“…không coi như tôi mọi nữa, nhưng coi hơn tôi mọi, coi như anh em yêu dấu, nhất là yêu dấu cho tôi, huống chi cho anh, cả về phần xác, cả về phần trong Chúa nữa!” (câu 16).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô nài xin ông Phi-lê-môn điều gì? Ông đưa ra những lý do nào và với thái độ ra sao? Bạn học được gì qua cách giải quyết mâu thuẫn của ông Phao-lô?
Ông Phi-lê-môn là một tín hữu khá giả ở thành phố Cô-lô-se, có nhiều nô lệ và yêu mến Chúa, sẵn lòng dùng nhà mình để Hội Thánh nhóm lại thờ phượng Chúa. Sứ đồ Phao-lô viết thư này khi đang ở tù. Với cương vị lãnh đạo thuộc linh, ông Phao-lô có quyền “truyền lệnh” cho ông Phi-lê-môn điều cần phải làm. Nhưng với lòng tôn trọng và tình yêu thương, ông Phao-lô “nài xin” ông nhận lại “đứa con sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim” (câu 8–10).
Ông Ô-nê-sim là một nô lệ bỏ trốn của ông Phi-lê-môn. Bằng cách nào đó, trong quá trình trốn chạy, ông Ô-nê-sim đã gặp Sứ đồ Phao-lô và tin Chúa tại La Mã. Từ đó, ông Ô-nê-sim đã trở thành người giúp đỡ cho chức vụ của ông Phao-lô rất nhiều (Cô-lô-se 4:9; câu 13). Mặc dù rất muốn ông Ô-nê-sim tiếp tục chăm lo cho mình ở nhà tù La Mã, nhưng khi biết được mâu thuẫn giữa hai người, ông Phao-lô khuyến khích ông Ô-nê-sim nên trở về giải hòa với ông chủ Phi-lê-môn trước. Theo văn hóa lúc bấy giờ, chủ có quyền giết nô lệ nào trốn chạy vì họ là tài sản của chủ. Do đó, để bảo đảm an toàn cho ông Ô-nê-sim, ông Phao-lô viết kèm lá thư gửi cho ông Phi-lê-môn để giải thích rõ sự biến đổi của người nô lệ bỏ trốn này. Ông Phao-lô gọi ông Ô-nê-sim là con thuộc linh và “lòng dạ” của ông với ước ao ông Phi-lê-môn sẽ vì ông mà tha thứ cho ông Ô-nê-sim.
Với những lời kêu gọi chân thành, Sứ đồ Phao-lô khuyên ông Phi-lê-môn hãy chấp nhận ông Ô-nê-sim, nhưng giờ đây, “không coi như tôi mọi nữa, nhưng coi hơn tôi mọi, coi như anh em yêu dấu” (câu 16). Ông cũng giải thích việc ông Ô-nê-sim bỏ trốn có thể là duyên cớ để ông ấy biết Chúa Giê-xu, tin nhận Ngài và trở nên ích lợi. Nhờ đó, ông Phi-lê-môn có thể có lại ông Ô-nê-sim mãi mãi trong một cương vị tốt hơn và hữu dụng hơn (câu 11, 14–16). Sứ đồ Phao-lô tiếp tục nài xin ông Phi-lê-môn “hãy nhận lấy người như chính mình tôi vậy” (câu 17). Ông cũng sẵn sàng hy sinh, hứa chịu trách nhiệm về bất cứ nợ nần nào của ông Ô-nê-sim để được ông Phi-lê-môn tha thứ và phục hồi hoàn toàn (câu 18–19).
Câu chuyện này là một minh họa tuyệt vời về mục vụ hòa giải và tầm quan trọng trong việc giúp người khác được tha thứ và phục hồi. Chúng ta nên học theo gương Sứ đồ Phao-lô, giải quyết mâu thuẫn trong Hội Thánh bằng sự tôn trọng, yêu thương thay vì cứng nhắc theo nguyên tắc, và cũng sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình để giúp người khác sẵn sàng tha thứ và phục hồi.
Bạn thường góp phần giải quyết mâu thuẫn trong Hội Thánh ra sao?
Cảm tạ Chúa về gương của Sứ đồ Phao-lô. Xin ban ơn cho con để được Chúa dùng giúp anh chị em trong Hội Thánh giải quyết mâu thuẫn trong sự tha thứ và được phục hồi.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-suê 12.

Lịch Cầu Nguyện Tháng:
https://nguonhyvong.com/lichcn-102024

Văn Phẩm Nguồn Sống:
https://www.vpns.org/dang-hien

Nghe Kinh Thánh hôm nay:

https://nghekinhthanhviet.org/nghe-kinh-thanh/VIE2010FS/phil/1

Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=n-6cpS_aPec&list=PLy5dD_318r0WuFJ_f0QcDo3CQ_Lw2Yw0k

Nghe Kinh Thánh trong ba năm:

https://nghekinhthanhviet.org/nghe-kinh-thanh/VIE1925MS/gios/12

Nghe Kinh Thánh online:
https://nghekinhthanhviet.org

Nghe Kinh Thánh trên Youtube:
https://www.youtube.com/kinhthanhviet