặp chỗ ở của Ngài”.
“Nhưng khi cụ sa ngã”, tôi hỏi “Cụ phải ra khỏi vườn Ê đen. Vậy bây giờ vườn Ê đen ở đâu?”
Cụ Ađam lại trả lời, “À, ta đoán chừng là ta không biết”.
Rồi trong trí tưởng tượng của tôi, tôi quyết định đi thăm cụ Áp ra ham. Tôi thất vọng nhưng cũng đến nói với cụ, “Thưa cụ Áp ra ham, cụ là tổ phụ của đức tin, và cụ thường gặp Đức Chúa Trời. Xin cụ vui lòng cho cháu biết địa chỉ của Cha của chúng con”.
Cụ Áp ra ham trả lời, “Hễ khi nào ta cần gặp Đức Chúa Trời, ta thường dựng lên một bàn thờ và giết một con vật, rồi ta ở đó chờ đợi Ngài. Đôi khi Ngài đến với ta, có khi Ngài không đến.Vì vậy ta không biết địa chỉ của Ngài”.
Sau đó, tôi rời khỏi cụ Áp ra ham và đến thăm cụ Môi se và nói, “Kính thưa cụ Môi se, chắc chắn cụ biết rõ Đức Chúa Cha. Cụ được ở trong sự hiện diện của Ngài liên tục”.
“Dĩ nhiên ta biết Ngài”, cụ Môise trả lời, “Ngài ở trong đền tạm được dựng trong sa mạc. Trong lúc bấy giờ Ngài ở trong trụ mây vào ban ngày, và ban đêm Ngài ở trong trụ lửa. Cháu hãy đến đó và gặp Đức Chúa Trời. Địa chỉ của Đức Chúa Trời tại đấy”.
“Nhưng”, tôi nói, “Khi dân Ysơraên vào đất Canaan, đền tạm trong sa mạc đã biến mất rồi. Vậy đền tạm trong sa mạc giờ nầy ở đâu?”
“Bây giờ ta cũng chẳng biết”, cụ Môise trả lời.
Một lần nữa tôi lại thất vọng, sau đó tôi đến gặp hoàng đế Salômôn. Tôi nói, “Tâu Hoàng Đế, Hoàng Đế đã xây cất một đền thờ nguy nga với biết bao đá quí đẹp đẽ. Bây giờ hoàng thượng có biết địa chỉ của Đức Chúa Trời ở đâu không?”
Vua Salômôn bảo, “Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời ngự trong đền thờ lộng lẫy huy hoàng do ta xây cất”, khi nào có sự rủa sả hay bịnh tật xảy ra lan tràn trên đất nước của ta, thì người dân có thể hướng về đền thờ này và cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời. Đấng ngự trong đó và Đức Chúa Trời lắng nghe lời cầu xin của họ và nhận lời họ”.
“Kính thưa hoàng đế, bây giờ đến thờ ở đâu?” tôi hỏi. “Đền thờ ấy bị hủy phá trước khi Đấng Christ đến khoảng sáu trăm năm bởi người Babylôn. Bây giờ chúng ta có địa chỉ của đền thờ ấy”.
“À, ta xin lỗi”, vua Salômôn quay lại, “Đền thờ ấy bị phá hủy và bây giờ ta không biết địa chỉ”.
Sau đó tôi đến cùng Giăng Báp tít. Tôi nói: “Kính thưa tiên tri Giăng Báp tít, chắc chắn ông biết địa chỉ của Đức Chúa Trời?”.
“Vâng”, Giăng trả lời. “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi. Jesus Christ Ngài là địa chỉ của Đức Chúa Trời chúng ta”.
Vì vậy trong cuộc hành trình tìm địa chỉ của Đức Chúa Trời, tôi đến với Chúa Jesus. Chắc chắn trong Chúa Jesus tôi có thể tìm thấy địa chỉ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phán qua Chúa Jesus, và qua Con độc sanh của Ngài, Ngài thực hiện nhiều phép lạ. Chúa Jesus ngủ ở đâu, thì Đức Chúa Trời hiện diện tại đó.
Lòng tôi vui mừng vì tìm được địa chỉ của Đức Chúa Trời. Nhưng lòng tôi vẫn lại nổi lên một thắc mắc. Chúa Jesus chết Ngài phục sinh và Ngài thăng thiên về trời, vậy địa chỉ của Chúa Jesus Christ ở đâu? Rồi lại một lần nữa tôi quay về điểm bắt đầu . Tôi hỏi, “Chúa Jesus ơi, Ngài ở đâu? Con không biết địa chỉ của Ngài thì làm sao con có thể nói cho tín hữu của con biết nơi ở của Ngài”.
LỜI GIẢI ĐÁP
Thế rồi có lời giải đáp đến. Chúa Jesus phán “Ta đã chết và sống lại. Ta đã sai Đức Thánh Linh đến ở trong mỗi người theo ta Ta đã nói với con rằng ta chẳng hề để các con mồ côi. Ta cầu xin Cha để Ngài ban Thánh Linh ở với các con, và trong ngày đó các con sẽ biết rằng ta ở trong Cha, Cha ở trong ta, ta ở trong các con và các con ở trong ta”.
Dần dần tôi thấy rằng qua Đức Thánh Linh, Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con ngự trong tôi. Khi đọc trong thơ Côrintô thứ hai tôi thấy Đức Chúa Trời đã đóng ấn chúng ta và sai Thánh Linh của Ngài ở ngay trong lòng chúng ta. Tôi tìm thấy địa chỉ của Đức Chúa Trời. Tôi thấy rõ rằng địa chỉ của Ngài chính là địa chỉ của tôi.
Sau đó tôi bắt đầu giảng cách dạn dĩ cho mọi người rằng “Chúng ta có thể tìm được nơi ở của Đức Chúa Trời. Bây giờ tôi đã tìm ra địa chỉ của Ngài. Địa chỉ của Ngài chính là địa chỉ của tôi, và Ngài là Đấng đầy uy quyền và thế lực đang ngự trong tôi. Qua Đức Thánh Linh, Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con cư ngụ trong tôi, và Ngài đi với tôi khắp mọi nơi tôi đi.
“Ngài cũng ngự trong anh em, và địa chỉ của Ngài là địa chỉ của anh em. Nếu anh em ở trong nhà, thì Ngài ở đấy, nếu anh em đi đến nơi mình làm việc, Ngài ở đấy ; nếu anh chị em làm việc trong nhà bếp, Ngài cũng ở đấy. Đức Chúa Trời cư ngụ trong anh em, và nguồn năng lực của Ngài cũng tìm thấy trong anh em.
“Anh chị em ơi”, tôi tiếp tục “Tôi chẳng có bạc hoặc vàng. Tôi cũng chẳng có thức ăn, gạo thóc hay quần áo, nhưng tôi có điều này để giúp cho anh chị em. Đức Chúa Trời cư ngụ trong anh chị em. Hễ ai chưa có Ngài ở trong mình thì hãy đến với Đức Chúa Jesus Christ, tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của cá nhân bạn, và Đấng tạo dựng trời và đất, với tất cả nguồn năng lực vô hạn của Ngài sẽ đến cư ngụ trong lòng bạn. Ngài sẽ cung cấp cho bạn mọi nhu cầu”. Khi nghe sứ điệp này họ bắt đầu xây dựng đức tin của mình.
Đây mới chính là khởi điểm của chức vụ của tôi, và cũng chính là nền tảng vững chắc cho đời sống giảng dạy của tôi. Trước khi đạt đến điểm nầy tôi đã cố gắng đi tìm từ nơi nầy sang nơi khác địa chỉ của Đức Chúa Trời. Khi có một nhà truyền giảng trứ danh đến, tôi chạy đi nghe giảng để mong bắt gặp Đức Chúa Trời. Có khi tôi lên núi, có khi tôi xuống trũng, tôi tìm kiếm khắp nơi về chỗ ở của Đức Chúa Trời, nhưng khi tôi tìm được chân lý nầy rồi tôi không còn đi lang thang nữa. Tôi đã tìm ra được địa chỉ và nơi ở của Đức Chúa Trời.
Tôi nói với hội chúng của tôi rằng, “Đức Chúa Trời không phải ở cách xa chúng ta hằng triệu dặm. Ngài không phải là Đức Chúa Trời của hai ngàn năm trước đây, Ngài cũng không phải là Đức Chúa Trời của tương lai. Đức Chúa Trời của các anh chị em ngự trong anh chị em với tất cả quyền uy, năng lực và sự giàu có của Ngài, địa chỉ của Ngài là ở trong anh chị em. Vì vậy anh chị em có thể nói chuyện và cầu nguyện với Ngài mỗi ngày, và bất cứ giờ nào. Anh chị em có thể đụng chạm Ngài và nhận nguồn năng lực của Ngài qua sự cầu nguyện và đức tin. Khi anh chị em kêu khóc lớn tiếng, Đức Chúa Trời đủ nghe. Khi anh chị em nói nhỏ nhẹ thì thào, Đức Chúa Trời vẫn nghe. Khi anh chị em suy nghĩ, trầm tư thì Đức Chúa Trời cũng nghe, vì Ngài ở trong anh chị em, và Ngài có thể cung cấp mọi nhu cầu của anh chị em”.
Sau chiến tranh Triều Tiên, khi các giáo sĩ đi ra phục vụ Chúa, tôi thường tham dự vào những buổi họp của ủy ban hành chánh. Ở đó đa số các Mục sư Triều Tiên thường giới thiệu mọi loại kế hoạch khác nhau, nào là xây cất nhà thờ hay mở trường Kinh Thánh, và họ đưa ra thảo luận những phương cách khác nhau để giải quyết vấn đề. Nhưng khi bàn đến vấn đề tài chánh, lập tức họ nói, “Xin mời một giáo sĩ đến và chịu trách nhiệm”. Họ sử dụng người giáo sĩ như một nhà kinh tài.
Tôi phẫn uất trong lòng và nói, “Tại sao quí vị lại luôn luôn quay sang giáo sĩ?”.
Họ trả lời, “Đức Chúa Trời chỉ cung cấp qua các giáo sĩ chứ không qua chúng ta”.
Tuy nhiên, từ khi tôi tốt nghiệp Thần Học Viện tôi quyết tâm thừa nhận Đức Chúa Trời là nguồn năng lực trọn vẹn của tôi. Tôi thấy rằng Đức Chúa Trời của tôi đang cư ngụ trong tôi với tất cả mọi tài nguyên cần thiết. Tôi khám phá ra cách tiếp nhận nguồn năng lực của Đức Chúa Trời, và suốt hai mươi năm trong chức vụ của tôi, tôi chẳng bao giờ lệ thuộc vào bất cứ ai khác.
Tôi đã vượt Thái Bình Dương hơn bốn mươi lần để hầu việc Chúa ở các nước khác, và tôi chẳng hề hỏi xin một đồng xu nào từ một nhà thờ riêng lẻ nào. Tôi bày tỏ sự cảm kích về việc gởi các giáo sĩ sang Triều Tiên nhưng tôi chẳng bao giờ xin sự tài trợ từ các Hội Thánh ngoại quốc.
Tôi lệ thuộc vào Đức Chúa Trời từng giây phút, dù ít dù nhiều Ngài vẫn đáp ứng cho mọi nhu cầu của tôi, xây dựng nhà thờ, sai phái các giáo sĩ từ Hội Thánh tôi sang các quốc gia khác và thành lập trường Kinh Thánh.
Unknown