Không ai chối cãi rằng Anh ngữ hiện đóng một vai trò gần như độc tôn trên hoàn cầu.

Giáo sư Phạm Quang Tâm
Dallas Theological Seminary

PHƯƠNG PHÁP HỌC ANH NGỮ

Những hướng dẫn thực tế cho các học viên tự học

Twin Pines Publishing
2012

Thay lời nói đầu

Cầm trong tay quyển sách nầy, bạn có thể là người mới bắt đầu học Anh Ngữ mà cũng có thể bạn là người học đã lâu nhưng không thấy tiến bộ bao nhiêu, bạn hơi chán nản. Nếu bạn biết mỗi năm có hơn 300 triệu người trên thế giới bắt đầu học ngoại ngữ nầy thì bạn sẽ tự hỏi, “Nếu điều gì mà 300 triệu người làm được thì chắc hẳn điều ấy chẳng phải là khó!” Vậy tại sao bạn lại cảm thấy như “dậm chân tại chỗ”? Học hoài mà không thấy tiến bộ? Và hình như Anh ngữ lúc đầu thấy dễ nhưng càng học thấy càng khó. Kinh nghiệm của bạn cũng là kinh nghiệm của rất nhiều học viên khác. Rồi bạn cho rằng có lẽ mình thiếu khả năng. Nhận xét nầy có đúng không?

Phải nhìn nhận rằng trên đời có những việc tương tự như việc học Anh ngữ, nghĩa là không có phương pháp nào tốt nhất, trái lại có rất nhiều phương pháp sai lầm, chẳng hạn như kinh doanh, hay dạy dỗ con cái. Không ai có thể bảo rằng nếu bạn theo đúng phương pháp kinh doanh dạy ở nhà trường thì bạn sẽ thành công, tuy nhiên có vô số người vì không biết phương pháp nên chuốc lấy thất bại chua cay khi lao đầu vào thương trường; có những bậc cha mẹ dạy con theo đúng sách vở thế mà chúng vẫn hư hỏng như thường! Việc học Anh Ngữ cũng thế: không có phương pháp nào hữu hiệu 100% cho mọi học viên nhưng có rất nhiều phương pháp sai lầm khiến nhiều học viên bỏ cuộc sau một thời gian. Tuy nhiên chúng tôi có thể khẳng định rằng những người học có phương pháp ít thất bại hơn những người học thiếu phương pháp.

Quyển sách nầy có mục đích giúp bạn biết được một số phương pháp tốt và hữu hiệu đồng thời tránh cho bạn những phương pháp sai. Chúng tôi phối hợp các phương pháp dang phổ cập trên thị trường Âu Mỹ và kinh nghiệm cá nhân. Chúng tôi muốn san sẻ những kinh nghiệm ấy với bạn để giúp bạn tránh được những trở lực hay những cạm bẫy thường gặp cho người mới học cũng như người học đã lâu.

Một điều tưởng cũng nên nhắc nhỡ bạn khi dùng sách nầy: Khi đã biết phương pháp thì bạn nên áp dụng điều bạn biết mới có kết quả. Nếu chỉ biết suông thì chắc hẳn phương pháp nào cũng không bổ ích gì cho bạn. Dĩ nhiên bạn sẽ có dịp phối hợp phương pháp trong sách với kinh nghiệm cá nhân của chính bạn. Đó là điều rất tốt.

Mong rằng những cố gắng nhỏ nhoi của chúng tôi sẽ giúp bạn tiến nhanh hơn trên đường học Anh Ngữ, một ngoại ngữ quan trọng nhất trên thế giới, có thể mở vô số cửa cho bạn trên con đường học vấn và nghề nghiệp.

Chúc bạn may mắn!

Ft Smith, Arkansas, Giáng Sinh 2011
Giáo sư Phạm Quang Tâm
Dallas Theological Seminary

Mục Lục

Thay lời nói đầu
Chương 1: Tầm quan trọng của Anh Ngữ và việc học Anh ngữ cho hữu hiệu
Chương 2: Thế nào là “biết tiếng Anh”?
Chương 3: Những trở ngại thường gặp trong việc học Anh ngữ
Chương 4: Các phương pháp thường dùng
Chương 5: So sánh việc học ngoại ngữ với việc học tiếng mẹ đẻ.
Chương 6: Vai trò của thính giác và thị giác trong việc học Anh ngữ
Chuong 7: Những kỹ năng quan trọng trong việc học Anh Ngữ
Chương 8: Vai trò của khoa ngữ học trong việc học Anh ngữ
Chương 9: Những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc học Anh ngữ
Chương 10: Có thể tự học Anh Ngữ được không?
Chương 11: Huyền thoại và sự thật về việc học Anh ngữ
Chương 12: Những nét đặc biệt của một học viên Anh ngữ giỏi
Chương 13: Ngôn ngữ và tư tưởng
Chương 14: Vai trò của văn hóa và xã hội trong việc học Anh ngữ
Chương 15: Tiếng Anh và tiếng Mỹ
Chương 16: Cách học phát âm (Pronunciation) (Phần I)
và những lưu ý quan trọng
Chương 17: Cách học phát âm (Phần II) Những ý niệm căn bản
Chương 18: Cách học phát âm (Phần III)
Phiên âm quốc tế (IPA) và việc trau dồi phát âm.
Chương 19: Cách phân bố các âm ‘s’ và ‘ed’ trong Anh ngữ
Chương 20: Cách học nghe (Listening)
Chương 21: Cách học nói (Speaking) – Vấn đề phiên dịch.
Chương 22: Phương pháp học ngữ vựng (Vocabulary) – Các khúc tuyến quan trọng
Chương 23: Cách học ngữ pháp (Grammar/ Syntax) Dissect time—a year
Chương 24: Cách học đọc (Reading) — Use and Choice of Dictionaries
Chương 25: Cách học viết (Writing) – Lại vấn đề phiên dịch
Chương 26: Kết luận

PHỤ LỤC

A1: Cách làm bài thi TOEFL để xin vào đại học Mỹ
A2: Cách viết bài luận đề (essay) để xin vào đại học Mỳ
A3: Phương pháp đọc sách giáo khoa ở đại học Mỹ
A4: Phương pháp học ở đại học Mỹ
A5: Một vài mẫu đàm thoại thường dùng ở Đại học
A6: Mẫu thư xin việc làm
A7: Cách phỏng vấn tìm việc làm ở Mỹ—Một vài câu phỏng vấn mẫu bạn cần biết
A8: Một vài mẫu thư từ, thiếp chúc mừng…bằng Anh Ngữ
A9: Cách đối thoại với người Mỹ. Đại cương về tâm lý Mỹ.
A10: Tự vựng các từ thường dùng trong ở Đại học Mỹ

CHƯƠNG 1

Tầm quan trọng của Anh Ngữ trên thế giới
và việc học Anh Ngữ cho hữu hiệu

1- Không ai chối cãi rằng Anh ngữ hiện đóng một vai trò gần như độc tôn trên hoàn cầu. Vai trò nầy không phải dựa vào số người nói ngôn ngữ ấy (số người nói tiếng Trung hoa đông hơn số người nói tiếng Anh) nhưng là ảnh hưởng của Anh ngữ trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, nghệ thuật…trên nhân loại. Có 5 ngôn ngữ chính hiện đang được Liên hiệp Quốc sử dụng trong các hội nghị: Anh ngữ, Pháp Ngữ, Tây ban nha ngữ, Trung hoa ngữ, và Nga ngữ. Trong 5 ngôn ngữ ấy thì hầu như Anh ngữ chiếm tầm quan trọng bậc nhất. Nếu bạn có một bài khảo cứu về khoa học hay văn chương mà không viết bằng tiếng Anh thì hầu như sẽ không được thế giới biết đến.

2- Đôi khi bạn tự hỏi: Nguyên nhân nào khiến Anh ngữ trở nên quan trọng như thế? Có lẽ một trong những nguyên nhân chính là sức mạnh kinh tế và khoa học của Hoa-kỳ ở thế kỷ 20. Hồi thế kỷ 19 chúng ta thường nghe các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới là người Pháp hay người Đức, nhưng đến thế kỷ 20, nhất là sau thế chiến thứ hai, cán cân nghiêng hẳn về Hoa kỳ. Có những năm mà hầu hết những người được giải Nobel về mọi ngành đều là người Mỹ! Nói về số những người được giải Nobel thì có lẽ Hoa-kỳ đứng đầu trên thế giới! Điều đó cho chúng ta thấy những nghiên cứu về khoa học, kinh tế, thương mại, văn học…đều ngả về lục địa Bắc Mỹ!

3- Bạn muốn học tiếng Anh. Không cần biết động lực nào thúc đẩy bạn học Anh ngữ: để kiếm việc làm, để giao tiếp, để đọc sách vở, để theo học ngành bạn ưa thích, để kinh doanh … và bạn muốn biết Anh ngữ trong một thời gian ngắn. Ở đây chúng tôi xem bạn là một học viên đã lớn tuổi, thì giờ không có nhiều cho nên bạn muốn tìm một phương pháp hữu hiệu nhất để học.

4- Bạn muốn biết tiếng Anh đến một trình độ mà bạn có thể cầm một tờ báo hay quyển sách Anh ngữ nào thì bạn cũng có thể đọc và hiểu dễ dàng. Nếu đó là mục đích của bạn thì chúng tôi rất sung sướng giúp đỡ bạn. Tuy nhiên chúng tôi cũng lưu ý là việc học Anh ngữ đòi hỏi một cố gắng liên tục và thường xuyên nơi bạn. Không có phép mầu nào thay thế cho cố gắng của bạn cả. Sau một thời gian bạn sẽ thấy nỗ lực của bạn sẽ mang lại phần thưởng vô giá là bạn đã thông thạo một ngoại ngữ quan trọng trên thế giới. Hơn nữa khi biết tiếng Anh thì bạn được xem như là một người có văn hoá thực sự vì bạn có thể đàm đạo bằng Anh ngữ với bất cứ ai về bất cứ vấn đề gì.

5- Sau khi nhìn nhận rằng Anh ngữ đóng một vai trò quan trọng trên thế giới hiện nay, đôi khi bạn thắc mắc: Tôi phải theo phương pháp nào cho hữu hiệu? hoặc Tôi ở xa các trung tâm Anh ngữ cho nên tôi muốn biết tôi có thể tự học Anh ngữ được không? Về câu hỏi đầu, quyển sách nầy sẽ giúp bạn tìm được phương pháp ấy. Về câu hỏi thứ hai: Bạn có thể tự học Anh ngữ được! Nhiều người đã từng làm như thế kể cả chúng tôi là người viết quyển sách nầy. Cách đây khá lâu khi chúng tôi bắt đầu học Anh ngữ thì không tìm đâu ra sách hướng dẫn và cũng không có tiền để đến lớp cho nên đành phải tìm cách tự học! Và cũng nhờ tự học mà chúng tôi thu lượm được các kinh nghiệm quí báu mà chúng tôi sẽ san sẻ với các bạn trong sách nầy. Các chương sau đây sẽ trình bày cho bạn một số phương pháp ấy. Như đã nói trong phần đầu, quyển sách nầy phối hợp kinh nghiệm cá nhân và các phương pháp đã được nghiên cứu và chứng tỏ là hữu hiệu khắp nơi.

6- Chúng tôi rất chú trọng đến những thành phần tự học là những người có thiện chí, ham học nhưng không có thì giờ đến lớp. Người Việt có tiếng là hiếu học cho nên chúng tôi tin rằng nếu bạn theo đúng các hướng dẫn trong sách nầy chắc chắn bạn sẽ thành công. Ngoài ra bạn còn tránh cho bạn những trở ngại và cạm bẫy cản trở việc học Anh ngữ mà chúng tôi đã trải qua. Đó là niềm mong ước của chúng tôi: Giúp đỡ học viên Việt nam trau dồi Anh ngữ một cách hữu hiệu.

CHƯƠNG 2

Thế nào là “biết tiếng Anh”?

1- Thế nào là “biết tiếng Anh”? Thật khó có một định nghĩa thỏa đáng. Thông thường một người được xem như “biết tiếng Anh” khi người ấy có thể nghe, nói chuyện, đọc và viết được Anh ngữ. Tuy nhiên định nghĩa nầy cũng không hoàn toàn đúng vì nhiều người có thể đọc và viết tiếng Anh rất giỏi nhưng lại không nghe, cũng không nói được. Có lẽ bạn đã gặp nhiều người như thế. Ta không thể bảo là họ “không biết tiếng Anh” vì nhu cầu của họ khác với nhu cầu của bạn.

2- Cho nên việc học Anh ngữ tùy thuộc vào nhu cầu của học viên. Có những học viên chỉ muốn học đọc và viết Anh ngữ mà thôi vì họ không thấy có nhu cầu giao dịch. Hai nhu cầu đọc (reading) và viết (writing) rất cần thiết vì đọc là để mở mang trí tuệ, và viết là để diễn tả ý tưởng của mình. Có người nói rằng, “Khi học một ngôn ngữ mới là học một cách suy nghĩ mới, với tư tưởng mới, có cái nhìn mới về ngoại vật.” Nhận xét nầy không phải là ngoa vì nếu bạn không đi sâu vào cái nhìn hay tư tưởng của người Anh Mỹ thì khó có thể bảo rằng bạn “biết tiếng Anh.” Thật ra khi biết Anh ngữ bạn sẽ thấy cái nhìn của bạn về thế giới quanh bạn mở rộng ra rất nhiều.

3- Nói chung, muốn học Anh ngữ cho hiệu quả thì điều quan trọng là phải học cách suy nghĩ của người Anh Mỹ. Ở đây chúng ta không nói cách suy nghĩ của ngôn ngữ nầy tốt hơn cách suy nghĩ của ngôn ngữ khác vì ngôn ngữ chỉ là cái “vỏ” để mang tư tưởng mà thôi. Đành rằng kỹ năng nói rất cần cho những ai phải giao tiếp với người Anh Mỹ,kỹ năng đọc giúp chúng ta hấp thụ những kiến thức mới và kỹ năng viết giúp chúng ta diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng, khúc chiết hơn. Nói khác đi, biết Anh ngữ sẽ giúp bạn có thêm một dụng cụ (tool) mới để sử dụng trong đời sống. Bạn thử tưởng tượng sống trong thế kỷ 21 mà bạn không biết sử dụng điện thoại cầm tay (cell phone) hay máy vi tính (computer) thì bạn sẽ bị thiệt thòi đến mức nào!

4- Đến đây, chúng ta có thể đưa ra một định nghĩa tạm cho cụm từ “biết tiếng Anh” như sau: Người biết tiếng Anh là người có thể nghe hiểu, đọc và diễn đạt tư tưởng của mình bằng Anh ngữ ở một trình độ bình thường. Chúng tôi nói đến “trình độ bình thường” là vì khả năng Anh ngữ có nhiều trình độ khác nhau, từ thấp đến cao. Tuy nhiên trình độ bình thường là một trình độ mà ai cũng có thể đạt tới với một cố gắng vừa phải.

5- Định nghĩa trên trông giản dị nhưng đòi hỏi cố gắng khá nhiều ở học viên. Dù sao bạn đừng quên rằng Anh ngữ cũng chỉ là một ngôn ngữ như bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới, kể cả Việt ngữ. Có lẽ bạn tự hỏi: Học Anh ngữ khó hay dễ? Chúng tôi có thể trả lời rằng: Nếu bạn đã biết được một ngôn ngữ, như tiếng Việt chẳng hạn thì bạn có thể học một ngôn ngữ khác. Anh ngữ không phải là khoa ‘vật lý nguyên tử’ (atomic physics) đòi hỏi kiến thức sâu xa về khoa học mới hiểu được. Tất cả mọi ngôn ngữ đều hoạt động theo những nguyên tắc giống nhau: âm thanh (sound), ngữ pháp (grammar), và ngữ nghĩa (semantics). Chỉ khác nhau ở cách phân bố mà thôi. Chẳng hạn tiếng Anh có những âm khác với âm Việt ngữ, có những qui tắc ngữ pháp khác với tiếng Việt, và có những ý nghĩa khác với tiếng Việt. Nói vậy không có nghĩa là cái gì trong tiếng Anh cũng khác với tiếng Việt. Nếu thế thì mất cả đời bạn cũng không học được tiếng Anh. Vì ngôn ngữ có nhiều điểm tương đồng cho nên chúng ta đều có thể học một ngoại ngữ mới.

6- Khi học Anh ngữ bạn không nên e ngại là bạn học chậm hơn người khác. Đừng bao giờ so sánh mình với ai cả. Bạn học cho bạn chứ không phải học cho người khác. Ngoài ra vì Anh ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của bạn cho nên bạn gặp trở ngại là chuyện thường khi học tiếng Anh, không có gì đáng lo, mà cũng chẳng có gì đáng xấu hổ.

7- Nói thế thì bạn cũng không nên thất vọng là bạn không thể học được tiếng Anh vì bạn không có đủ trí nhớ hay thông minh để học một ngoại ngữ mới. Thật ra những kiến thức của bạn về Việt ngữ sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc học Anh ngữ.

CHƯƠNG 3

Những trở ngại thường gặp trong việc học Anh ngữ

1- Học tiếng Anh cũng như học bất cứ môn nào khác, thỉnh thoảng bạn vấp phải những trở ngại, lớn có, nhỏ có. Chúng ta phân biệt hai loại trở ngại: bên ngoài và bên trong. Yếu tố bên ngoài (external factors) là những trở ngại chúng ta không kiểm soát được như thiếu sách vở, tài liệu, phương tiện…để học. Yếu tố bên trong (internal factors) là những trở ngại mà học viên kiểm soát được như thái độ, cố gắng, thì giờ…Trong hai loại vừa nói, yếu tố bên trong quyết định sự thành công hay thất bại của học viên khi học Anh ngữ.

2- Những yếu tố bên trong còn quyết định mức tiến bộ của học viên: nhanh hay chậm. Trong các yếu tố quan trọng bên trong thì thái độ (attitude) đóng vai khá quan trọng. Có những học viên tự nhủ rằng: Tôi lớn tuổi rồi làm sao học được? Khi học viên có thái độ tiêu cực như thế thì việc học trở nên khó khăn hơn và khi bỏ cuộc thì học viên hầu như xác nhận niềm tin của mình. Ngược lại nếu học viên tự nhủ: Tiếng Anh khá quan trọng trên thế giới ngày nay, tôi phải cố gắng học để trau dồi trí tuệ và giúp tôi có một khả năng giao tiếp hay đọc sách vở. Dù nhanh hay chậm tôi phải cố gắng học, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, còn hơn chẳng biết gì cả! Với thái độ tích cực ấy thì trước sau học viên cũng thành công.

3- Sau thái độ chúng ta phải nói đến cố gắng (effort). Trên đời không có việc gì quá dễ mà cũng không có việc gì quá khó. Nếu khó tại sao có hàng triệu người nói được tiếng Anh sau một thời gian? Nếu dễ tại sao có vô số người bỏ cuộc sau một thời gian? Trong kinh nghiệm dạy tiếng Anh cho các học viên hơn mấy mươi năm nay, chúng tôi nhận thấy cố gắng và động lực bên trong (motivation) hầu như là chìa khóa của thành công. Chúng tôi rất thích dạy những lớp mà học viên tỏ ra hiếu học, siêng năng, tò mò và nhất là đều đặn trong nỗ lực. Chúng tôi cũng rất vui khi thấy những học viên tóc hoa râm cũng chuyên cần đi học. Đa số những học viên ấy đều thành công.

4- Thì giờ (time) cũng là một trở ngại khác. Nhiều học viên muốn đi tắt, học cách nào cho nhanh, cho dễ. Thật ra học ngoại ngữ cần thời gian và nỗ lực liên tục. Đừng quên rằng con người chúng ta đôi khi làm việc theo lối ngẫu hứng: lúc thích thì hăng say, lúc không còn thích nữa thì lờ đờ và dần dần bỏ cuộc! Đó là một cái bẫy cho bạn: Nếu bạn muốn có kết quả, dù nhanh hay chậm, bạn phải cố gắng liên tục và đều đặn. Chúng tôi rất hiểu những lo âu và gánh nặng của bạn trong cuộc sống. Tuy nhiên nếu bạn muốn có kết quả trên đường học Anh ngữ thì bạn phải bỏ ra một cái gì, chẳng hạn như thì giờ, để lấy lại một cái gì khác: kiến thức Anh ngữ. Học viên nào bảo rằng mình không có thì giờ đương nhiên dọn đường cho sự thất bại của mình. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là bạn nên biết sử dụng thì giờ cho hữu hiệu. Nếu bạn không tin, bạn cứ theo dõi xem mỗi ngày bạn phí bao nhiêu thì giờ vào những hoạt động vô ích mà đáng lẽ được dùng vào việc học Anh ngữ!

5- Trí nhớ (memory) cũng là một lời bào chữa khác của những học viên tiêu cực. Càng lớn tuổi chúng ta hay than phiền rằng trí nhớ của chúng ta sút kém hơn trước. Có lẽ một số ít trong chúng ta có trí nhớ tốt nhưng đa số chúng ta có trí nhớ bình thường. Người viết sách nầy không tin rằng mình có trí nhớ tốt cho nên không dám học luật. Tuy nhiên khi bắt đầu ghi danh học luật thì người viết tìm phương pháp học cho hữu hiệu mà không cần đến trí nhớ nhiều, nghĩa là học sao cho hiểu những ý niệm, nguyên tắc của luật hơn là học từ chương. Kết quả: người viết thi đậu cử nhân luật dễ dàng, không gặp trở ngại gì. Vậy bạn không nên cho rằng vì trí nhớ kém mà không học được tiếng Anh.

6- Nếu bạn loại bỏ được các lối bào chữa tiêu cực vừa nói thì việc học tiếng Anh sẽ không còn khó khăn đối với bạn nữa.

7- Bạn có nhận thấy trẻ con có cái gì hơn người lớn khi học tiếng mẹ đẻ không?—Óc tò mò. Chúng luôn luôn hỏi tại sao? hoặc: Cái nầy gọi là cái gì? Vì thế bạn muốn mau khá Anh ngữ bạn cũng nên khai triển óc tò mò của bạn. Điều nầy có lẽ hiển nhiên vì bạn có quá nhiều điều muốn biết, nhiều tư tưởng muốn diễn đạt từ Việt ngữ qua Anh ngữ hay ngược lại. Song song với óc tò mò là óc quan sát: quan sát cách nói, các qui tắc ngữ pháp, cách diễn đạt ý tưởng. Một điều chúng tôi cần cảnh cáo bạn khi học tiếng Anh là chớ có bao giờ tìm cách phiên dịch ý tưởng của bạn từ Việt ngữ sang Anh ngữ vì không những nó làm chậm trễ mức tiến bộ của bạn mà có khi mang bạn đi lệch ra ngoài con đường hiểu biết Anh ngữ là khác. Các chương sau sẽ nói kỹ hơn về vấn đề nầy. Chúng tôi chỉ nhắc lại lần nữa là đừng bao giờ dùng lối phiên dịch để học tiếng Anh. Đây là một cám dỗ thường thấy trong vòng đa số học viên. Điều nầy không có nghĩa là bạn không được dùng Việt ngữ để học tiếng Anh mà chỉ có nghĩa là đừng tìm cách dịch ý tưởng của bạn ra Anh ngữ. Bạn muốn mình là người biết dùng (user) tiếng Anh chứ không phải người dịch (translator) tiếng Anh! Hai kỹ năng nầy khác nhau xa vì vô số người dịch rất giỏi mà lại không nói hay viết được Anh Ngữ. Ngược lại có những người nghe, nói, đọc, và viết tiếng Anh giỏi nhưng không khá về dịch. Bạn muốn mình thuộc vào thành phần thứ hai nầy vì đó là điều bạn cần.
8- Một trở ngại thường nghe là học viên hay phàn nàn rằng người Mỹ nói quá nhanh hoặc phát âm không rõ. Bạn muốn họ nói chậm rãi như giáo sư bạn trong lớp. Thật ra không phải họ nói quá nhanh hay phát âm không rõ mà là vì bạn không nghe kịp đó thôi! Bạn không thể bắt người bản xứ phải nói chậm lại mà chính bạn phải điều chỉnh tốc độ nghe và hiểu của bạn theo tốc độ nói chuyện bình thường của họ. Đó mới gọi là quán thông (mastery) Anh ngữ.

CHƯƠNG 4

Các phương pháp thường dùng

1- Học Anh ngữ có nhiều phương pháp. Nếu bạn đã học qua bậc Trung học ở Việt Nam thì chắc hẳn bạn đã quen thuộc với phương pháp dùng ở học đường: Ngữ pháp và phiên dịch (Grammar-Translation). Đây cũng là một phương pháp thường dùng nhất trên thế giới và cũng là phương pháp cổ điển nhất. Người ta cho rằng biết ngữ pháp (văn phạm) thật nhiều và dịch giỏi là biết Anh ngữ! Nhưng sự thật có đúng như thế không? Bạn đã học theo phương pháp nầy trong nhiều năm mà rốt cuộc kết quả ra sao? Bạn không nghe được, nói được, cũng không viết được một câu tiếng Anh cho ổn. Ngoài ra bạn cũng rất lúng túng khi phiên dịch. Như thế chứng tỏ phương pháp Grammar-Translation không hữu hiệu. Thế nhưng tại sao người ta vẫn còn dùng phương pháp ấy ở nhiều nơi trên thế giới? Có hai lý do tại sao phương pháp nầy vẫn còn đang hiện dụng: Một là vì người ta không biết phương pháp nào tốt hơn và hai là người ta không có các giáo sư được huấn luyện chuyên môn để dạy Anh ngữ.

2- Lưu ý rằng trong phương pháp Grammar-Translation người ta không chú trọng đến nghe (listening) hay nói (speaking), nghĩa là phát âm (pronunciation) không đóng vai trò gì cả. Nghĩa là học viên có thể không nói câu nào suốt cả năm! Có khi học sinh phải làm bài dịch trong các kỳ thi. Đây là một lối trắc nghiệm phản khoa học vì Translation là một kỹ năng riêng biệt mà một số ít người có thôi. Đòi hỏi học sinh phải dịch cho giỏi là đòi hỏi một điều phi lý!

3- Một phương pháp thứ nhì là phương pháp trực tiếp (Direct method). Trong phương pháp nầy học viên được dạy cách ứng dụng trực tiếp dựa theo những nhu cầu hằng ngày: học đường, nhà cửa, công ăn việc làm, du lịch …và học viên thực hành một số câu mẫu dựa vào những nhu cầu ấy. Trong phương pháp nầy học viên buộc phải nói. Ở đây chúng ta gặp một trở ngại khác là trước khi học nói, học viên phải học cách phát âm nhưng trong phương pháp Direct method người ta không dành nhiều thì giờ cho việc phát âm cho nên nhiều học viên có vẻ nói lưu loát, nghĩa là có vẻ thông suốt nhưng phát âm nhiều chỗ sai cho nên người Anh Mỹ không hiểu rõ học viên muốn nói gì.

4- Phương pháp thứ ba là phương pháp thính thị (Audio-visual) nghĩa là học viên vừa nghe, vừa đọc và vừa ghi lại lời nói của mình vào băng học rồi so lại với lối phát âm mẫu của người Anh Mỹ. Phương pháp nầy hơi cải tiến hơn với hai phương pháp trước nhưng vẫn không hữu hiệu lắm. Học viên buộc phải thuộc lòng những cấu trúc thực dụng (pattern drills) để khi cần đến thì đem dùng ngay, không phải suy nghĩ. Nghĩa là học viên phải thuộc một số câu mẫu và biến đổi cho thích nghi theo từng trường hợp. Ở đây chúng ta gặp phải một vấn đề mang nặng tính cách lý thuyết: ngôn ngữ là một thói quen (habit) hay là một tác phong tinh thần (mental behavior). Nếu là thói quen thì học thuộc lòng câu mẫu rất tốt. Nhưng nếu là tác phong tinh thần thì học viên sẽ không biết biến chế câu nói khi gặp những trường hợp bên ngoài các câu mẫu.

5- Phương pháp thứ tư cũng được một số các chương trình huấn luyện Anh ngữ sử dụng. Phương pháp nầy dựa trên lý thuyết của nhà ngữ học Chomsky cho rằng ngôn ngữ là một hoạt động tinh thần (mental activity) chứ không phải là thói quen cho nên không thể dùng lối thuộc lòng câu mẫu hay thực tập các nhóm câu (pattern drills) mà trái lại phải dạy cho học viên biết nguyên tắc cơ bản của ngữ pháp và những biến thể (transformation) của chúng để học viên sử dụng trong mọi trường hợp. Lý thuyết nầy dựa trên một định đề cơ bản là bất cứ ngôn ngữ nào cũng gồm một số qui tắc ngữ pháp nhất định, từ đó có thể biến thiên ra thành vô số câu nói. Một hệ quả của phương pháp nầy là dạy sao cho học viên có thể đủ khả năng truyền thông (communicate) nghĩa là có thể giao tiếp với người bản xứ (native speaker) một cách lưu loát: người ta nói mình hiểu, mình nói người ta hiểu là được rồi. Phương pháp nầy gọi là phương pháp truyền thông (communicative approach).

6- Dù áp dụng phương pháp nào đi nữa trước hết ta phải biết nhu cầu (need) của học viên. Nếu học viên chỉ cần biết nghe và nói để kiếm việc làm thì việc dạy đọc (reading) và viết (writing) không cần thiết lắm. Ngược lại nếu học viên cần phải đọc hiểu (comprehend) và viết như trường hợp các sinh viên theo học ở đại học Mỹ thì việc dạy đọc và viết đóng vai quan trọng hơn. Đa số các chương trình dạy Anh ngữ chú trọng vào 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, và viết. Có được cả 4 kỹ năng nầy rất tốt nhưng cần rất nhiều thời gian. Có những học viên nghe và nói giỏi nhưng không đọc hay viết giỏi. Ngược lại có những học viên đọc và viết giỏi nhưng không nói giỏi. Ít có học viên giỏi cả 4 kỹ năng. Vì thế mà học viên phải tự trau dồi thêm những kỹ năng mình còn yếu kém và đừng ngạc nhiên khi khả năng của mình không theo kịp trình độ của lớp.

7- Trong bất cứ lớp Anh ngữ nào ta cũng thấy có những học viên thuộc nhiều trình độ khác nhau, dù rằng họ được xếp cùng một lớp. Chẳng hạn trong lớp Intermediate (Trung cấp) chúng ta sẽ thấy có những học viên mà kỹ năng nghe hay nói vẫn thuộc trình độ Beginner trong khi kỹ năng đọc và viết đã thuộc trình độ Advanced (Cao cấp). Do đó sự xếp lớp chỉ có tính cách tương đối mà thôi.

CHƯƠNG 5

So sánh việc học ngoại ngữ với việc học tiếng mẹ đẻ

1- Việc học ngoại ngữ có những điểm khác nhau và cũng có những điểm giống nhau so với việc học tiếng mẹ đẻ (mother tongue). Trước hết điểm khác nhau quan trọng là không ai học tiếng mẹ đẻ một cách chính thức (formal). Nghĩa là không ai dạy chúng ta nói tiếng mẹ đẻ cả. Tất cả mọi đứa bé bình thường khi lớn lên khoảng 3-4 tuổi đều nói rành tiếng mẹ đẻ mà không cần ai dạy. Nói chung học tiếng mẹ đẻ không cần phải cố gắng. Nếu chúng ta quan sát một đứa bé học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta sẽ thấy không có ai dạy nó nói. Nó chỉ nghe rồi bắt chước và tự nó suy ra những qui tắc ngữ pháp. Dĩ nhiên lúc đầu nó nói sai hoặc phát âm sai nhưng nó sẽ tự động điều chỉnh lại khi lớn lên. Nghĩa là không có ai làm thầy dạy ngôn ngữ cho nó cả. Nó cũng chẳng cần phải đến lớp để học tiếng mẹ đẻ. Cha mẹ, anh chị em, bạn bè đều là những người không thể dạy ngôn ngữ cho nó được.

2- Các nhà ngữ học đều ngạc nhiên về khả năng hấp thụ ngôn ngữ của trẻ con. Họ nhận thấy rằng một đứa trẻ bình thường (normal child) bất cứ sinh trưởng ở ngôn ngữ nào đều nói thành thạo ngôn ngữ đó ở khoảng 4-5 tuổi. Nghĩa là không có ngôn ngữ nào gọi là “khó” đối với chúng! Đó là một khả năng đặc biệt của trẻ con mà các nhà ngữ học chưa giải thích nổi. Đó cũng là một thành quả mà người lớn ít ai làm được, kể cả các chuyên gia ngữ học! Người ta suy đoán rằng sở dĩ trẻ con hấp thụ ngôn ngữ nhanh như thế là vì trong mỗi con người có một bộ phận mà nhà ngữ học Chomsky gọi là Bộ phận hấp thụ ngôn ngữ (LAD – Language Acquisition Device) vì nếu không có bộ phận nầy thì con người không thể học ngôn ngữ được! Bằng cớ là loài vật không có LAD nên chúng không có ngôn ngữ phát triển như con người. Tuy nhiên LAD chỉ là một giả thuyết để giải thích một hiện tượng đặc thù của loài người. Giả thuyết nầy chưa được kiểm chứng bằng khoa học vì không ai biết nó ra sao và nằm ở đâu trong con người. Người ta tin rằng cũng nhờ LAD mà con người có thể hấp thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên, nhất là tiếng mẹ đẻ. Khả năng nói tiếng mẹ đẻ cũng như khả năng biết đi của con người là một khả năng tự nhiên (natural skill), không cần ai dạy mà cũng không cần phải cố gắng.

3- Ngoài ra người ta tin rằng việc hấp thụ ngôn ngữ (language acquisition) chỉ xảy ra một lần ở trẻ con. Khi chúng lớn lên thì việc học ngôn ngữ trở nên khó khăn hơn, nghĩa là chúng không còn khả năng ‘hấp thụ’(acquiring) nữa mà chỉ còn khả năng ‘học’ (learning) mà thôi. Learning và Acquisition là hai ý niệm khác nhau. Tuy nhiên nếu lúc còn nhỏ, trẻ con được tiếp xúc với 2 hoặc 3 ngôn ngữ mới chẳng hạn như cha mẹ nói hai thứ tiếng khác nhau, hoặc chúng chơi với bạn nói một ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ chúng nói ở nhà thì trẻ con cũng có thể hấp thụ 2 hoặc 3 ngôn ngữ cùng một lúc mà không trở ngại gì. Đây cũng là một bí mật của trẻ con mà khoa học chưa giải thích được.

4- Nhiều nhà ngữ học cho rằng mỗi con người có một giai đoạn thiết yếu (critical period) để học ngoại ngữ. Quá giai đoạn ấy thì việc học ngoại ngữ trở nên khó khăn hơn. Critical period thường là dưới tuổi 12. Tuy nhiên giả thuyết nầy không được nhiều nhà ngữ học chấp nhận. Bạn đừng để giả thuyết Critical Period làm bạn thất vọng vì bạn không có mộng ước nói ngoại ngữ thành thạo như trẻ con nghĩa là bạn không mong hấp thụ (acquire) Anh ngữ mà bạn chỉ muốn học (learn) Anh ngữ mà thôi vì nhu cầu của bạn không nhiều. Vả chăng bạn cũng chẳng cần phải có giọng đọc giống y như người Anh Mỹ mới có thể giao tiếp với họ được vì điều đó không cần thiết.

5- Nói chung thì đa số chúng ta học tiếng mẹ đẻ khi còn nhỏ tuổi và bắt đầu học Anh ngữ hay ngoại ngữ khác khi đã lớn tuổi. Đó là điểm khác biệt thứ nhì nghĩa là bạn phải cố gắng mới học ngoại ngữ được.

6- Dù học tiếng mẹ đẻ hay Anh ngữ bạn cũng phải nắm vững các nguyên tắc về phát âm (pronunciation), nghe (listening), nói (speaking), đọc (reading), và viết (writing). Ngoài ra bạn sẽ nhận thấy điều nầy: tiếng mẹ đẻ có khi cản trở bạn trong việc học Anh ngữ. Hiện tượng nầy bình thường vì trong con người bạn đã sẵn có một hệ thống ngôn ngữ (linguistic system) chi phối lưỡi, các bộ phận phát âm (articulators), chi phối khả năng nghe và cách suy nghĩ của bạn. Cho nên bạn luôn luôn nghĩ đến tiếng mẹ đẻ của mình trước khi học một ngoại ngữ mới. Ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ và chúng ta phải làm sao với tiếng ấy sẽ được bàn kỹ hơn ở một chương sau.

7- Điểm chúng tôi muốn nói ngay với bạn trong chương nầy và sẽ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sách là: học ngoại ngữ không phải là học những sự việc cũ với các nhãn hiệu (label) mới mà là học cách suy nghĩ của người nói ngôn ngữ ấy. Đừng quên rằng mỗi ngôn ngữ có cái nhìn khác nhau và có những lối diễn tả khác nhau về ngoại cảnh.

8- Một giả thuyết khá nổi danh trong khoa ngữ học do hai nhà ngữ học Hoa kỳ Edward Sapir và Benjamin Lee Whorf đưa ra hồi thập niên 40 của thế kỷ 20 vừa qua mang tên Giả thuyết ngôn ngữ tương đối (Linguistic Relativity Hypothesis) hay gọi là giả thuyết Sapir-Whorf. Đại để giả thuyết nầy cho rằng cái nhìn của chúng ta đối với ngoại cảnh bị chi phối bởi ngôn ngữ mà chúng ta nói. Hay nói khác đi: chúng ta thấy ngoại vật qua ngôn ngữ chứ không phải bằng thị giác. Đây là một thuyết khá táo bạo về ngôn ngữ. Giả thuyết nầy giải thích được nhiều trường hợp kỳ lạ trong ngôn ngữ. Chẳng hạn người Tây Phương cho rằng quá khứ ở sau lưng, còn tương lai ở trước mặt. Và trong một thời gian khá lâu mọi người cho rằng lối chia cắt thời gian theo cách nầy là hợp lý nhất. Nhưng gần đây các nhà ngữ học khám phá rằng người Quechua ở Peru, Nam Mỹ cho rằng quá khứ ở trước mặt, còn tương lai ở sau lưng. Bạn không đồng ý? Người Quechua lý luận như sau: Nếu bạn nhắm mắt lại và hồi tưởng lại trong trí thì bạn thấy quá khứ hay tương lai? Bạn phải nhìn nhận rằng bạn chỉ có thể thấy quá khứ thôi, tương lai chưa xảy ra làm sao thấy được? Vì thế người Quechua cho rằng những gì thấy được hay đã xảy ra phải ở trước mặt bạn, còn những gì chưa xảy ra phải ở sau lưng bạn vì bạn không thấy! Lối suy luận nầy hoàn toàn hợp lý. Sự khác biệt giữa ngôn ngữ Tây Phương và người Quechua trong việc chia cắt thời gian ở chỗ người Quechua nhìn thời gian theo nhãn quan (perspective) trong khi người Tây Phương nhìn thời gian qua chuyển động (movement). Cả hai lối diễn tả đều đúng cho mỗi ngôn ngữ.

9- Để hiểu rõ thêm về Giả thuyết Sapir-Whorf vừa nói trên đây thì chúng ta thấy rằng tiếng Anh chỉ có chữ frog để mô tả con cóc, con nhái, con ễnh ương, con chàng hiu…nghĩa là họ xếp chúng vào một loại (category) gọi là ‘frog.’ Trong tiếng Việt chúng ta lại không có từ ngữ nào tương đương. Cho nên khi người Mỹ nói ‘I saw a frog at the front door’ thì chúng ta không hiểu họ muốn nói đến con cóc, con nhái hay con ễnh ương…Nhưng điều đó không quan trọng đối với họ. Ngược lại người Việt chúng ta sẽ không hiểu được mà phải nói rõ ‘Tôi thấy con cóc (hay ễnh ương) nơi cửa trước.’ Cũng như tiếng Việt ta không có từ ngữ để chỉ chung ‘brother’ hay ‘sister’ mà phải nói rõ là ‘anh’ ‘em’ hay ‘chị.’ Nghĩa là khi chúng ta nhìn vào liên hệ gia đình thì chúng ta không nhìn theo mối liên hệ chung mà là liên hệ cá biệt (specific) cho từng người. Lý do là đối với chúng ta ngôi thứ rất quan trọng trong gia đình trong khi người Anh Mỹ không cho đó là quan trọng. Nếu muốn nói rõ thì họ có thể dùng ‘older brother’ (anh) hay ‘younger sister’ (em gái), nhưng ít khi nào họ dùng như thế.

10- Đến đây chắc bạn đã rõ tại sao học ngoại ngữ là học cách suy nghĩ hay học cách nhìn ngoại vật của người nói ngôn ngữ ấy. Mỗi một ngôn ngữ có cái nhìn khác nhau cho nên chúng ta phải đi sâu vào ngôn ngữ để hiểu rõ cách nói chuyện của họ. Vì lý do đó mà bạn sẽ thấy có những ý niệm, hình ảnh trong Việt ngữ không thể nào diễn tả qua Anh ngữ được và ngược lại có những ý niệm và hình ảnh trong Anh ngữ mà không cách nào diễn tả qua Việt ngữ được. Điều nầy không có nghĩa là bạn không thể diễn tả tư tưởng của bạn bằng Anh ngữ hay không hiểu được tư tưởng của người Anh Mỹ! Kể từ khi nhân loại có ngôn ngữ thì việc giao tiếp giữa hai hoặc ba ngôn ngữ khác nhau diễn ra thường xuyên.

11- Để kết luận chương nầy chúng ta có thể nói rằng: học tiếng mẹ đẻ không phải cố gắng gì và cũng không khó nhọc gì vì hầu như ai lớn lên, nếu là người bình thường cũng thành thạo được ít nhất là MỘT ngôn ngữ. Ngược lại khi học ngoại ngữ thì chúng ta không có cái may mắn ấy, trái lại phải cố gắng rất nhiều, không phải để ‘biết’ ngôn ngữ mới mà để ‘thắng’ tiếng mẹ đẻ, không cho nó cản đường tiến của mình! Ngoài ra đừng quên rằng mỗi khi dùng tiếng Việt là chúng ta chọn lựa, sử dụng những hình ảnh qua ngôn ngữ Việt trong khi dùng tiếng Anh thì chúng ta phải cố gắng chọn lựa và sử dụng theo cái nhìn của người Anh Mỹ đối với ngoại cảnh!

 
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com