Cẩm nang vô cùng cần thiết cho các học sinh, sinh viên, chuyên viên, giáo chức… Việt-Nam muốn du học và thành công tại Hoa-kỳ.

Thủ tục xin học
Trường nào tốt?
Chọn ngành nào?
Làm thế nào để được nhận học?
Phương pháp học
Phương pháp làm bài thi
Xin học các trường chuyên môn
Cách xin việc sau khi tốt nghiệp…

Phạm Quang Tâm
MBA, MA (TESOL)
2003
Mục Lục

Lời nói đầu cho các ứng sinh Việt-Nam muốn du học tại Hoa kỳ

1 Chuẩn bị vào Đại Học Mỹ
2 Cơ cấu và tổ chức Đại học Mỹ (radio, police, newspapers, stadium…)
3 Khác nhau giữa College và University. Khác nhau giữa Teaching U và Research U
4 Đại Học 2 năm và Đại học 4 năm
5 Một vài chữ tắt thường dùng chỉ bằng cấp và từ ngữ trong đại học Mỹ
6 Đại Học công, Đại học tư và cách lượng giá trường Đại học (xem notes)
7 Ivy League là gì?
8 Big Ten là gì?
9 Các trường chuyên môn
10 Chế độ tín chỉ, GPA và lục cá nguyệt. Honor system là gì?
11 Cơ cấu học bậc cử nhân (undergraduate). Một vài học trình tiêu biểu
12 Vai trò của Advisor và Counselor
13 Các ngạch trật và lương bổng giáo sư – Tenure là gì?
14 Việc chọn trường và đánh giá trường: Catalogue, facility, sinh viên, ngành học, ban giảng huấn, gần thành phố hay ngoại ô…
15 Cách chọn môn học và chọn giáo sư. Thầy giỏi, dở, course evaluations
16 Drop, Add, Incomplete và Withdrawal — Lúc nào thì nên “drop” môn học để giữ GPA của bạn?
17 Nếu bạn không ghi danh được môn bạn muốn học
18 Vấn đề chuyển trường (Transfer)
19 Tầm quan trọng của điểm TOEFL
20 Các văn kiện cần thiết để nộp hồ sơ
21 Những chi phí đại học: học phí, textbooks, fees (Mua used texts, used clothes, used computers…)
22 Các kỳ thi quan trọng để trắc nghiệm ứng sinh
23 Các ngành học chính (major) và các ngành chuyên khoa
24 Đời sống đại học Mỹ và những khủng hoảng về văn hoá ảnh hưởng đến việc học
25 Phong tục và tập quán Mỹ liên quan đến việc học
26 Cách giảng bài của giáo sư Mỹ
27 Cách học trong lớp
28 Phương pháp học: Ở lớp (lấy notes, ghi âm..) ở nhà, cách cư xử với giáo sư và các bạn đồng lớp, ask questions,
29 Sử dụng thư viện
30 Nếu bạn gặp trở ngại khi học
31 Gặp giáo sư ngoài giờ học – Office hours
32 Những cám dỗ nên tránh ở Đại Học Mỹ
33 Vai trò của máy vi tính (computer) trong việc học
34 Cách làm bài thi ở Đại Học Mỹ: Multiple-choice, Questions-Answers, Essay-type…
35 Nếu bạn gặp trở ngại trong việc học – Nếu bạn bị D hay F trong các bài thi thì sao?
36 Trau dồi Anh ngữ đang khi theo học
37 Vấn đề xin tài trợ (financial assistance) và học bổng
38 TA (Teaching Assistant) và RA (Research Assistant)
39 Nên ở Dorm hay ở ngoài? Chọn roommate ra sao? Dorm life and sex life.
40 Vấn đề giao tế xã hội đang khi theo học ở Đại Học
41 Đời sống bên Mỹ – Tâm lý người Mỹ
42 Đời sống tôn giáo trong Đại Học Mỹ
43 Vấn đề kỳ thị của giáo sư (discrimination)
44 Cách làm Research Paper
45 Xin nhập học các trường Cao Học (*) (Graduate School) và trường chuyên môn
46 Bậc Cao Học (Master) và tiến sĩ (Ph.D.)
47 Cách viết Essay cho bậc Cử nhân và Cao Học.
48 Điều kiện nhập học của một vài trường chuyên môn: Medical School, Business, Engineering, Law…
49 Điểm thi, GPA, thư giới thiệu của giáo sư và các yếu tố quan trọng khác
50 Xin việc sau khi tốt nghiệp
Lời nhắn nhủ sau cùng

Phụ Lục (Appendix)

A1 Vài bài thi mẫu: TOEFL, ACT, SAT, GRE, GMAT, MCAT, LSAT…
A2 Một số đại học nổi tiếng cho từng ngành (Bậc Cao Học)
A3 Một số từ ngữ thường dùng hàng ngày trong Đại Học Mỹ: TA, RA
A4 Một số ngữ vựng thường dùng trong các môn học ở Đại học Mỹ
A5 Một số ngữ vựng thường dùng trong cuộc sống hàng ngày tại Mỹ
A6 Một số bài đàm thoại thường dùng hàng ngày trong Đại học Mỹ
A7 Mẫu đơn xin nhập học
A8 Một vài bài Essay mẫu
A9 Nhìn tổng quát về một vài trường đại học tiêu biểu của Mỹ
A10 Phương pháp học Anh Ngữ (sơ lược)
A11 Cách xin việc, phỏng vấn và làm việc tại các công ty Hoa kỳ
A12 Nếu bạn muốn biết thêm hay cần liên lạc với tác giả cẩm nang nầy

Lời nói đầu
cho các sinh viên Việt-Nam muốn du học tại Hoa kỳ

Bạn thân mến,
Du học Hoa kỳ là mộng ước của bạn đồng thời cũng là mộng ước của hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên trên khắp thế giới. Mỗi năm đại học Mỹ nhận mấy mươi ngàn sinh viên ngoại quốc theo học thuộc đủ mọi ngành. Hầu như đại học Mỹ nào cũng có sinh viên ngoại quốc theo học. Bạn hi vọng bạn sẽ là một trong những người may mắn đó. Tuy nhiên nhiều sinh viên học sinh rất có khả năng về học vấn và tài chánh nhưng vẫn không được nhận học. Hoặc sau khi đã được nhận học rồi phải “bơi” rất vất vả hay gặp thất bại, không theo nổi các “cua” ở trường, rốt cuộc phải bỏ học. Thật đáng tiếc. Quan sát sự thành công và thất bại của các du học sinh Việt-Nam tại Mỹ trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy phần lớn các thất bại là do sinh viên không biết cách học, cách chọn môn học, chọn giáo sư hay không thấy triệu chứng mình đang gặp trở ngại. Đa số những thất bại ấy đều có thể tránh được. Cẩm nang nầy sẽ giúp bạn khỏi làm ‘nạn nhân’ của những thất bại đó. Thật ra, nếu hiểu biết cơ cấu và phương pháp học thì Đại Học Mỹ sẽ là một cửa lớn đầy cơ hội mở ra cho bạn tiến thân, với một tương lai rực rỡ dù cho bạn ở lại Hoa-kỳ làm việc hay trở về quê hương để phục vụ xứ sở.

Tục ngữ ta có câu ‘Học thầy không tày học bạn.’ Tác giả đã từng là sinh viên đại học ở Việt-Nam và cũng đã là sinh viên đại học Mỹ nên có thể chia xẻ với bạn những kinh nghiệm thực tế của chính mình dưới cái nhìn của một sinh viên vào cả hai nền giáo dục. Tác giả đã may mắn tốt nghiệp Đại Học tại Việt Nam với hai văn bằng cử nhân (Giáo Khoa Anh Văn và Kinh Tế) nên khá am tường lối học ở Việt-Nam, đồng thời cũng đã tốt nghiệp Đại Học Mỹ với hai văn bằng Cao học (Master) nên khá rõ về lối học trong đại học Mỹ. Ngoài ra tác giả cũng đã từng làm việc cho các công ty lớn ở Hoa kỳ trong nhiều năm với tư cách chuyên viên nên tự nghĩ những kinh nghiệm nhỏ nhoi của mình có thể giúp phần nào cho các học sinh, sinh viên, giáo chức…Việt-Nam trước và trong khi đang theo học tại Hoa kỳ hay khi đi xin việc.
Những hướng dẫn trong cẩm nang nầy có tính cách thực tế nhằm mục đích giúp bạn mau thành công, đỡ tốn kém tiền của, thì giờ và tránh trở ngại dọc đường.

Cách đây hơn 20 năm, tác giả mong mỏi có một tài liệu như thế nầy để hướng dẫn mình trước khi bước chân vào đại học Mỹ. Ngày nay các bạn may mắn nhiều hơn tác giả khi cầm quyển cẩm nang nầy trong tay. Hi vọng của tác giả là được góp phần nho nhỏ vào việc giúp đỡ thế hệ trẻ tiến thân nhanh chóng và tránh gặp trục trặc khi xa nhà. Được như thế tác giả rất lấy làm mãn nguyện vì đã làm một việc hữu dụng của một “Việt kiều hải ngoại,” người may mắn đi trước chia xẻ kinh nghiệm và dọn đường cho bạn.

Người Hoa kỳ thường bảo, “Học vấn phải đưa đến khả năng góp phần vào việc cải tiến xã hội” (Education must lead to the ability to improve society.) Dù tốt nghiệp với ngành chuyên môn gì đi nữa, mong rằng bạn sẽ dùng khả năng của mình để góp phần vào việc cải tiến xã hội Việt-Nam, một quốc gia có rất nhiều tiềm năng.

Không một quyển sách nào là do công trình của một cá nhân. Ngoài kinh nghiệm bản thân, tác giả đã có dịp tham khảo các sách vở về đại học Mỹ, trao đổi ý kiến với các sinh viên Việt-Nam theo học các ngành tại Hoa-kỳ và các giáo sư Mỹ đang dạy đại học lớn. Tác giả cũng đã hân hạnh dạy ở các đại học công và tư của Mỹ với tư cách TA (Teaching Assistant) và Giáo sư trong nhiều năm nên có được cái nhìn của giáo sư đối với sinh viên, nhất là sinh viên ngoại quốc. Hiền thê của tác giả là người lúc nào cũng sát cánh khuyến khích, nâng đỡ và ủng hộ trong mọi cách dấn thân của tác giả. Tất cả những người đó đã góp phần rất lớn trong việc hoàn thành quyển sách nầy. Tác giả tin rằng không có một sự tri ân nào quí hơn đối với họ khi biết các bạn là người dùng cẩm nang nầy cảm thấy sung sướng như tìm được một bạn đồng hành đáng tin và nhiệt thành, sát cánh giúp bạn thành công trên đường du học tại Mỹ.
Chúc bạn may mắn trên con đường xây dựng tương lai.

Hoa kỳ, mùa xuân 2003
Tác giả

Phạm Quang Tâm

 

 

1- Chuẩn bị vào Đại Học Mỹ

Du học Mỹ, một câu nói và một cơ hội mà các học sinh, sinh viên trên toàn thế giới đều mơ ước. Khi cầm trong tay giấy báo du học, vé phi cơ và hộ chiếu có đóng dấu của Toà Đại Sứ Mỹ cho phép lên đường sang Hoa kỳ, bạn cũng như gia đình cảm thấy sung sướng và hãnh diện vì bạn xem như vượt qua bước gay go thứ nhất trong việc xây dựng một tương lai rực rỡ. Bạn tự cho mình thuộc một thành phần thiểu số ưu tú được chọn lọc. Tuy nhiên, bạn vừa mừng lại vừa lo vì đó chỉ là bước đầu, bạn còn phải trải qua nhiều bước vất vả khác nữa trước khi cầm trong tay văn bằng B.A., B.S., M.A., M.S, M.D. hay Ph.D.

Những cố gắng của bạn và hi sinh của gia đình đều quy vào một sự tin tưởng mãnh liệt của đại đa số quần chúng là: bằng cấp của Mỹ được cả thế giới công nhận! Nếu không thì tại sao hằng năm có cả trăm ngàn sinh viên ngoại quốc xin du học Mỹ tuy rằng tiền học ở Mỹ rất đắt so với các nước khác? Thật thế, nếu bạn muốn xin việc làm bên Mỹ hay một công ty Mỹ thì điều kiện đầu tiên là bạn phải có mảnh bằng do một đại học Mỹ cấp thì họ mới cứu xét. Dù rằng bạn có cử nhân, Cao học hoặc tiến sĩ bên Pháp hay Liên-xô đi nữa, bạn sẽ ngạc nhiên khi họ không ngó ngàng đến bạn và bảo bạn ‘đi chỗ khác chơi.’ Ngoài Mỹ ra, các công ty và đại học Hoa kỳ chỉ trọng bằng cấp của Anh, Đức, Nhật mà thôi. Ngoại trừ bạn là một Albert Einstein thì không kể (nhà bác học Einstein có bằng cấp bên Đức!)

Nếu bạn đang chuẩn bị xin du học Mỹ thì bạn sẽ nghĩ: Trong số hơn 3.200 trường* đại học trên đất Mỹ, chẳng lẽ không có trường nào nhận mình? Câu hỏi nầy rất chính đáng nhưng rất khó trả lời. Dĩ nhiên sẽ có trường bằng lòng nhận bạn nhưng bạn phải biết đó là trường nào vì bạn không thể gởi đơn xin học cho tất cả 2.500 trường!

Hằng năm số ứng sinh khắp thế giới xin sang du học Hoa kỳ lên đến hàng trăm ngàn, tuy nhiên chỉ có một số rất ít ứng sinh được nhận học mà thôi. Tại sao? Không đủ khả năng hay không đủ tiền? Có khi là một hoặc cả hai lý do trên đây. Tuy nhiên, khá đông ứng sinh được sang Mỹ du học rồi theo không nổi, phải bỏ cuộc. Đây là một hiện tượng đáng buồn nhưng có thật. Tại sao? Có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính yếu là không đủ khả năng Anh Ngữ, thứ hai là chọn sai ngành học, thứ ba là không biết cách học, thứ tư mà ít người biết đến là bị quá nhiều cám dỗ lôi cuốn ở trong cũng như ngoài khuôn viên đại học, còn một lý do thứ năm cũng không kém quan trọng là không biết thích ứng với khung cảnh và văn hoá Mỹ.

Bạn mong rằng khi bước chân xuống phi cơ trở về quê hương sau thời gian du học bạn sẽ mang niềm kiêu hãnh cho gia đình, cho chính mình vì bạn đã thành công và cầm trong tay một bằng cấp của đại học Mỹ cấp. Và có lẽ bạn cũng thích nghe hàng xóm láng giềng bảo rằng, “Anh A. hay chị B. tốt nghiệp ở Mỹ về đấy.” Với mảnh bằng do đại học Mỹ cấp, bạn cảm thấy người ta không xem thường bạn nữa mà ai cũng phải “nể” bạn. Tuy nhiên con đường thành công còn dài và còn nhiều chông gai, thử thách nhưng không phải là không vượt qua được nếu bạn nhận được hướng dẫn đầy đủ.

Cẩm nang nầy sẽ giúp bạn có một cái nhìn sáng suốt và khôn ngoan hơn, nghĩa là chuẩn bị cho các bạn kỹ càng hơn, nhất là về mặt tinh thần và trí tuệ trước khi bạn bước chân lên phi cơ sang Mỹ để giúp các bạn tự tin, đỡ bỡ ngỡ, lúng túng hơn khi bước vào khuôn viên của một đại học Hoa kỳ.

Nên nhớ rằng rằng về mặt khoa học, kỹ thuật, y khoa, dược khoa và nhiều ngành khác, Hoa-kỳ hiện đứng đầu thế giới cho nên khi đặt chân đến Mỹ là bạn đặt chân đến một vùng đất lạ, khác hẳn quê nhà.

Đừng bao giờ nghĩ rằng vì có cả triệu người Việt hiện đang sống ở Mỹ nên có lẽ bạn sẽ không bỡ ngỡ. Nếu bạn có quan niệm ấy thì bạn sẽ gặp ngạc nhiên lớn khi bước vào khuôn viên đại học Mỹ. Có nhiều lý do:

Thứ nhất vì nước Mỹ là một quốc gia vô cùng rộng lớn (gần 30 lần diện tích Việt-Nam, dân số khoảng 280 triệu), cho nên con số 1 triệu người Việt chỉ là một giọt nước trong tổng số dân hiện đang sống ở Bắc Mỹ. Đa số người Việt ở Hoa kỳ đều sống tập trung ở một vài tiểu bang như California, Texas, Illinois, New York…Tại một số tiểu bang vừa nói, chẳng hạn California mà diện tích rộng hơn diện tích toàn cõi Việt-Nam (tiểu bang Texas rộng hơn nước Pháp!), người Việt thường chỉ sống tụ tập ở một vài thành phố lớn mà thôi. Đừng quên rằng Hoa kỳ có đến 50 tiểu bang cho nên chưa chắc gì trong thời gian du học bạn sẽ gặp người Việt nào.
Thứ hai là vì xã hội Mỹ là một xã hội văn minh và rất phức tạp, gồm nhiều ngôn ngữ, văn hoá và giống dân khắp nơi trên thế giới. Cuộc sống xứ Mỹ cũng phức tạp không kém vì xã hội Mỹ là một xã hội động (dynamic) chứ không phải xã hội tĩnh (static) như nhiều nước Á đông. Bạn không thể đứng yên một chỗ mà hầu như lúc nào cũng hấp tấp vội vã, không có thì giờ để nghỉ ngơi.
Thứ ba là hầu hết các đại học thường nằm ở các thành phố nhỏ hay trung bình, ít có người Việt sinh sống vì thế đôi khi bạn cảm thấy lẻ loi, cô đơn. Nhưng không sao, bạn qua Mỹ để du học chứ không phải để gặp người Việt! Thường thường bạn chỉ gặp đồng hương người Việt nếu trong thời gian nghỉ hè bạn đến thăm các thành phố có Việt kiều sinh sống.
Thứ tư là cuộc sống của sinh viên ngoại quốc ở đại học Mỹ khá bận rộn vì một mình phải tự lo lấy nhiều việc, không phải như sinh viên Mỹ có gia đình và thân nhân bên cạnh. Danh từ “xứ lạ quê người” áp dụng rất đúng cho bạn.

Như thế bạn thấy điều quan trọng trước khi đặt chân lên xứ Mỹ để du học là chuẩn bị cho thật chu đáo về nhiều phương diện.

 

Chuẩn bị du học Mỹ từ lúc nào và chuẩn bị như thế nào?

Nếu bạn có dự định du học Hoa kỳ thì bạn phải chuẩn bị sớm. Có ba loại chuẩn bị: Học vấn, tinh thần và thái độ.

1. Chuẩn bị học vấn: Bạn phải học Anh-Ngữ cho khá. Nếu có thì giờ chuẩn bị trước 4-5 năm hay hơn nữa là tốt nhất. Thời gian nầy đủ dài để bạn trau dồi vốn Anh văn đồng thời suy nghĩ đến ngành mình định học để chuẩn bị các môn học từ bên nhà. Bạn không nên quan niệm rằng mình chỉ nhất quyết theo một ngành, chẳng hạn kỹ sư (engineering), không được thì thôi mà phải uyển chuyển một tí trong vấn đề chọn ngành. Điều quan trọng là làm thế nào đặt chân sang đất Mỹ trước, sau đó sẽ quyết định chọn ngành mình ưa thích. Thường thường bạn phải vào học một thời gian rồi mới biết mình có thích ngành đó hoặc ngành ấy có hợp với khả năng mình hay không. Dĩ nhiên vì nhu cầu xứ sở có những ngành có thể dễ đi du học hơn ngành khác.

Theo ý chúng tôi, dù muốn theo học ngành gì đi nữa bạn phải rất khá Anh Ngữ mới mong được các đại học Mỹ cứu xét. Và dù cho học Anh Ngữ ở Việt-Nam bao nhiêu năm đi nữa, khi đặt chân lên đất Mỹ bạn sẽ vẫn thấy ‘chưa đủ.’ Dĩ nhiên nếu bạn muốn theo đuổi các ngành có tính cách khoa học như vật lý, hóa học, y khoa, kỹ sư…thì bạn phải chuẩn bị thật kỹ các môn học thuộc những lãnh vực nầy ở bậc trung học. Các đại học Mỹ khá chọn lọc (selective) sinh viên. Dù rằng bạn có tiền đi nữa không phải họ nhận bừa bãi đâu mặc dù sinh viên ngoại quốc là một nguồn lợi tức lớn cho các đại học vì đa số các sinh viên nầy phải trả nguyên học phí và các chi phí khác, không như các sinh viên Mỹ được chính phủ tiểu bang hay liên bang tài trợ! Nói chung thì tiêu chuẩn nhận học dành cho sinh viên ngoại quốc (foreign student) khá cao và gay go hơn tiêu chuẩn nhận sinh viên bản xứ rất nhiều nhất là đối với các trường công (state university) mà chúng ta sẽ nói đến sau. Tuy nhiên họ cũng có những chỗ ‘châm chước’ cho các sinh viên ngoại quốc khi cứu xét đơn vì họ biết không có hệ thống giáo dục nào ‘tương đương’ hay ‘giống hệt’ với hệ thống giáo dục Mỹ. Ngay cả hệ thống giáo dục Anh quốc cũng khác hệ thống giáo dục Mỹ rất nhiều.

2. Chuẩn bị tinh thần: Ngoài việc trau dồi Anh ngữ và các môn học chuẩn bị cho ngành của bạn, một yếu tố khác khá quan trọng mà ứng sinh Việt Nam ít chú trọng hay khiếm khuyết: tinh thần tự lập. Ở quê nhà, gần gia đình, đôi khi các ứng sinh thiếu tinh thần tự lập và tự chủ. Sang đến Mỹ, tinh thần tự lập rất quan trọng. Dù muốn dù không, nếu bạn thuộc vào loại hay nhờ vả cha mẹ hay gia đình thì bạn sẽ cảm thấy lo âu và chán nản khi quanh mình toàn người lạ, không ai lo cho mình hoặc nghĩ đến mình. Bạn đâm ra tự cô lập. Thái độ nầy rất tai hại. Ở một thời gian bên Mỹ bạn sẽ thấy người Mỹ rất tôn trọng tự do và tính cách riêng tư (privacy) cá nhân nên đôi khi ta có cảm tưởng họ mang tinh thần “sống chết mặc bây” không ai để ý đến ai nên bạn cảm thấy bị bỏ rơi về mặt tinh thần hay tình cảm.

Một nhận xét khác mà chúng tôi nhận xét là ở quê nhà đa số sinh viên đều thuộc loại sinh viên thuần túy (pure students) nghĩa là chỉ biết học toàn thời gian mà thôi, không làm việc gì khác, trong khi tại Mỹ đa số sinh viên đều vừa làm vừa học cho nên họ phải biết quản trị thì giờ và tiền bạc rất khéo nếu không sẽ không thể nào đủ tiền theo học mà cũng chẳng có thể tốt nghiệp được.

3. Chuẩn bị thái độ: Ngoài ra, một điều bạn cần nhớ là bên Mỹ không có công việc nào gọi là “thấp kém” cũng không có job nào gọi là “nhục” cả. Bạn sẽ thấy các sinh viên Cao học hay kỹ sư ngoài giờ học đi rửa chén, hoặc lau nhà để kiếm tiền thêm. Đây là một sửng sốt lớn cho hầu hết các sinh viên Việt Nam vì chúng ta lớn lên trong một xã hội ‘trọng văn’ và xem thường nghề tay chân. (Phải chăng vì thế mà hầu hết gia đình Việt-Nam đều muốn con em mình làm ‘thầy’ không thích cho chúng làm ‘thợ’ vì nghĩ rằng như thế thấp kém, không xứng với phẩm cách của con em và gia thế mình?) Sinh viên Mỹ nghĩ khác: Họ không cho nghề rửa chén hay lau nhà là “nhục” vì họ biết họ sẽ không phải làm những việc ấy suốt đời và chỉ tạm thời trong khi đi học thôi. Thái độ của họ là “nghề gì lương thiện kiếm ra tiền là được, không có gì xấu hổ.” Với thái độ đó, sinh viên Mỹ rất hãnh diện đã tự tài trợ tiền học cho mình mà không nhờ đến gia đình. Chúng ta có thể nói rằng khoảng 80% sinh viên Mỹ đều tự kiếm tiền một phần để trả chi phí học vấn đại học cho mình. Câu ngạn ngữ Tây Phương, “không có nghề nào xấu, chỉ có người xấu” áp dụng rất đúng ở Mỹ. Ngoài ra với tinh thần tự lập đo, họ rất quí giá trị đồng tiền và những cố gắng cá nhân mà chính họ làm được trong khi đi học. Yếu tố nầy rất quan trọng trong bản tóm lược tiểu sử (résumé) khi đi xin việc vì chủ nhân sẽ nhận thấy sinh viên biết chiến đấu cho việc học và biết quản trị thì giờ, nghĩa là sinh viên ấy có triển vọng là một nhân viên khá so với những sinh viên chưa từng đi làm, dù rằng làm bán thời gian đi nữa.

Lưu ý rằng trong chương nầy chúng tôi không đề cập đến vấn đề chuẩn bị tài chánh vì tài lực mỗi gia đình mỗi khác, không thể bảo gia đình bạn phải chuẩn bị như thế nào nhưng ít ra trong thời gian 4-5 năm trước khi du học Mỹ bạn cũng có một ý niệm và ước tính về nhu cầu tài chánh tối thiểu trước khi xin du học! Dù rằng bạn giàu hay nghèo, bạn cũng hi vọng nhận được học bổng do đại học Mỹ cấp để đỡ gánh nặng cho gia đình. Trong một chương khác chúng tôi sẽ bàn kỹ hơn về vấn đề nầy.

 

2. Cơ cấu và tổ chức Đại Học Mỹ

Đa số các đại học Mỹ đều tập trung về một nơi gọi là campus (khuôn viên đại học hay học khu) ngoại trừ một số ít các đại học nằm ở các thành phố lớn mà campus rải rác ra nhiều nơi. Đại học nằm ở các thành phố lớn thì gọi là ‘urban campus.’ Về sĩ số sinh viên thì có thể thay đổi từ những đại học nhỏ với vài trăm sinh viên cho đến các đại học lớn với cả trăm ngàn sinh viên như hệ thống State University of New York and University of California, University of Wisconsin…Những đại học nầy gọi là ‘mega university’ (đại học khổng lồ) có một campus chính (main campus) và các campus vùng (regional campus) rải rác ở các thành phố khác nhau trong tiểu bang. Mỗi regional campus hầu như là một trường đại học biệt lập, có viện trưởng (president), ban giảng huấn và các trường chuyên môn riêng nhưng tất cả đều trực thuộc vào một hệ thống chung của State University. Thường thường thì ban giảng huấn ở campus chính xuất sắc và đông hơn ban giảng huấn các regional campus. Hầu hết các mega university là các đại học công (state university).
Điều cần biết về regional campus: Vì regional campus thường nhỏ hơn campus chính và có ít ngành học hơn cho nên đôi khi về phẩm chất nhiều khi regional campus không bằng main campus. Nếu một đại học khổng lồ có nhiều regional campus thì khi tốt nghiệp, bằng cấp của sinh viên sẽ ghi rõ tốt nghiệp ở campus nào vì đôi khi điều kiện tuyển chọn sinh viên vào regional campus dễ dàng hơn vào campus chính. Vì thế đôi khi tốt nghiệp ở một mega univesity người ta thường hỏi thêm ‘tốt nghiệp ở campus nào?’ để phân biệt và đánh giá.

Đại cương về cơ cấu tổ chức đại học Mỹ

Các đại học Mỹ hầu như là một đơn vị hành chánh biệt lập với thành phố mà đại học ấy tọa lạc. Nghĩa là đại học có đài phát thanh (hoặc đài truyền hình) và nhật báo riêng*, đại học có đội an ninh và cảnh sát riêng, và có khi có bệnh viện riêng nữa! Đa số đại học đều có học xá (dormitory, gọi tắt là ‘dorm’) cho sinh viên cư ngụ. Vì số phòng của các dorm có giới hạn mà số sinh viên xin ở dorm rất đông nên nhiều sinh viên phải thuê phòng trọ ở ngoài. Nếu đại học có campus quá rộng thì sẽ có xe buýt đưa đón sinh viên đi học từ học xá (dorm) hay từ college nầy qua college khác. Các xe buýt nầy chở sinh viên miễn phí và cứ khoảng 10 hoặc 15 phút thì có một chuyến chạy từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều, có khi đến 11 giờ đêm! Tài xế xe buýt thường là nam nữ sinh viên (yes, rất nhiều nữ sinh viên làm tài xế xe buýt!) làm việc bán thời gian (part time) để kiếm thêm tiền tiêu hay trả học phí. Ngoài ra đại học nào cũng có ít nhất là một thư viện chính (main library). Ngoài thư viện chính, các trường chuyên môn như kỹ sư, y, dược, luật….còn có các thư viện riêng cho các trường ấy.

Đứng đầu đại học là viện trưởng (president) rồi đến các phó viện trưởng đặc trách tài chánh, hành chánh, sinh viên vụ, đặc trách nghiên cứu (research), sau đó là các khoa trưởng (dean) của các ban hoặc trường chuyên môn như khoa trưởng trường nghệ thuật tự do (liberal arts college), khoa trưởng trường kinh doanh (college of business), khoa trưởng y khoa (college of medicine)…Dưới nữa là các trưởng ban (department head hay chair) chẳng hạn trường kinh doanh thì có trưởng ban ngành tài chánh (finance department), ngành tiếp thị (marketing department), ngành quản trị (management)…Tùy trường nhỏ hay lớn con số phó viện trưởng, khoa trưởng hay trưởng ban thay đổi ít hay nhiều. Ở những trường đại học lớn có thể có đến hơn 10 phó viện trưởng, vài chục khoa trưởng và hàng trăm trưởng ban. Các trưởng ban trực thuộc khoa trưởng trường mình. Khoa trưởng trực thuộc viện trưởng. Những trường đại học lớn (loại cấp bằng Master và Ph.D.) thì còn có khoa trưởng của Graduate School (Trường Cao Học). Graduate School không hẳn là một trường có cơ sở hẳn hoi mà chỉ là một tổ chức hành chánh quản trị tất cả các trường chuyên môn (college) cấp bằng Master trở lên. Khoa trưởng của các trường chuyên môn (college dean) trực thuộc cả viện trưởng đại học lẫn khoa trưởng Graduate School.

Bên trên mỗi đại học có một hội đồng quản thác (Board of Trustees) lo hoạch định hướng đi và kiếm tài chánh cho trường. Nhân viên của Board of Trustees thường là các doanh gia, học giả, công dân có uy tín trong cộng đồng hay tiểu bang. Board có nhiệm vụ tuyển mộ viện trưởng, cũng có khi tuyển mộ các khoa trưởng.

Ngoài ra, một đặc điểm khác của tất cả các đại học Mỹ là dân chúng và sinh viên rất chuộng và say mê thể thao (sports) cho nên campus nào cũng có ít nhất là một vận động trường (stadium) khá lớn hay các thao trường (athletic field) để các đội thể dục như football (túc cầu Mỹ) của các đại học giao đấu với nhau. Ngoài ra hầu hết các đại học đều có các phòng tập thể dục (gym) trang bị đầy đủ để sinh viên luyện tập.

Thường về mùa thu, lúc các đại học khai giảng (khoảng đầu tháng 9) cho đến cuối tháng 11 là mùa túc cầu sôi động nhất. Đến mùa đông không chơi ở ngoài trời được vì quá lạnh thì tiếp tục chơi môn bóng rổ (basket ball) trong nhà. Các ông bầu (coach) football và basket ball của các đại học lớn thường lãnh lương rất cao, có khi nhiều hơn cả lương viện trưởng nữa vì football và basket ball là hai nguồn lợi tức khá lớn của đại học*. Tuy nhiên các sinh viên cầu thủ túc cầu (football player) hay bóng rổ thì không được ăn lương. Họ chỉ được học bổng để vừa theo học vừa đấu cho trường. Đến khi tốt nghiệp, nếu họ được tuyển vào các đội túc cầu chuyên nghiệp (professional league) bên ngoài đại học thì họ lãnh lương khá cao, có khi đến mấy trăm ngàn hay cả triệu đô la mỗi năm.

Đại học lớn, đại học nhỏ

Thông thường khi ta đề cập đến đại học lớn (big university) hay đại học nhỏ (small university) là người ta nghĩ ngay đến sĩ số sinh viên (total enrollment). Nói chung thì đại học khoảng 1 ngàn sinh viên trở xuống gọi là đại học nhỏ, từ 2 ngàn đến 7 ngàn là đại học trung (medium size), từ 7 ngàn đến 15 ngàn trở là đại học lớn, và từ 15 ngàn trở lên đến 4-50 ngàn sinh viên thuộc loại đại học khổng lồ (mega-university). Từ ngữ ‘lớn’, ‘nhỏ’ hay ‘khổng lồ’ không liên hệ gì đến phẩm chất của trường đại học vì còn nhiều yếu tố khác định giá phẩm chất ấy vì có một số trường nhỏ như California Institute of Technology (Caltech) chẳng hạn với khoảng hơn 1.000 sinh viên là một học viện kỹ thuật nổi tiếng khắp thế giới (các chương trình du hành không gian hầu hết đều do Jet Propulsion Laboratory của Caltech điều hành và quản trị), ngang ngửa với MIT (Massachusetts Institute of Technology) trong khi một đại học lớn cỡ State University of New York (SUNY) với hơn 70.000 sinh viên lại không nổi tiếng bằng. Ngược lại một số đại học công cỡ lớn khác như hệ thống University of California, University of Michigan…lại khá danh tiếng. Như trên đã nói, tuy các mega university có nhiều regional campus nhưng chỉ có một số campus nổi tiếng hơn các campus khác. Chẳng hạn University of California ở Berkeley campus nổi tiếng hơn University of California ở Santa Cruz campus, U of Michigan ở Ann Arbor nổi tiếng hơn Dearborn Campus…
Trong một chương khác chúng ta sẽ xem những lợi và bất lợi khi học một đại học lớn hay đại học nhỏ.

Một đại học Mỹ trung bình có bao nhiêu ngành học?

Có bao nhiêu ngành học trong một đại học trung bình (tức khoảng vài ngàn sinh viên)? Trả lời: Còn tùy. Nếu là đại học chỉ dạy về liberal arts (nghệ thuật tự do) thì hầu hết đều có một số ngành chính như: văn chương, Anh ngữ, ngoại ngữ, chính trị, nhân chủng học (anthropology), mỹ thuật (fine arts), vi tính, kinh doanh, kinh tế, toán, khoa học…nhưng nếu đại học ấy có các trường chuyên môn (college) như kỹ sư, luật, y khoa, dược khoa…thì số ngành học có thể lên đến vài trăm. Còn số môn học (course) thì có thể từ vài chục ở đại học nhỏ cho đến hàng ngàn môn ở đại học lớn.

Môn học chính mà bạn chọn để học cho đến tốt nghiệp gọi là ‘major.’ Tuy nhiên đôi khi có trường buộc bạn chọn một môn phụ gọi là ‘minor’ để học song song với môn chính. Một số sinh viên có khả năng có thể lấy hai ‘major’ (double major) như vật lý và toán chẳng hạn. Thường nếu lấy hai major thì phải học lâu thêm một tí (khoảng 1-2 semester nữa) mới tốt nghiệp được vì ngoài một số môn chung mà cả hai major đều đòi hỏi, sinh viên phải học thêm đủ môn cho major ấy.

Tổng quát hay chuyên khoa?
(Generalist or Specialist?)

Người Mỹ quan niệm rằng đại học phải có tính cách phổ thông, nhất là ở bậc cử nhân, để cho người nào có mức thông minh trung bình cũng theo học được·. Ngoài ra họ cũng cho rằng ở bậc học đầu tiên sinh viên cần có một tầm hiểu biết rộng (broad knowledge) hơn là sâu (deep knowledge) cho nên hai năm đầu (gọi là Freshman và Sophomore), đại học Mỹ khuyến khích sinh viên lấy các môn khác nhau, có tính cách tổng quát như ngoại ngữ, khoa học, toán, Anh văn, nhân chủng học, vi tính…Sang năm thứ ba (Junior) mới bắt đầu chuyên hoá (specialize) một phần. Đợi đến bậc Cao học (Graduate) thì mới chuyên hóa hoàn toàn. Vì thế hai năm đầu ở bậc cử nhân (bachelor) các sinh viên đều có các môn học chung (common core). Một số sinh viên quan niệm rằng hai năm đầu của đại học Mỹ có tính cách nối tiếp của bậc trung học nên không vất vả cho lắm. Nhiều sinh viên đến năm thứ 3 vẫn chưa muốn chuyên hoá (hay chưa biết mình thích học ngành gì) và đôi khi sinh viên đổi major 2-3 lần là thường trong học trình cử nhân.

 

3. Khác nhau giữa college và University.

Thế nào là Teaching University và Research University?

Khi nói đến đại học Mỹ ta thường hay nghe đề cập đến các danh từ ‘college’ hay ‘university.’ Có gì khác biệt giữa hai từ ngữ nầy? Thông thường, trong một university, tức ‘đại học’ theo nghĩa chung, có nhiều trường chuyên môn gọi là ‘college.’ Chẳng hạn như University of Iowa có college of engineering (trường kỹ sư), college of law (trường luật), college of nursing (trường y tá), college of business (trường kinh doanh), college of medicine (trường y khoa), college of pharmacy (trường dược khoa)…Đó là sự phân biệt chính thức.
Tuy nhiên danh từ college có khi được dùng để chỉ một đại học nhỏ, chẳng hạn như Grinnell College ở Grinnell, Iowa, Benoit College ở Wisconsin…Nói chung thì danh từ college và university đôi khi thường hay dùng lẫn lộn. Khi nói ‘học đại học’ thì người ta dùng câu ‘go to college’ chứ không nói ‘go to university.’ Ngoài ra, college đôi khi còn dùng để chỉ các trường dạy nghề như barber college (trường dạy hớt tóc), cosmetology college (trường dạy trang điểm)…Danh từ college ngày nay thường được dùng một cách rất lỏng lẻo. Các trường đại học 2 năm (2-year college) hay gọi là ‘đại học cộng đồng’ (community college) thì chỉ gọi là ‘college’ chứ không gọi là university mặc dù có vài community college cỡ lớn có đến 20.000 sinh viên!

Khác nhau giữa Teaching University và Research University

Sự khác biệt nầy rất quan trọng. Trong Teaching University thì nhiệm vụ chính là giáo dục sinh viên (thường là 4 year college) Lương bổng hay thăng thưởng đều căn cứ vào khả năng giảng dạy (teaching ability) của giáo sư. Ngược lại, ở các Research University (Đại học khảo cứu) thì sự thăng thưởng hay sa thải ban giảng huấn đều dựa vào khả năng và công trình nghiên cứu của giáo sư chứng minh qua các bài của giáo sư viết được đăng trên các tạp chí chuyên môn (professional journal).

Nói chung thì các Teaching University không nổi tiếng bằng các Research University. Ngược lại, đứng về phương diện giáo dục thì các giáo sư của các Teaching U. thường dạy giỏi hơn các giáo sư của các Research U. Nếu bạn nghĩ rằng giáo sư dạy giỏi quan trọng hơn việc nghiên cứu thì bạn nên theo học ở một Teaching U. vì bạn sẽ được dạy kỹ và chăm sóc chu đáo hơn. Vì các giáo sư ở Research U. thường bị áp lực về khảo cứu nên đôi khi họ là những researcher (nhà nghiên cứu) rất giỏi trong ngành của họ nhưng rất kém về khả năng giảng dạy! Nhiều professor-researcher giảng bài mà sinh viên không hiểu gì cả. Những trường hợp như thế rất thường thấy ở các Research U. Nhiều giáo sư ở các Research U. cho việc dạy sinh viên là một gánh nặng, họ không thiết dạy học mà chỉ thích vùi đầu nghiên cứu. Và đại học trả lương cho họ làm việc ấy.

Cũng may là ở các Research U có các phụ khảo (Teaching Assistant, gọi tắt là T.A.) là những sinh viên Cao Học hoặc tiến sĩ phụ giúp các giáo sư chính thức để dạy sinh viên. Nhiều khi các T.A. dạy rất khá vì họ đang trên đường huấn luyện để trở thành giáo sư nên họ soạn bài rất kỹ, giảng rất rõ ràng và say mê việc giảng dạy.

Nói chung thì đa số các Teaching U là các trường nhỏ, còn Research U. là các trường lớn và nổi tiếng hơn. Thật ra các trường Research U nổi danh thu hút đông sinh viên xuất sắc theo học. Tất cả những trường thuộc Ivy League (xem chương 7 để biết Ivy League là gì và gồm có những trường nào) đều là Research U. Cũng có khi Research U là một trường nhỏ như California Institute of Technology (Caltech). Trường nầy chỉ có hơn 1.000 sinh viên nhưng nổi tiếng khắp thế giới về kỹ thuật. Nhưng đây là một trường hợp đặc biệt.

Thông thuờng một Research U phải có ban giảng huấn xuất sắc, có khả năng thu hút các grant* (trợ cấp khảo cứu), có phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ. Nhiều phát minh quan trọng trong khoa học xuất phát từ các công trình nghiên cứu của các Research U. Các Research U. thường quảng cáo trong các thư mục của họ rằng họ cũng rất chú ý đến vấn đề teaching, nhưng bạn chớ tin vì các giáo sư ở Research U. đều biết rõ câu châm ngôn ‘Publish or perish’ (Có công trình khảo cứu nếu không thì bị đuổi). Và giáo sư nào nổi tiếng dạy giỏi, được sinh viên ưa thích mà không có công trình khảo cứu thì chỉ có ‘chết non’ thôi. Harvard U. quảng cáo rằng các sinh viên năm thứ nhất của trường đều được học với giáo sư (professor) chứ không phải học với T.A. nghĩa là sinh viên Harvard được chăm sóc kỹ lưỡng.

Thường thường thì các Teaching U là những trường chỉ cấp đến bằng B.A. (cử nhân) hay Masters mà thôi. Còn Research U mới cấp bằng Ph.D. (tiến sĩ) vì bậc Ph.D. là chuyên về nghiên cứu rồi. Một điểm cần nói thêm là điều kiện xin theo học các trường Teaching U. thường dễ hơn các trường Research U. Đây là một điểm bạn nên lưu ý. Chẳng hạn nếu bạn định trong tương lai chuyên về nghiên cứu mà xin vào các Research U thì khó. Trong trường hợp đó bạn cứ việc xin vào học ở một Teaching U để tốt nghiệp cử nhân với học bạ (transcript) tốt, rồi sau đó xin chuyển qua một trường Research U để theo học Masters hoặc Ph.D.

Tuy rằng các Teaching U. chú trọng về vấn đề ‘teaching’ nhưng họ cũng muốn ban giảng huấn của họ có uy tín trong ngành cho nên họ cũng khuyến khích các giáo sư làm các công trình research. Nếu các công trình ấy được xuất bản trong các tạp chí chuyên môn thì giáo sư cũng được ‘điểm thăng thưởng’ giống như khi dạy giỏi vậy.

 

4. Đại học 2 năm và đại học 4 năm

Tên các bằng cấp dùng trong đại học Mỹ
Đại học 2 năm hay đại học cộng đồng (Community College)

Phần lớn các đại học Mỹ là đại học 4 năm, tức đến bậc cử nhân. Tuy nhiên còn có cả ngàn đại học công thuộc loại 2 năm, nghĩa là chỉ cấp bằng A.A. (Associate of Arts) hay A.S. (Associate of Science) tức ‘bán cử nhân’ mà thôi. Vậy đại học 2 năm là đại học nào? Thông thường muốn vào đại học 4 năm bạn phải tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên nhiều người Mỹ không hội đủ điều kiện nầy chẳng hạn việc học bị gián đoạn khi còn trẻ và nay đã lớn tuổi cho nên chính phủ tiểu bang lập các trường đại học cộng đồng (community college) để giúp đỡ các công dân ấy. Hầu hết các thành phố trung bình (khoảng 50.000 dân) của Mỹ đều có ít nhất một community college. Điều kiện nhập học của các community college là bạn phải 18 tuổi trở lên mà thôi. Các community college có rất nhiều môn học, đa số để đáp ứng các nhu cầu địa phương như chương trình chăn nuôi (animal husbandry), nông nghiệp (farming), hoặc dạy nghề sửa xe hơi, lái xe vận tải lớn, sửa vi tính…ngoài các môn học thông thường. Khi tốt nghiệp với bằng A.A. bạn có thể chuyển qua đại học 4 năm để học tiếp bằng cử nhân (Bachelor). Nhiều sinh viên ngoại quốc sang Mỹ theo học ở các community college trước, sau khi tốt nghiệp thì chuyển sang các trường lớn hơn.

Học phí của các community college rất rẻ, nhiều khi chỉ bằng ¼ các state university. Học phí thường được tính bằng credit hour (giờ tín chỉ). Chẳng hạn ở trường state, mỗi credit hour (một môn học trung bình là 3 credit) khoảng $ 150, nghĩa là mỗi môn học với 3 credit bạn phải trả $450 thì ở community college bạn chỉ phải trả khoảng $40 hay $120 cho mỗi môn mà thôi, nghĩa là nếu nghèo thì sinh viên vẫn có thể theo học được.

Sinh viên ở community college thuộc đủ thành phần, già có, trẻ có, khác với các đại học 4 năm mà hầu hết các sinh viên đều trạc tuổi nhau. Những sinh viên ‘già’ thì thường được gọi là ‘non-traditional student’ (không phải sinh viên truyền thống). Các sinh viên ‘già’ đôi khi không lanh lợi bằng các sinh viên trẻ, nhưng ngược lại họ siêng năng, ham học hơn vì họ ‘học để biết’ chứ không phải học để kiếm việc làm.

Dù một số sinh viên các trường community college không tốt nghiệp trung học nhưng trước khi ra trường với bằng A.A., họ được khuyến khích học thêm để lấy bằng GED (General Education Diploma) tức tương đương trung học để các đại học 4 năm nhận họ vào học chính thức như những sinh viên khác.

Vì để đáp ứng nhu cầu của các sinh viên lớn tuổi tức những người vừa làm vừa học thêm cho nên các community college mở rất nhiều môn học vào buổi chiều và tối để những người bận làm việc ban ngày có thể theo học được. Bạn có thể học bán thời gian (part time) vào buổi tối mà vẫn đủ môn tốt nghiệp A.A. như thường. Chỉ có khác là phải học lâu hơn 2 năm.

Nếu bạn muốn tiết kiệm tiền học thì theo ý chúng tôi, bạn có thể xin vào các community college trước, học lấy bằng A.A. rồi xin chuyển qua các trường 4 năm.

Một lợi điểm khác bạn cần biết là nhiều trường community college có chương trình ESL (English as a Second Language) để giúp đỡ các sinh viên ngoại quốc chưa đủ Anh Ngữ trong khi các trường 4 năm, ít có trường nào có chương trình nầy, hoặc nếu có thì học phí khá đắt.
Hiện nay các community college nhận ra rằng sinh viên ngoại quốc là một nguồn lợi tức lớn cho trường nên các trường nầy tìm cách thu hút các ứng sinh ngoại quốc bằng cách quảng cáo mạnh qua các toà đại sứ hay lãnh sự Mỹ ở ngoại quốc.

 

5.  Đại học 4 năm

Đa số các đại học Mỹ là các đại học 4 năm nghĩa là có thể cấp bằng B.A. (cử nhân). Một số đại học cấp bằng Master (Cao học) cũng thuộc loại 4 năm. Điểm khác biệt quan trọng giữa đại học 4 năm và đại học 2 năm là ban giảng huấn. Những giáo sư đại học 4 năm hầu hết đều có tiến sĩ (Ph.D.) trong khi các giáo sư của đại học 2 năm chỉ cần có Bachelor hay Master là đủ.

Các giáo sư chính của đại học 4 năm thường dạy toàn thời gian ở trường ấy, ít khi nào dạy 2-3 trường trừ trường hợp được trường chính của mình cho phép.

Đại học 4 năm thường có nhiều môn và nhiều ngành hơn đại học 2 năm. Một số đại học 4 năm có cả những ngành như pre-med (chuẩn bị y khoa) hay pre-engineering (chuẩn bị kỹ sư) cho những sinh viên muốn tiến xa hơn sau khi tốt nghiệp. Nếu bạn có ý định theo học các ngành nầy thì phải xem trường bạn theo học có các chương trình ấy hay không để bạn đỡ phải tốn thì giờ học lại khi xin chuyển sang các trường chuyên môn.

Thành phần sinh viên (student body) của đại học 4 năm cũng thuần nhất hơn, không như đại học 2 năm trong đó có nhiều chênh lệnh về tuổi tác và trình độ học vấn giữa các sinh viên.

Tên các bằng cấp dùng trong đại học Mỹ

Để hiểu thêm, bạn cũng nên quen thuộc với danh hiệu của một số văn bằng dùng trong đại học Mỹ:

A.A. Associate of Art (bán cử nhân)
A.S. Associate of Science
B.A. Bachelor of Art (Cử nhân)
B.Arch. Bachelor of Architecture (Cử nhân kiến trúc)
B.F.A. Bachelor of Fine Art (Cử nhân mỹ thuật)
B.S. hay B.Sc. Bachelor of Science
M.A. Master of Art
M.B.A. Master of Business Administration* (Cao Học Kinh Doanh)
M.F.A. Master of Fine Arts *
M.Arch. Master of Architecture*
M. Div. Master of Divinity (Cao Học thần học)
M.Ed. Master of Education (Cao Học Giáo dục)
M.L.S. Master of Library Science (Cao Học khoa quản thủ thư viện)
M.P.H. Master of Public Health (Cao Học Y tế Công cộng)
M.S. Master of Science
D.B.A. Doctor in Business Administration**
Ed.D. Doctor in Education (Tiến sĩ giáo dục)
Ph.D. Doctor in Philosophy (Tiến sĩ)
M.D. Doctor in Medicine (Bác sĩ y khoa)
J.D. Juris Doctor (Tiến sĩ luật khoa)
Th.D. Doctor in Theology (Tiến sĩ thần học)

 

6. Trường công, trường tư, trường đạo

Khi nói đến trường công (public university) ta thường nghĩ ngay đến các trường do chính phủ liên bang (federal government) thiết lập và quản trị. Thật ra, chính phủ liên bang không thiết lập hay quản trị trường đại học nào mà chỉ quản trị các trường có tính cách quân sự như West Point (đào tạo sĩ quan lục quân), Annapolis (đào tạo sĩ quan hải quân), U.S. Air Force Academy (đào tạo sĩ quan không quân) và U.S. Coast Guard Academy (đào tạo sĩ quan tuần duyên) mà thôi. Tuy nhiên, chính phủ liên bang có chương trình tài trợ (finance) cho sinh viên theo học các trường đại học, không phân biệt công tư.

Như thế, trường công ở Mỹ là các trường do chính phủ tiểu bang (state government) thiết lập và tài trợ. Thường thường chúng ta có thể nhận ra trường công khi thấy tên: state university như Oklahoma State U, Ohio State U…Tuy nhiên cũng có những trường công không mang tên State University như University of Michigan, University of Virginia, University of Iowa…Nhiều tiểu bang có hai hoặc ba bốn trường công. Chẳng hạn Indiana có Purdue University, Indiana University, Indiana State U. cho nên đôi khi phải xem kỹ mới biết rõ trường nào là công hay tư. Một số tiểu bang có hai hệ thống trường công, chẳng hạn California có hệ thống U of California gồm hơn 10 campus và hệ thống California State U gồm hơn 15 campus. Hai hệ thống nầy biệt lập với nhau nhưng đều được state tài trợ.
Những trường không do chính phủ tiểu bang tài trợ thì đa số là trường tư (private university). Một số trường tư có tính cách độc lập (independent). Một số khác trước kia do các giáo phái (denomination) thành lập như Princeton U. do giáo phái Presbyterian thiết lập nhưng lâu dần các trường nầy trở thành trường thế tục (secular university) tuy rằng vẫn giữ liên hệ lỏng lẻo với giáo phái đã thành lập.
Đa số trường tư thường thường không liên hệ với giáo phái nào. Tuy nhiên có những trường hiện vẫn liên hệ chặt chẽ với các giáo phái. Những trường nầy gọi là trường đạo (parochial college). Đừng lầm tưởng trường đạo chỉ dạy đạo hoặc sinh viên buộc phải học đạo khi theo học các trường ấy. Điều nầy không đúng. Có những trường đạo là những đại học thuộc loại nghiên cứu (research university) khá nổi tiếng. Trong số đó phải kể University of Notre Dame ở South Bend (Indiana), Creighton U ở Omaha (Nebraska), Southern Methodist U. ở Dallas (Texas), Emory U ở Atlanta (Georgia)…
So sánh về phẩm chất thì khó có thể nói được rằng trường công hay trường tư, loại nào tốt hơn. Chương 7 cho thấy các trường Ivy League nổi tiếng khắp nước Mỹ đều là trường tư. Điều đó không có nghĩa là trường tư nào cũng nổi tiếng. Có các trường công như U of Illinois, U of Iowa, Iowa State U, U of Michigan, U of Minnesota, U of California…cũng có uy tín không kém.
Một điểm khác biệt chính yếu là học phí ở các trường công thường rẻ hơn các trường tư. “Rẻ” là cho những sinh viên cư ngụ chính thức trong tiểu bang (state resident). Nếu bạn không phải cư dân chính thức của tiểu bang thì tiền học có thể đắt gấp 3-4 lần. Ví dụ bạn là cư dân của Texas thì nếu bạn theo học ở U of Texas ở Austin hay Arlington chẳng hạn, bạn chỉ phải trả khoảng 1.000 mỹ kim một lục cá nguyệt (semester) trong khi nếu bạn từ tiểu bang khác đến, bạn phải trả khoảng 3.000 mỹ kim. Tại sao có sự phân biệt nầy? –Tại vì nếu bạn là cư dân trong tiểu bang tức bạn hay cha mẹ bạn đã đóng thuế cho tiểu bang ấy vì thế bạn có quyền được hưởng lợi ích về mặt giáo dục do tiểu bang cung cấp. Ngoài ra, điều kiện nhập học cũng dễ dàng hơn cho các sinh viên cư ngụ trong tiểu bang so với các sinh viên ngoài.
Còn một lợi điểm đáng kể nữa là một số trường y khoa công lập thường dành một số chỗ ưu tiên cho các sinh viên của tiểu bang. Chẳng hạn mỗi năm trường y khoa của U of Iowa nhận khoảng 400 sinh viên vào năm thứ nhất thì trong số đó khoảng 100 chỗ dành cho sinh viên của Iowa, 300 chỗ còn lại cho sinh viên các tiểu bang khác (phải cạnh tranh với nhau rất gắt gao).
Thông thường muốn được hưởng qui chế học phí áp dụng cho cư dân tiểu bang thì bạn phải đến cư ngụ ở tiểu bang đó ít nhất 12 tháng trước khi ghi danh học. Nghĩa là bạn hay cha mẹ bạn đến định cư ở tiểu bang ấy chứ không phải đến với mục đích theo học. Muốn hưởng qui chế nầy bạn phải chứng minh bằng tờ khai thuế lợi tức (income tax return) đồng niên.
Nếu bạn là sinh viên ngoại quốc thì đa số trường công buộc bạn phải trả học phí tương đương với sinh viên không phải cư dân (non-resident) của tiểu bang hoặc cao hơn nữa. Nhiều đại học rất thích các sinh viên ngoại quốc (foreign student) vì các sinh viên nầy thường phải trả nguyên học phí gọi là “full fare” khá cao. Học phí nầy là nguồn lợi tức (source of income) đáng kể cho các đại học nhỏ.

Khó có thể bảo rằng bạn nên theo học trường công hay trường tư vì còn nhiều yếu tố quan trọng khác bạn cần biết như chương trình học, phẩm chất của giáo sư, phương tiện học hỏi như máy vi tính và thư viện… Nếu học phí là một mối quan tâmchính của bạn thì bạn nên theo học một trường nào ‘nhẹ tay’ đối với sinh viên ngoại quốc, bất kỳ công tư. Tuy nhiên, một điểm rất quan trọng bạn cần biết là trường bạn theo học có được ‘chuẩn nhận’ (accredited) do một cơ quan độc lập cấp hay không vì ở Mỹ bộ giáo dục* quốc gia không có thẩm quyền hay nhiệm vụ xác định phẩm chất và giá trị của văn bằng. Nếu văn bằng của bạn do một trường không được chuẩn nhận (non-accredited) cấp phát thì xem như không có giá trị gì và rất khó xin học lên cao, chuyển trường hay đi xin việc. Nói chung thì tất cả các trường công đều được ‘chuẩn nhận’ nhưng không phải trường tư nào cũng được chuẩn nhận.

Khi xét hồ sơ sinh viên Việt-Nam, nếu bạn tốt nghiệp một đại học công lập thì các đại học Mỹ xem như bằng cấp ấy có giá trị vì họ căn cứ theo tổ chức giáo dục Âu châu.

Làm thế nào để biết trường bạn định xin theo học đã được “chuẩn nhận”hay không? –Rất dễ. Các trang đầu tiên của những thư mục (catalogue) của đại học ấy đều ghi rõ dưới tiểu mục “Accreditation.”

Dưới đây là một đoạn trích về accreditation từ catalog của một đại học công (Illinois State University):

“Illinois State University is accredited through the doctoral level by the Commission on Institutions of Higher Education of the North Central Association of Colleges and Schools and by the National Council for Accreditation of Teacher Education. In addition, 18 programs hold discipline-based accreditation.” (p.7)
Tạm dịch:
“Đại học Illinois State được chuẩn nhận cho đến cấp tiến sĩ qua Uy Hội các trường cấp cao thuộc North Central Association của các đại học và học đường và qua Hiệp Hội Quốc Gia Chuẩn Nhận Chương trình đào tạo Giáo chức. Ngoài ra, 18 chương trình khác cũng được chuẩn nhận theo ngành.” (tr.7)

Ngoài việc được chuẩn nhận tổng quát, các chương trình chuyên môn như kỹ sư, kinh doanh…cũng phải được chuẩn nhận qua các Hiệp Hội Chuẩn Nhận của ngành ấy.

 

7. IVY LEAGUE LÀ GÌ?

Ivy League là một tổ hợp tám trường đại học cổ kính và nổi tiếng nhất nước Mỹ. Tất cả các trường nầy đều nằm phía Đông Hoa kỳ. Những trường Ivy League đều là trường tư và đã đào tạo ra nhiều tổng thống, nhiều văn sĩ, chính khách, và nhiều khoa học gia nổi tiếng khắp thế giới. Người Mỹ nào cũng ao ước con mình được theo học Ivy League. (Con gái của tác giả cũng có may mắn ấy!) Thường thường khi nói đến Ivy League là người ta nghĩ ngay đến những trường giàu nhất, có phương tiện dồi dào nhất, được các công ty Mỹ ủng hộ nhiều nhất, các sinh viên xuất sắc nhất…Ivy League còn là nơi đào tạo những chính khách lỗi lạc nhất trên nước Mỹ. Cố Tổng thống John F. Kennedy xuất thân từ Harvard, nguyên tổng thống George Bush Sr. xuất thân từ Yale, cố tổng thống Woodrow Wilson trước kia dạy ở Princeton.

Các trường nầy rất khó vào vì số ứng viên xin theo học Ivy League bao giờ cũng gấp mười lần số sinh viên được nhận học. Dưới đây là một đoạn trich trong quyển thư mục (catalog) của trường Đại học Yale, một trong những trường thuộc Ivy League về cơn số ứng sinh so với con số sinh viên chính thức được nhận.

Đừng quên rằng đa số ứng sinh (applicant) xin nhập học đều là những học sinh xuất sắc chứ không phải tầm thường. Hầu hết đều có GPA gần 4.0 và điểm SAT hay ACT cũng rất cao. Thế thì những trường nầy dựa vào các tiêu chuẩn nào để chọn ứng sinh? Thông thường ngoài khả năng học vấn, các trường Ivy League còn nhìn vào những khả năng đặc biệt của ứng sinh về nhạc, kịch, diễn thuyết, lãnh đạo hay đã đóng góp vào cộng đồng như tham gia các công tác thiện nguyện… Được nhận vào Ivy League là một vinh dự lớn lao cho ứng viên và gia đình vì sau khi tốt nghiệp từ các trường ấy ra, sinh viên chắc chắn có nhiều công ty lớn mời làm việc với lương cao và nhiều quyền lợi. Nghĩa là sinh viên tốt nghiệp từ Ivy League không phải đi “tìm việc” mà việc sẽ “tìm” họ!

Lưu ý rằng đa số các trường thuộc Ivy League không phải là trường lớn theo sĩ số sinh viên mà là trường có uy tín vì thành phần ban giảng huấn rất nổi danh, nếu về khoa học thì một số đã đoạt giải Nobel trong ngành mình (Về số giáo sư được giải Nobel thì đứng đầu là Harvard, tiếp là University of California ở Berkeley, rồi đến Stanford University, University of Chicago). Albert Einstein, một nhà vật lý nổi danh vào thế kỷ 20 với thuyết tương đối (Relativity Theory) và đoạt giải Nobel về vật lý, trước kia đã dạy ở Đại Học Princeton, tiểu bang New Jersey. Ngoài ra, các sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ (Ph.D.) ở các trường Ivy League ra thì xem như chắc chắn sẽ được mời dạy ở các trường khác thuộc Ivy League hoặc dạy ở bất cứ Đại Học lớn nào trên nước Mỹ.

Vậy Ivy League gồm có những trường nào? Đứng đầu là Harvard ở Massachussetts, rồi đến Yale (Connecticut), Columbia (New York), Brown (Rhode Island), Darmouth (New Hampshire), Cornell (New York), University of Pennsylvania (Pennsylvania) và Princeton (New Jersey). Đây không phải là thứ tự về uy tín. Các trường thuộc Ivy League đều nổi tiếng như nhau. Sở dĩ Harvard University xếp hàng đầu vì trường nầy xem như đại diện cho Hoa-kỳ trên khắp thế giới và là trường đại học lâu đời nhất của Mỹ (1636) khi Hoa kỳ mới bắt đầu lập quốc.

Nói như thế không phải là các trường ngoài Ivy League không có uy tín. Một số trường khác cũng nổi danh không kém các trường Ivy League, chẳng hạn vùng West có Stanford University, U of California ở Berkeley, U of California Los Angeles (UCLA), U of California San Diego, U of Southern California, California Institute of Technology thường gọi tắt là Caltech. Tất cả các trường nầy đều ở California. Vùng Mid-West (Trung Tây) có U of Minnesota, U of Wisconsin ở Madison (Wisconsin), U of Iowa, U of Michigan, Michigan State U, U of Chicago, U of Illinois, Northwestern University (ba trường sau thuộc tiểu bang Illinois), Purdue U và Indiana U (Indiana). Ở vùng Đông có Carnegie-Mellon U, Pennsylvania State University (­) (Pennsylvania), Massachussetts Institute of Technology, gọi tắt là MIT (Massachussetts) là một trường chuyên về khoa học và engineering nổi tiếng khắp thế giới, Johns Hopkins University (Baltimore, Maryland) nổi tiếng về y khoa, Duke U và U of North Carolina (North Carolina), New York U (New York),. Vùng Nam có Rice U và U of Texas ở Austin (Texas)…Nói chung, ngoài Ivy League ra còn có mấy chục trường khác khá nổi tiếng. Nếu bạn may mắn được nhận vào học một trong các trường Ivy League thì tôi thành thật chúc mừng bạn! Nếu không thì bạn cũng đừng buồn vì còn vô số trường tốt ngoài Ivy League mà bạn có thể được nhận học. Ngoài ra tùy ngành học, bạn không nhất thiết phải tốt nghiệp ở Ivy League ra mới ‘sáng giá’ đâu.
Cũng cần nói thêm là theo học các trường Ivy League khá vất vả vì bạn phải thi đua với những bộ óc thông minh nhất nước Mỹ và thế giới. Nếu bạn đã từng là “a big fish in a small pond” (con cá lớn trong ao nhỏ), nghĩa là bạn nổi bật trong trường bạn học bên Việt-Nam, thì vào Ivy League, bạn sẽ thấy mình chỉ còn là “a small fish in a big pond!” (con cá nhỏ trong ao lớn) mà thôi. Ngoài ra bạn phải trả học phí khá cao. Để bạn có một ý niệm về phí tổn theo học các trường thuộc Ivy League: Năm 2002 bạn cần có ít nhất 35.000 đô-la mỗi năm để theo học Harvard! Điều bạn cần biết thêm là học phí của các trường thuộc Ivy League đều tương đương như nhau, không trường nào ‘rẻ’ hơn trường nào. Có sai biệt khoảng độ vài ngàn đô la mỗi năm là cùng!

Thông thường thì việc xin học Ivy League ở bậc cử nhân (undergraduate) gay go nhất vì ứng sinh quá đông. Một cách có thể được nhận vào Ivy League là bạn cố gắng học bậc undergraduate cho thật xuất sắc ở một trường ngoài Ivy League rồi sau đó sẽ xin theo học bậc Master và Ph.D. tức bậc graduate ở Ivy League vì ở bậc học nầy sự cạnh tranh sẽ ít hơn và bạn sẽ có nhiều triển vọng được nhận học hơn.

Một câu hỏi thường được nêu lên là: Nếu học phí ở Ivy League quá cao thì có phải rằng chỉ có những ứng sinh ‘học giỏi, con nhà giàu,’ mới đủ tiền theo học hay không? –Không nhất thiết. Vì Ivy League muốn thu hút các ứng sinh xuất sắc nhất nước Mỹ và thế giới nên họ có rất nhiều chương trình tài trợ (financial aid) cho các ứng sinh giỏi nhưng không đủ tiền theo học. Vì thế mà trong campus của Ivy League bạn sẽ thấy sinh viên thuộc đủ mọi thành phần và mọi quốc tịch trên thế giới.

Một lý do thường ít ai biết đến là một số các sinh viên ngoại quốc được chính phủ gởi đi với dạng ‘liên chính phủ’ (government-to-government) rất có thể được vào Ivy League học, không phải qua các thủ tục tuyển chọn khó khăn như các sinh viên Mỹ vì chính phủ Hoa-kỳ biết rằng những sinh viên ấy nếu tốt nghiệp từ Ivy League ra hầu hết sẽ trở về đóng vai lãnh đạo quốc gia hay giữ các chức vụ cao cấp ở quê hương mình cho nên Hoa-kỳ muốn ‘gây thiện cảm’ trước cho các vị nguyên thủ và nhân viên cao cấp tương lai của các quốc gia ấy nên dành một số ít chỗ cho họ theo học ở Ivy League. Thường thường khi báo chí Mỹ đăng tiểu sử của một vị nguyên thủ ngoại quốc, nếu vị ấy đã xuất thân từ Ivy League ra thì họ sẽ không ngần ngại ghi: President X., a Harvard graduate hay Prime Minister Y., a Princeton graduate…(Quốc Vương hiện thời của Thái lan, Bumibol Adulyadet xuất thân từ Harvard!)

Một danh từ bạn nên biết về Ivy League là ‘endowment.’ ‘Endowment’ nói chung là số vốn tài chánh (ngoài số học phí các sinh viên đóng, và các khoản ‘trợ cấp nghiên cứu’ chuyên môn gọi là ‘research grants’ của chính phủ…) mà một đại học có sẵn để đầu tư, tài trợ học phí cho sinh viên nghèo, và phát triển trường. Trường nào có endowment lớn là trường ấy giàu, có nhiều phương tiện để nghiên cứu. Đứng đầu sổ của endowment phải kể Harvard University vì trường nầy rất giàu (vài trăm tỉ mỹ kim). Đa số các trường khác thuộc Ivy League đều có số endowment rất lớn.

 

8. Big Ten là gì?

Mỗi năm vào mùa thu tức mùa khai giảng Đại Học, các đội túc cầu[1] Mỹ thường giao đấu với nhau mỗi chiều thứ bảy. Tuy nhiên nổi bật hơn cả là những trận đấu giữa 10 trường đại học lớn[2], có uy tín, thuộc miền Trung Tây (Mid-West). Các trận đấu nầy thu hút hàng mấy chục ngàn khán giả đến xem đấu ở sân túc cầu của đại học, chưa kể hàng triệu khán giả xem qua màn ảnh ti-vi ở nhà. Những trận đấu có khi diễn ra tại sân nhà gọi là ‘home game’ hay đi đấu ở sân các trường khác.

Big Ten đều là những đại học nghiên cứu (Research University) lớn, có uy tín. Hầu hết là trường công, ngoại trừ Northwestern U.
Big Ten là những trường nào? Đó là U of Minnesota (trường công), U of Iowa (trường công), Northwestern U (trường tư), U of Illinois (trường công), U of Michigan và Michigan State U (trường công), Purdue U và Indiana U (trường công), Ohio State U (trường công), U of Wisconsin (trường công) và Pennsylvania State U (trường công).

Bạn được theo học Big Ten thì xem như thuộc hạng khá vì các trường nầy không những nổi tiếng về football mà nổi tiếng về giáo dục nữa.
Khi nói đến ‘lớn’ (big) là ta nghĩ ngay đến sĩ số sinh viên. Đa số các trường thuộc Big Ten có sĩ số sinh viên từ 28.000 trở lên, ngoại trừ Northwestern U. ở Chicago, Illinois, chỉ có 13.000 sinh viên. Nhưng Northwestern là một trường ‘nặng ký’ trong ngành research, nổi tiếng ngang ngửa với Ivy League.

Cuối mùa giao đấu, đội nào vô địch trong Big Ten sẽ được gởi đi giao đấu với đội vô địch của Pac Ten (Pacific Ten) tức 10 đại học lớn miền Tây, giáp giới Thái bình dương trong một trận đấu gọi là Rose Bowl vào đầu năm DL ở Pasadena, California. Trận đấu vô địch hằng năm nầy rất nổi tiếng vì ngày 1 tháng 1 DL, dịp kỷ niệm Tân Niên (New Year), có cuộc diễn hành xe hoa gọi là Rose Parade rực rỡ thu hút hàng triệu du khách đến Pasadena. Bạn có thể xem chương trình Rose Parade qua ti-vi cũng thích thú không kém.

Được đi đấu Rose Bowl là một vinh dự lớn. Và nếu thắng ở Rosebowl thì vinh dự ấy sẽ ở với tên trường mãi mãi.

Vì Big Ten football quan trọng như thế cho nên các ông bầu (coach) của Big Ten không những được lãnh lương cao (vài trăm ngàn mỹ kim một năm) mà còn phải đi tìm và tuyển những cầu thủ xuất sắc về chơi ở đội mình. Sự tuyển chọn nầy nhiều khi đi đến những sự dành giựt rất gay cấn nếu cả hai hoặc ba trường đều muốn kéo cùng một cầu thủ cho mình.

Các trận đấu football thường bắt đầu từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11 là chấm dứt vì mùa Đông đến, không thể đấu ngoài trời được.

Mùa Đông và mùa Xuân thì chơi basket ball (bóng rổ) trong nhà. Tuy không rầm rộ bằng football nhưng basket ball cũng thu hút rất đông khán giả.

Ngoài Rose Bowl còn có hàng mấy chục bowl khác như Orange Bowl, Cotton Bowl…của những trường ngoài Big Ten giao đấu với nhau hàng năm nhưng chỉ có Rose Bowl là được toàn quốc chú ý đến nhiều nhất mà thôi.

Đó là nói về football liên đại học (inter-varsity). Bên ngoài cũng có những đội football chuyên nghiệp (professional team) của các thành phố lớn mà tầm mức vĩ đại hơn college football nhiều. Các đấu thủ của các đội nầy lãnh khế ước lên đến hàng triệu đô la mỗi năm. Trận đấu chung kết toàn quốc hằng năm vào cuối tháng giêng gọi là Super Bowl, thu hút hầu hết dân Mỹ. Trận nầy đưa đến nhiều cuộc đánh cá quan trọng về tiền để ức đoán đội nào thắng, đội nào thua.

Các đấu thủ của college football không lãnh lương, đa số được học bổng để theo học. Tuy nhiên, nếu xuất sắc, khi tốt nghiệp, một số các cầu thủ nầy sẽ được các đội chuyên nghiệp tuyển mộ, lúc đó họ sẽ lãnh lương rất cao, nhất là các cầu thủ giữ vai quarterback (tiền đạo) cho đội mình trong khi đấu ở đại học. Những quarterback thường được khán giả hâm mộ, nhất là các cô gái.

Có thể nói rằng dân Mỹ có 2 tôn giáo chính: ‘Cơ đốc giáo’ (Christianity) và ‘thể thao giáo’ (sports) vì hầu như họ ‘tôn thờ’ sports. Nhiều người say mê sports đến ‘nghiện.’ Báo chí các đài truyền hình đều dành một số trang đặc biệt hay một phần chương trình cho thể thao. Sports là một kỹ nghệ rất lớn ở Mỹ.

Đôi khi bạn tự hỏi: Các trường thuộc Ivy League có nổi tiếng về football hay không? –Không. Các trường nầy tuy có đội football và basket ball nhưng không quan tâm lắm đến việc ‘tranh để thắng.’ Cách đây khoảng 20 năm, viện trưởng của U of Chicago, một Research U. danh tiếng, khi lên nhậm chức tuyên bố bãi bỏ sports của trường mình. Ông bảo, ‘Đây là một trường thuộc loại nghiên cứu, không phải để đấu football.’ Hành động của ông bị báo chí và các cựu sinh viên phản đối kịch liệt nhưng không đi đến đâu.

* gồm hơn 1.800 trường đại học 4 năm và khoảng 1.400 trường đại học 2 năm (đại học cộng đồng)
* nhật báo nầy thường do ban đại diện sinh viên phụ trách, xuất bản mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu và phát không cho sinh viên,
* Những trận đấu giữa các đại học thường thu hút mấy chục ngàn khán giả đến xem. Nếu bạn nhân mỗi vé xem túc cầu (khoảng 20 đô la) cho 40.000 khán giả thì bạn sẽ thấy nguồn lợi tức mỗi trận đấu lớn lao như thế nào, chưa kể nếu trận đấu cũng được truyền hình nữa thì lệ phí (fee hay royalty) mà hãng truyền hình trả cho các đại học có đội đang đấu lại là một số tiền lớn khác nữa.
Quan niệm nầy khác với quan niệm giáo dục Âu châu, nhất là Pháp (có thể cả Việt-Nam nữa), chủ trương rằng đại học là cho thành phần ưu tú (elite), nghĩa là những người có trình độ thông minh trên mức trung bình so với đa số dân chúng. Vì thế mà tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học ở các quốc gia Âu châu khá thấp, nghĩa là tỉ lệ thi hỏng (failing rate) hay bị đánh hỏng khá cao.
* ‘grant’, đôi còn gọi là Research grant (trợ cấp khảo cứu) là những khoản tiền do các công ty lớn hay của chính phủ liên bang (federal government) cấp cho giáo sư để nghiên cứu về một đề tài nào đó như ‘ảnh hưởng của phân bón đối với môi sinh’ chẳng hạn. Những số tiền nầy có khi lên đến cả chục triệu mỹ kim cho nên các trường Research U đều cạnh tranh để có được các ‘grant’ nầy. Giáo sư nào thu hút được nhiều ‘grant’ thì xem như ‘sáng giá’ trong trường và trong ngành mình.
* Ba văn bằng M.F.A, M.Arch, và M.B.A. thường được gọi là ‘bằng tận cùng’ (terminal degree) vì không có bằng cấp nào cao hơn nữa của ngành ấy.
** Một số đại học như Harvard U và Indiana U cấp bằng D.B.A. cho ngành Business Administration thay vì bằng Ph.D. Tuy nhiên hai văn bằng nầy tương đương với nhau.
* Bộ Giáo Dục (Department of Education) Mỹ chỉ lo về vấn đề tài trợ cho sinh viên và các vấn đề chống kỳ thị (anti discrimination) khác chứ không có thẩm quyền gì về vấn đề điều hành giáo dục quốc gia (national education) như các nước Âu châu.

Trường nầy là đại học công. Đừng lầm với U of Pennsylvania là trường tư thuộc Ivy League.
[1] Túc cầu Mỹ (football) là một môn thể thao được dân Mỹ rất ưa chuộng và say mê. Môn chơi nầy không giống môn ‘túc cầu’ hiểu theo nghĩa Việt-Nam tức là ‘bóng đa.’ Môn ‘bóng đá’ thì người Mỹ gọi là ‘soccer.’ Môn soccer hiện đang dần dần phổ thông trong các trường trung học Mỹ vì nó dễ chơi và ‘rẻ tiền’ hơn football.
[2] Mấy năm trước đây có thêm một đại học lớn khác gia nhập Big Ten: Pennsylvania State U. thành ra
là Big Eleven nhưng danh từ Big Ten vẫn còn dùng vì dân chúng đã quen.